Mục tiêu nhằm trợ giúp cho người dân di cư từ Lào về Việt Nam không bị đói, có nơi ở tạm và đảm bảo các nhu cầu, điều kiện sống tối thiểu; hỗ trợ các điều kiện cần thiết về nơi định cư, về đất ở, đất sản xuất; vay vốn, học nghề, tạo việc làm; đảm bảo điều kiện cơ bản về y tế và giáo dục, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững để người dân sớm hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống lâu dài.
Chính sách trên được thực hiện tại 10 tỉnh có chung đường biên giới với Lào gồm: Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Kon Tum.
Thời gian thực hiện trong 3 năm (từ năm 2016 đến năm 2018) và có thể được kéo dài nếu Thỏa thuận giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do, kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước được gia hạn.
Nhiều người Việt Nam đang sinh sống và làm ăn tại Lào. ảnh: TTXVN. |
Đối tượng được thụ hưởng chính sách là hộ gia đình (có từ 2 nhân khẩu trở lên) di cư tự do trong vùng biên giới Việt Nam - Lào trước ngày 8 tháng 7 năm 2013 do Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào trao trả và Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tiếp nhận; cộng đồng dân cư tiếp nhận hộ tái định cư tập trung và xen ghép.
Những đối tượng trên sẽ được hỗ trợ đột xuất; hỗ trợ bố trí, sắp xếp ổn định dân cư; hỗ trợ phát triển sản xuất, ổn định đời sống.
Cụ thể, trong thời gian mới về nước, chưa đăng ký được hộ khẩu, hộ tịch, các hộ gặp khó khăn về đời sống được hỗ trợ 3 triệu đồng/hộ để mua lều bạt làm nơi ở tạm (hỗ trợ 1 lần); hỗ trợ 15 kg gạo/người/tháng và hỗ trợ y tế 50.000 đồng/người/tháng trong thời gian 3 tháng tính từ thời điểm về Việt Nam.
Các xã tiếp nhận hộ dân về định cư xen ghép được hỗ trợ 50 triệu đồng/hộ để tạo đất ở, đất sản xuất cho các hộ mới đến, đầu tư một số công trình thiết yếu, khuyến nông, khuyến lâm, phát triển cộng đồng.
Sau khi được nhập hộ khẩu, hộ tịch, các hộ di cư về nước được thụ hưởng các chính sách an sinh, xã hội theo các quy định hiện hành như hỗ trợ khai hoang, cải tạo đất lúa, đất nương rẫy; hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất; hỗ trợ học nghề...