Nikkei Asian Review ngày 7/2 đưa tin, sáng nay ngày cuối cùng của năm cũ theo lịch Á Đông, Triều Tiên đã phóng một tên lửa tầm xa bất chấp các cảnh báo quốc tế, động thái được xem như một vụ thử tên lửa đạn đạo. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 12/2012 Triều Tiên lại thực hiện một vụ phóng tên lửa tầm xa.
Nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un theo dõi vụ phóng tên lửa, ảnh: Reuters. |
Mỹ, Nhật, Hàn lập tức yêu cầu Liên Hợp Quốc triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an sau vụ Bình Nhưỡng phóng tên lửa từ Tongchangri, căn cứ nằm ở bờ biển phía Tây Bắc bán đảo.
Chính phủ Nhật Bản cho biết, các khoang của tên lửa được ước tính đã rơi xuống biển Hoàng Hải, ngoài khơi bờ biển phía Tây Hàn Quốc, Hoa Đông và Thái Bình Dương. 4 khoang đầu tiên của tên lửa đã rơi xuống biển, khoang thứ 5 tiếp tục hành trình về phía Nam.
Hoa Kỳ cho biết, tên lửa của Triều Tiên đã đạt tới tầm cao tầng khí quyền của Trái Đất, trong khi Yonhap News cho rằng nhiều khả năng vụ phóng đã thất bại. Trước đó quân đội Hàn Quốc, Nhật Bản đều báo động sẵn sàng chiến đấu, nhưng đã không có hành động nào đánh chặn tên lửa Triều Tiên.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc bà Hoa Xuân Oánh hôm nay nói rằng Bắc Kinh "lấy làm tiếc" về vụ việc. Bà kêu gọi các bên phản ứng "bình tĩnh".
Zhang Liangui, một chuyên gia quan hệ quốc tế từ Trường Đảng Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc nói với Thời báo Hoàn Cầu: "Triều Tiên rất kiên quyết và sẽ không nhúc nhích bởi bất kỳ yếu tố nào bên ngoài. Triều Tiên chỉ đơn giản là không quan tâm, dù bên ngoài ủng hộ hay phản đối. Nhiều người đã đánh giá thấp quyết tâm của ông Kim Jong-un."
Lu Chao, một học giả Trung Quốc khác từ Viện Khoa học xã hội Liêu Ninh nói với Thời báo Hoàn Cầu, dù Triều Tiên có phóng thành công tên lửa hay không thì điều quan trọng vẫn là, nó chỉ nhằm chứng minh lập trường cứng rắn của chính quyền ông Kim Jong-un.
Ông Kim Jong-un đã cho phóng tên lửa chỉ một ngày sau khi thông báo công khai, khiến Mỹ và đồng minh trở tay không kịp, nói chi đánh chặn.