Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã thông tin, sau một thời gian dài giấu nhẹm thông tin về nguồn gốc thực sự của nguyên liệu sản xuất trà Ô long Tea+Plus là từ Trung Quốc, Công Ty TNHH Nước Giải Khát Suntory Pepsico đã bị báo chí và người tiêu dùng phanh phui, tố giác.
Không những thế, quảng cáo trên các phương tiện truyền thông, nhà sản xuất luôn tung hô rằng sản phẩm có “chất lượng Nhật Bản”, “công nghệ Nhật Bản”. Nhiều người tiêu dùng đã "lầm tưởng, cả tin" vì những thông tin do Pepsico đưa ra.
Pepsico luôn quảng cáo rằng trà Ô long Tea+ Plus có "chất lượng Nhật Bản" mà lờ đi thông tin "nguyên liệu từ Trung Quốc". |
Điều gây bức xúc hơn cả là trong khi người nông dân Việt Nam đang phải “bán đổ, bán tháo” trà Ô long; đồng thời luôn bị thương lái từ Đài Loan, Trung Quốc ép, mua với giá rẻ mạt thì Pesico lại đi nhập nguyên liệu từ Trung Quốc.
Trước thông tin gây bức xúc của dư luận và phản ánh của báo chí, ngày 22/1/2016, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có công văn yêu cầu Suntory Pepsico giải trình rõ vấn đề này.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết: Suntory Pepsico Việt Nam thừa nhận dùng nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc để chế tạo Trà Ô long Tea+ Plus. |
Chiều 01/2/2016, trả lời báo chí, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết: "Công ty Suntory Pepsico Việt Nam đã có văn bản giải trình về nguồn gốc nguyên liệu để sản xuất Trà Ô long Tea+ Plus.
Trong văn bản báo cáo với Cục An toàn thực phẩm, Suntory Pepsico Việt Nam thừa nhận dùng nguyên nhập khẩu từ Trung Quốc để chế tạo Trà Ô long Tea+ Plus”.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Luật sư Phạm Hồng Sơn, Trưởng Văn phòng Luật sư Phạm Sơn thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội phân tích:
Theo quy định tại điểm e, khoản 8, Điều 3, Nghị định 185/2013/NĐ-CP của Chính Phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì hàng giả có thể hiểu là hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa.
Việc công ty TNHH Nước Giải Khát Suntory Pepsico Việt Nam nhập nguyên liệu Trung Quốc để sản xuất mặt hàng trên nhưng lại công bố thông tin cho thấy hoàn toàn là công nghệ từ Nhật Bản có thể là hành vi giả mạo về nguồn gốc của nguyên liệu hàng hóa.
Nếu có căn cứ công ty này in lên hàng hóa nhãn hiệu, bao bì ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa là đúng trên thực tế và số nguyên liệu trên thực chất được sản xuất từ Trung Quốc nhưng lại ghi hoàn toàn từ Nhật Bản là một hành vi sản xuất hàng giả và có thể bị xử phạt theo quy định tại điểm g, khoản 1, Điều 13, Nghị định này về hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa:
“Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 30.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.”
Điều 156, Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009) về Tội sản xuất, buôn bán hàng giả quy định đối với hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 30 triệu đồng thì đã có thể xử lý hình sự nên không thể loại trừ trách nhiệm của các cá nhân liên quan trong sự việc này.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 66, Nghị định 185/2013/NĐ-CP của Chính Phủ xử phạt về hành vi vi phạm về cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng thì đối với hành vi che giấu thông tin hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác cho người tiêu dùng theo quy định công ty này có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Ngoài ra, có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung theo khoản 4, Điều 66 nêu trên là: Tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề từ 01 tháng đến 06 tháng hoặc đình chỉ hoạt động từ 01 tháng đến 06 tháng. Mặt khác còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn đối với hành vi vi phạm trên.
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.