Dịp đầu xuân, có mặt tại chùa Phật học Xá Lợi (đường Bà Huyện Thanh Quan, quận 3, TP.HCM), phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam không khỏi choáng ngợp trước cảnh hàng chục ‘cái bang’, ăn xin xếp dọc theo hai bên lối đi vào chánh điện, trong đó có không ít đàn ông khỏe mạnh.
Đa phần họ có quốc tịch nước ngoài, một số tỉnh, thành phố thuộc khu vực miền Tây, miền Trung, từ khắp mọi nơi tụ tập về đây để mong kiếm lộc từ lòng hảo tâm của những người đi chùa.
Đội ngũ 'cái bang' xếp thành hàng dài ở sân chùa Phật học Xá Lợi dịp đầu xuân (Ảnh: P.L) |
Khi thấy khách hành hương cho tiền người khác, mà chưa cho mình, thì đội ngũ ‘cái bang’ này lập tức chạy tới bưng bát xin tiền, quyết đeo bám cho được những người đi chùa.
Chùa Phật học Xá Lợi là một trong những ngôi chùa lớn, nổi tiếng ở TP.HCM, đông khách đến lễ Phật, nên những người ăn xin này cũng đã kiếm được cho mình một số tiền kha khá trong ngày đầu năm.
Cổng chùa Phước Hải Tự, tình trạng ăn xin cũng đông đảo không kém (ảnh: P.L) |
Cũng tương tự như vậy, tại chùa Phước Hải Tự (đường Mai Thị Lựu, quận 1), cũng có vài người cao tuổi ngồi trước cổng chùa để xin tiền của khách thập phương. Có một cụ già cứ vài phút xin được tiền của khách hành hương, lại đếm số tiền kiếm được rồi nhanh nhảu bỏ ngay vào túi áo của mình.
Ngoài việc đeo bám các chùa, những nơi có nhiều khách đi hành hương viếng thăm, đội ngũ ‘cái bang’ còn tập trung tại các giao lộ, nhưng nơi có xe cộ lưu thông qua lại nhiều.
Tại nhiều ngã 3, ngã tư ở vùng ven TP.HCM, đơn cử như tại quận Thủ Đức, hình ảnh một vị sư với chiếc bình bát, đứng xin tiền của người đi đường vào những ngày đầu năm mới cũng tạo sư thắc mắc, băn khoăn của người dân.
Một vị sư giả đang cầm bình bát xin tiền của khách thập phương tại vùng ven TP.HCM (ảnh: P.L) |
Ban trị sự Thành hội Phật Giáo Việt Nam TP.HCM đã từng nhiều lần trao đổi với báo giới, khẳng định rằng: Kể từ sau năm 1975 cho đến nay, việc nhà sư đi khất thực, xin tiền là không còn, và cũng không ai cấp phép cho việc này.
Chính vì vậy, đại diện Thành hội Phật Giáo Việt Nam TP.HCM khuyến cáo, người dân tuyệt đối không cho tiền các nhà sư đi khất thực, xin tiền để tránh lòng tốt của mình bị kẻ gian lợi dụng.
Còn anh Nguyễn Văn Chính (nhà ở phường 13, quận 10, TP.HCM) chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tại cổng chùa Phật học Xá Lợi: Dù là họ đi kiếm sống, vì miếng cơm, manh áo, nhưng việc ăn xin hành nghề ở nơi tôn nghiêm như chùa chiền thì rõ ràng là một việc không hay chút nào.