Tân Hoa Xã ngày 15/2 có bài xã luận đổ lỗi cho Hoa Kỳ đang gây căng thẳng trong khu vực, trong khi chính các hoạt động leo thang của Trung Quốc ngoài Biển Đông, bất chấp luật pháp và công luận quốc tế mới là gốc rễ của mọi căng thẳng.
Tàu sân bay Hoa Kỳ USS Theodore Roosevelt được Mỹ điều động đến châu Á - Thái Bình Dương vì lo ngại trước các hành vi leo thang của Trung Quốc ở Biển Đông và căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, ảnh: Fox News. |
Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc "lấy làm tiếc" vì một số chính khách Hoa Kỳ xem Biển Đông là vấn đề ưu tiên trong Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN - Hoa Kỳ khai mạc tại California ngày hôm nay.
Tân Hoa Xã cáo buộc, việc Hoa Kỳ cho tàu chiến đi vào 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn, Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam) cuối tháng trước là "khuyến khích các nước có tranh chấp với Trung Quốc tham gia những hành động khiêu khích quân sự và quốc tế hóa tranh chấp".
Cần lưu ý rằng, Trung Quốc là nước nhảy vào tranh chấp, từng thừa cơ cất quân đánh chiếm và chiếm đóng bất hợp pháp quần đảo Hoàng Sa cũng như một phần quần đảo Trường Sa của Việt Nam, biến khu vực không có tranh chấp thành có tranh chấp.
Hoạt động đi qua vô hại của tàu chiến Hoa Kỳ trong phạm vi 12 hải lý đảo Tri Tôn, Hoàng Sa là phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) mà bản thân Trung Quốc là một thành viên Công ước.
Chưa nói đến việc Trung Quốc không có chủ quyền ở Hoàng Sa, chỉ riêng việc một thành viên UNCLOS ngăn cản các nước thực hiện quyền đi qua vô hại mà UNCLOS quy định là hoàn toàn sai trái - PV.
Tân Hoa Xã viết: "Trái ngược hoàn toàn với âm mưu tư lợi của Washington, Trung Quốc đã thúc đẩy sự ổn định và phát triển trong khu vực thông qua sáng kiến "Một vành đai, một con đường" và Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á AIIB.
Tàu cá Trung Quốc nghênh ngang đánh bắt bất hợp pháp ở quần đảo Trường Sa, ảnh: Tân Hoa Xã. |
Trung Quốc, một nước có lợi ích trực tiếp trong việc duy trì tự do hàng hải ở Biển Đông luôn sẵn sàng thúc đẩy quy tắc ứng xử, đồng thời tham gia vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng trên biển để đảm bảo điều hướng các hoạt động tự do hàng hải.
Lập trường kiên định của Trung Quốc là, các tranh chấp ở Biển Đông phải được giải quyết thông qua đàm phán song phương trực tiếp với từng bên, và tham vấn giữa Trung Quốc với các nước liên quan."
Cái gọi là "sáng kiến" này thực tế là công cụ để Trung Quốc thực hiện mục tiêu bá chủ toàn cầu mà đầu tiên là hiện thực hóa đường lưỡi bò, biến Biển Đông thành ao nhà cho mình.
"Một vành đai, một con đường" hay AIIB không thể lấp liếm được mưu đồ bành trướng trên Biển Đông, khi các công trình quân sự đã hiện lên lừng lững ngoài các đảo nhân tạo xây dựng trái phép ở Trường Sa.
Cái gọi là "cơ sở hạ tầng trên biển để đảm bảo điều hướng hoạt động tự do hàng hải" là cách nói lấp liếm, đánh tráo khái niệm bởi hai lẽ: Thứ nhất, quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam và 7 hoặc 8 thực thể đang bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp, mọi hoạt động xây dựng, bồi lấp ở đây đều là bất hợp pháp.
Thứ hai, việc Trung Quốc quân sự hóa các đảo nhân tạo bất hợp pháp này rõ ràng đang uy hiếp trực tiếp an ninh quốc gia của các nước ven Biển Đông, tự do hàng không hàng hải trong khu vực. "Điều hướng tự do hàng hải hàng không" chỉ là một cái cớ vô duyên, vô lý.
Đa Chiều: Trung Quốc bí mật tăng quân trái phép ra đá Vành Khăn |
Quy tắc Ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) thì Bắc Kinh tìm mọi cách dây dưa, trì hoãn, câu giờ. Trong khi đó Trung Quốc kéo giàn khoan, tàu cá và tàu công vụ trá hình thường xuyên xâm nhập bất hợp pháp vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa các nước ven Biển Đông gây căng thẳng trong khu vực. Điển hình là vụ giàn khoan 981 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam năm 2014.
Cái gọi là "đàm phán song phương, trực tiếp" thực chất là cái cớ để Trung Quốc bẻ từng chiếc đũa, dễ bề thực hiện âm mưu hiện thực hóa đường lưỡi bò.
Bởi lẽ tương quan lực lượng, sức mạnh tổng thế cũng như quân sự giữa Trung Quốc với các nước ven Biển Đông sẽ tạo cho nước này thế thượng phong tuyệt đối, nếu các nước khác chấp nhận "đàm phán tay đôi" với Bắc Kinh, trong khi ở Trường Sa có 5 nước 6 bên yêu sách.
Cuối cùng Tân Hoa Xã đe nẹt: "Về vấn đề Biển Đông Washington nên nhớ rằng, Trung Quốc sẽ không bao giờ nhắm mắt làm ngơ bất kỳ nỗ lực nào thách thức chủ quyền không thể tranh cãi của mình. Đánh giá thấp quyết tâm của Trung Quốc bảo vệ quyền và lợi ích cốt lõi của mình là một sai lầm chết người.
Hoa Kỳ không phải và sẽ không bao giờ là người phát ngôn cho một tổ chức độc lập như ASEAN về bất kỳ vấn đề gì. Đã đến lúc các nước ASEAN cần tỉnh táo để tách mình ra khỏi sự can thiệp của Mỹ".
Lập luận này của Tân Hoa Xã là lý sự cùn thường chỉ thấy ở những kẻ côn đồ, bất chấp công lý, pháp lý và dư luận quốc tế.
Với những nỗ lực của Hoa Kỳ đưa Biển Đông ra thảo luận với ASEAN nhằm tìm kiếm một giải pháp khả thi chống bắt nạt, dùng vũ lực hay đe dọa dùng vũ lực ở Biển Đông, những bình luận này của Tân Hoa Xã càng chứng minh tính đúng đắn và cần thiết trong quyết định này của Hoa Kỳ.