Ông Bùi Kiến Thành: “Kiều hối giúp ổn định kinh tế Việt Nam"

29/01/2016 09:07
Mai Anh
(GDVN) - Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành đánh giá: “Nếu mỗi năm không có 10 tỷ USD kiều hối Việt Nam sẽ âm trong cán cân thanh toán qua đó tác động kinh tế đất nước”.

Theo một báo cáo do Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2015 Việt Nam đón lượng kiều hối khoảng 12,25 tỷ USD, đứng thứ 11 thế giới và thứ 3 trong khu vực Đông Á và Thái Bình Bình Dương sau Trung Quốc và Philippines.

So với năm 2014, lượng kiều hối năm 2015 tăng khoảng 0,25 tỷ USD. Mức tăng này được xem không lớn bởi trước đó năm 2014, kiều hối Việt Nam ở mức 12 tỷ USD (bằng 6,4% GDP), tăng khoảng 1 tỷ USD từ 11 tỷ USD (năm 2013).

Kiều hối Việt Nam 2015 đạt 12,25 tỷ USD - ảnh minh họa, nguồn Agribank.
Kiều hối Việt Nam 2015 đạt 12,25 tỷ USD - ảnh minh họa, nguồn Agribank.

Lý giải nguyên nhân lượng kiều hối không tăng đột biến trong năm 2015, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho biết: Kiều hối có hai dạng, thứ nhất nguồn tiền của kiều bào nước ngoài gửi về cho người thân trong nước; thứ hai lượng tiền của công nhân, lao động xuất khẩu Việt Nam làm việc ở các nước.

Trong lúc nền kinh tế khó khăn, thị trường lao động xuất khẩu gặp khó rất có thể dấn đến việc kiều hối gửi về ít. Mặt khác, lượng kiều hối đồng bào gửi về ít cũng có nguyên nhân từ việc đồng tiền chưa được đầu tư sinh lời.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành phân tích, trước đây nguồn tiền kiều hối được gửi về trong nước chủ yếu giúp đỡ khó khăn cho gia đình. Điều này lý giải tại sao những gia đình nhận kiều hối thường có xu hướng chi cho tiêu dùng hàng ngày cao. Nói cách khác, kiều hối chủ yếu phục vụ nhu cầu sinh sống.

Nhưng ngày nay, khi kinh tế phát triển, kiều hối gửi về với mục đích giúp người thân trong nước phát triển kinh tế. Vì thế kiều hối được hiểu là nguồn tiền đầu tư.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành.

“Đến thời điểm này cũng chưa có nghiên cứu hay báo cáo nào về việc nguồn tiền kiều hối được sử dụng đầu tư như thế nào, hiệu quả ra sao. Bởi hầu hết kiều hối gửi về, người dân tự tìm hướng đầu tư chủ yếu đầu tư mở dịch vụ nhỏ lẻ, doanh nghiệp nhỏ”, ông Thành cho biết.

Tuy nhiên do đầu tư nhỏ lẻ, kinh nghiệm kinh doanh chưa có nên dẫn đến thất bại, tâm lý này khiến Việt kiều không có xu hướng đầu tư trong nước. Bởi đã đầu tư phải kiểm tra, kiểm soát và điều hành.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, theo ông Thành hiện vẫn chưa có những chính sách cụ thể thu hút kiều bào về đầu tư. Kiều bào về đầu tư trong nước phải thấy được điều kiện thông thoáng, thuận lợi… còn hiện nay chính sách thu hút kiều bào đầu tư chưa có hệ thống.

Dù chưa tận dụng được nguồn tiền ngoại hối nhưng theo ông Thành, mức tăng ngoại hối hàng năm cũng giúp ổn định kinh tế Việt Nam.

Cụ thể, theo ông Thành kiều hối giữ vai trò rất quan trọng trong đời sống kinh tế của đất nước, nhất là những nước đang phát triển như Việt Nam.

Thứ nhất là vai trò trong kinh tế vĩ mô. Thông thường các nước đang phát triển, như Việt Nam bị thiếu ngoại tệ, thâm thủng cán cân thương mại, và nếu nhìn rộng ra là cán cân thanh toán quốc tế. Kiều hối đã bù đắp cho thiếu hụt này, bù đắp cho sự căng thẳng trên thị trường ngoại hối, và làm lành mạnh hơn cán cân thanh toán quốc tế. Như vậy kiều có vai trò trong ổn định kinh tế vĩ mô.

Ở ta, kiều hối có vai trò tích cực trong ổn định kinh tế vĩ mô là chính, vì sau nhiều năm Việt Nam bị thâm hụt rất lớn, áp lực trên thị trường ngoại tệ rất cao.

Thứ hai, kiều hối kích cầu tiêu dùng một cách tích cực, khi mà kinh tế suy thoái, tổng cầu yếu thì tiêu dùng cũng có tác động thúc đẩy sản xuất. Theo thống kê của Viện kinh tế quản lý Trung ương, trong những năm gần đây 35,4% kiều hối được sử dụng cho tiêu dùng hàng ngày, 15,9% cho đầu tư – kinh doanh, 10,1% cho chữa bệnh, 7,5% cho học hành, 11,7% cho tiết kiệm, dưỡng già…

Đặt câu hỏi việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh lãi suất tiền gửi USD bằng 0 có ảnh hưởng đến việc tăng, giảm lượng tiền kiều hối? Ông Thành cho biết, kiều hối gửi về hiện nay đủ để đầu tư chứ không phải gửi tiền lấy lãi suất, bởi lãi suất tiền gửi ngân hàng tại Việt Nam không cao.

Mai Anh