Reuters ngày 27/1 đưa tin, cơ quan đại diện của Hoa Kỳ tại Đài Bắc, AIT ngày 27/1 tuyên bố, việc ông Mã Anh Cửu, lãnh đạo Đài Loan sắp mãn nhiệm hôm nay đi thị sát (bất hợp pháp) đảo Ba Bình, Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam) là việc làm "cực kỳ vô ích".
Ông Mã Anh Cửu, ảnh: CNN. |
Văn phòng ông Mã Anh Cửu trước đó thông báo, chuyến bay ra Ba Bình hôm nay ông Mã Anh Cửu chủ yếu muốn chúc tết lực lượng Đài Loan đồn trú (bất hợp pháp) trên đảo Ba Bình.
"Chúng tôi thất vọng rằng Tổng thống Mã Anh Cửu lập kế hoạch đi thị sát đảo Ba Bình. Một hành động như vậy là cực kỳ vô bổ và chẳng giúp gì cho việc giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông", người phát ngôn AIT, Sonia Urbom cho biết.
Tưởng Giới Thạch từng lợi dụng danh nghĩa Đồng Minh giải giới quân Nhật sau Chiến tranh Thế giới II, năm 1946 đã cho quân chiếm đảo Ba Bình, nhưng sau đó rút lui. Theo The Diplomat ngày 28/1, Đài Loan chính thức tái chiếm Ba Bình và đồn trú bất hợp pháp từ 1956 đến nay.
Hiện có khoảng 200 quân Đài Loan đóng ở đảo này. Đảo Ba Bình cũng trở thành một trong những trọng tâm vụ kiện của Philippines ra Tòa Trọng tài Thường trực, trong đó Manila đề nghị Tòa ra phán quyết, Ba Bình chỉ là một đảo đá (Rock) không phải đảo (Island) nên chỉ có lãnh hải tối đa 12 hải lý, không thể có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý.
Quan chức và học giả Đài Loan phản đối nội dung này, họ lập luận rằng Ba Bình có nước ngọt và có thể trồng cây, nên theo quy định trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), Khoản 3, Điều 121, nó là một "đảo", không phải "đá".
Tuy nhiên các học giả Đài Loan mới chỉ viện dẫn và giải thích 1 nửa nội dung Khoản 3 Điều 121, đó là "thích hợp để duy trì sự sống của con người", mà bỏ qua "thích hợp duy trì đời sống kinh tế riêng". Cụ thể Điều 121 UNCLOS quy định về Chế độ đảo:
1. Đảo là một vùng đất hình thành tự nhiên, có nước bao bọc xung quanh, nổi cao hơn mặt nước khi thủy triều lên.
2. Ngoại trừ quy định trong khoản 3, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của một đảo được xác định đung theo các điều khoản của Công ước này áp dụng cho các vùng lãnh thổ khác.
3. Các đá (Rock) không thích hợp với duy trì sự sống của con người hay đời sống kinh tế riêng thì không có vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa.
Đúng sai ra sao, tới đây PCA sẽ có phán quyết. Còn theo The Diplomat, lo ngại Tòa ra phán quyết bất lợi cho Đài Loan liên quan đến đảo Ba Bình nên chuyến thị sát của ông Mã Anh Cửu hôm nay cũng nhằm mục đích tạo thêm tiếng nói cho Đài Bắc trên Biển Đông.
Đài Loan đã xin gửi quan sát viên dự phiên tòa xét xử đường lưỡi bò nhưng đã bị PCA bác bỏ. Chuyến đi Ba Bình (bát hợp pháp) của ông Mã Anh Cửu hôm nay nhằm thể hiện rằng, thực tế Đài Loan vẫn hiện diện ở Biển Đông, là một trong 5 nước 6 bên có yêu sách và chiếm đóng thực tế ở Trường Sa.