Tết đến, người viết nghe một người cháu - vốn là sĩ quan quân đội nghỉ hưu hưởng lương đại tá - kể chuyện, rằng chi bộ cơ sở muốn mời cháu tham gia công tác văn hóa xã hội tại địa phương.
Nhưng một vị lão thành trong chi bộ phản đối với lý do “tuy mẹ là người địa phương nhưng bố là dân ngụ cư” nên không hiểu được văn hóa truyền thống quê hương khoa bảng, không thể tham gia công tác văn hóa xã hội quê nhà được?
Địa phương ấy vốn là một huyện ngoại thành Hà Nội, ngày xưa từng được xưng tụng: “Nhất môn tam tiến sĩ, đồng triều tứ thượng thư” (một nhà ba đời đỗ tiến sĩ, bốn thượng thư (trong 6 bộ) trong triều đều là người làng).
Theo các sách đăng khoa lục, dưới thời phong kiến, làng ấy có 10 người đỗ đại khoa, tất cả đều là "Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân” và là một trong 21 làng có từ 10 Tiến sĩ trở lên của cả nước. [1]
Đó còn là ngôi làng có những nhân tài kiệt xuất lưu danh sử sách như Nguyên Phi Ỷ Lan, Thánh thơ Cao Bá Quát, Tể tướng Nguyễn Huy Nhuận…
Đường phố Hà Nội sau phút giao thừa xuân Bính Thân. Ảnh: Lê Anh Dũng/ Vietnamnet.vn) |
Ngày nay, ngôi làng ấy có hơn trăm giáo viên từ mẫu giáo đến đại học, có ba người từng là Tổng biên tập báo,…
Có phải vì thế mà vị đảng viên lão thành kia sợ những người “ngụ cư” làm ảnh hưởng đến bề dày văn hóa quê hương mình, muốn giữ cho quê mình thành một ốc đảo văn hóa dẫu có mang tiếng cực đoan hay bảo thủ?
Chuyện "va li bị bỏ quên" ngày tết...(GDVN) - Có người hỏi khi nào nạn xin cho, chạy chọt núp bóng biếu xén mới chấm dứt? Xin thưa, cơ chế xin-cho và quà cáp là người bạn đồng hành như hình với bóng. |
Vượt ra khỏi lũy tre làng, văn hóa truyền thống được bảo vệ như thế nào? Câu chuyện “cướp có văn hóa” ở Hà Nội; chém lợn ngày Tết ở Ném Thượng - Bắc Ninh; giẫm đạp lên nhau xin ấn đền Trần – Nam Định; vay tiền Bà Chúa Kho.
Váy ngắn, quần cộc đi chùa lễ phật hay dúi tiền vào tượng hối lộ thánh thần tại các di tích liệu đã hình thành một “nét văn hóa mới”, hay có thể gọi đúng tên, đúng bản chất là một loại “rác văn hóa”?
Thời phong kiến và những năm tháng bom rơi, lửa cháy chống xâm lược, loại “rác văn hóa” này chưa xuất hiện, nó chỉ xuất hiện vài chục năm trở lại đây, khi người Việt có cuộc sống vật chất khấm khá hơn thì cũng là lúc giới trẻ thì bị “ngộ độc” bởi văn hóa lai căng hải ngoại, công chức, viên chức thì bị “ngộ độc” bởi “văn hóa quan trường”.
Nói “ngộ độc văn hóa” vì hầu hết các món ăn tinh thần mà truyền thông và ngành Văn hóa nhập khẩu từ Hàn Quốc, Trung Quốc, phương Tây chủ yếu là hàng theo kiểu “kèm miễn phí” với son môi, túi xách…, trong khi đó cơ quan quản lý lại thiếu “chiến lược phòng vệ” nào để bảo vệ người Việt.
Có người trẻ tuổi bị “ngộ độc văn hóa”, đầu óc trở nên mụ mẫm nên mới ôm hôn cái ghế thần tượng vừa ngồi, mới khóc nức nở như nhà có người chết khi tiếp xúc với mấy ca sĩ hải ngoại?
“Ngộ độc văn hóa” khiến người ta trở nên ngây ngô, nửa khôn nửa dại, thế là bất chấp dư luận, bất chấp đạo lý ngay tại chốn thờ tự tôn nghiêm.
Hối lộ thánh thần không còn là chuyện hiếm gặp. Trong ảnh là hình ảnh người đi lễ phủ tiền lẻ lên tượng ở Chùa Bái Đính, Ninh Bình (Ảnh vietnamnet) |
Còn với công chức, viên chức, “ngộ độc văn hóa” khiến một số người quản lý mắc chứng “loạn thị” không nhận biết những gì xảy ra trước mắt.
Ngay tại vùng lõi của khu di tích “Nam thiên đệ nhất động” Chùa Hương, người ta xây phòng ngủ cho các tăng ni to hơn cả chùa Thiên Trù bên cạnh – vốn là di tích cấp quốc gia đã xếp hạng – thế mà sở Văn hóa thành phố còn phải chờ báo cáo?
Loạn thị nên mới không nhìn thấy tượng Quốc tổ Hùng Vương ở Công viên Đồng Xanh (Thành phố Pleiku, Gia Lai) da trắng, môi đỏ, móng tay cũng nhuộm đỏ, còn tượng 18 vị Vua Hùng thì được bố trí như hai hàng vệ binh đứng hai bên đường chào đón du khách đến khu du lịch?
Trên thế giới, chỉ có tượng binh lính, chư hầu được bố trí như vệ binh hai bên đường cứ không nơi nào bố trí tượng vua chúa hay tướng lĩnh.
Ở đây không chỉ là sự bất kính đối với các Vua Hùng mà còn là sự dốt nát về văn hóa tâm linh của cả người xây và người quản lý.
Rời miền quê để xem văn hóa chốn thành thị thế nào?
Nhìn rác vương đầy đường phố Thủ đô và thành phố Hồ Chí Minh sau phút giao thừa, rác chất đống ven trục quốc lộ, tỉnh lộ, hương lộ mới thấy xả rác bừa bãi không chỉ là “nét văn hóa” riêng của Hà Nội, của thành phố Hồ Chí Minh mà còn là “nét văn hóa” chung từ làng quê đến các đô thị cả nước.
Rác trên đường phố chỉ là một góc nhỏ trong đống “rác văn hóa” của một bộ phận không thể gọi là nhỏ người Việt hiện đại.
Rác đường phố quét một vài giờ là sạch, “rác văn hóa” quét một đời người chưa chắc đã sạch.
Đường phố thành phố Hồ Chí Minh sau phút giao thừa 2016 (Ảnh: vtc.vn) |
Mỗi loại rác đều có nguồn gốc xuất xứ, như rác y tế từ các bệnh viện, rác công nghiệp từ các cơ sở công nghiệp, rác sinh hoạt từ các khu dân cư, vậy “rác văn hóa” sinh ra từ đâu?
Người viết cho rằng nó là sản phẩm hình thành từ một loại rác khác, “rác tư duy”, nói chính xác đó là tư duy “duy ý chí”.
Đã có lúc chúng ta quyết tâm “trí - phú - địa - hào, đào tận gốc, trốc tận rễ”, không cần trí thức, chỉ cần “một mo cơm, mấy quả cà và một tấm lòng…” là có thể xây dựng xã hội mới.
Nguy hại hàng đầu là khối “rác tư duy” đồ sộ tồn tại suốt hơn 60 năm trong nền giáo dục nước nhà.
Đó là một nền giáo dục nhằm mục đích “khoe mẽ” với thế giới, rằng nước Việt có nhiều học sinh giỏi trong các kỳ thi quốc tế, rằng tỷ lệ công chức nước Việt có bằng tiến sĩ còn cao hơn cả Mỹ, Nhật…, rằng còn nước Việt có nhiều người tài sống rải rác khắp nơi trên thế giới còn người Việt trong nước có nhiều phát minh khoa học hay không không cần biết.
Đó là một nền giáo dục có khi xem Lịch sử là môn học thứ yếu, luôn tìm cách giảm nhẹ vai trò môn học này kể cả khi bị các nhà khoa học và truyền thông phê phán gay gắt.
Đó là một nền giáo dục trọng kiến thức, xem giáo dục nhân cách con người là thứ yếu. Khi “Giáo dục là quốc sách hàng đầu” chỉ là một khẩu hiệu chứ không thực chất thì sự vô chính phủ trong dạy dỗ thế hệ trẻ tất yếu sẽ hình thành lớp người lệch lạc về nhận thức, thiếu cái gốc văn hóa cơ bản.
“Mọi con đường đều dẫn tới thành Rôm” là câu nói quảng bá cho Cơ đốc giáo. Ngày nay có một điều tiềm ẩn không dễ nhận diện khi “mọi phương tiện đều dẫn tới lợi ích nhóm”.
Khi “lợi ích nhóm” cao hơn lợi ích quốc gia, dân tộc thì chính vận mệnh quốc gia còn bị đe dọa chứ không chỉ là văn hóa cộng đồng.
PGS.Đặng Ngọc Dinh: Phải tạo ra được môi trường ít "rác thải công chức"(GDVN) -"Tái cấu trúc lại hệ thống nguồn nhân lực là giải pháp căn bản loại bỏ "công chức cắp ô", PGS.TS Đặng Ngọc Dinh nêu quan điểm. |
Ở cấp “cò con” người ta sẵn sàng mua đồ phế thải từ nước ngoài, miễn là có tiền bỏ túi còn đất nước bị biến thành bãi thải công nghiệp không quan trọng.
Người ta sẵn sàng giao đất cho người nước ngoài bất kể việc đó đe dọa an ninh quốc gia miễn là có lợi cho nhóm mình hay địa phương mình.
Ở cấp cao hơn, người ta sẵn sàng vay tiền nước ngoài để tạo nên hình ảnh một nền kinh tế bùng nổ, một đội ngũ cán bộ tài ba, năng động còn trả nợ là chuyện dành cho các thế hệ mai sau, khi mà họ đã hạ cánh an toàn.
Đó là tư duy bảo thủ của một số người khi cho rằng chân lý là bất biến, những gì lựa chọn đã đúng, đang đúng và sẽ đúng dù thế giới có biến động như thế nào. Phép biện chứng duy vật đưa chúng ta đến một quan điểm, rằng không có gì là bất biến theo thời gian, kể cả thời gian.
Khi con người chuyển động với tốc độ bằng tốc độ ánh sáng trong một không gian mà các nhà khoa học gọi là “không gian không”, thời gian sẽ bằng không và con người sẽ trẻ mãi không già.
Chỉ có điều khi chuyển động với vận tốc ánh sáng, con người sẽ phân rã thành các hạt chứ không còn giữ nguyên hình hài mà thiên nhiên đã nhào nặn nên.
Tư duy bảo thủ hình thành nên “rác tư duy” có thể là điều không ít người phản đối song người viết vẫn hy vọng rồi sẽ có nhiều người đồng cảm.
Loại rác thứ ba ai cũng nhận thấy là “rác công chức”.
Một trung tâm tài chính hàng đầu cả nước từng được mệnh danh là “hòn ngọc Viễn đông” mà công dân của nó sẵn sàng vứt rác đầy đường.
Một trung tâm chính trị vốn được xem là “chốn nghìn năm văn hiến” mà người ta xem đường phố chỉ là cái thùng rác không nắp, vậy những địa phương còn lại của cả nước có phải cũng đang đứng trước nguy cơ trở thành nơi chứa rác không hơn không kém?
Nói “nguy cơ trở thành nơi chứa rác” là cách nói theo thói quen dự phòng, cũng như khi nói đến cán bộ lãnh đạo có khuyết điểm thì chỉ dùng số ít chứ không được dùng số nhiều.
Nói một cách thẳng thắn, chẳng cơ quan công quyền nào, chẳng thành phố, thị xã nào lại không tồn tại loại công chức cắp ô, nghĩa là “rác công chức” luôn hiện hữu dù người ta vẫn cố tình khẳng định là “chưa tìm thấy” hoặc là không có loại công chức này.
Tinh giản biên chế nhằm loại bỏ “rác công chức” có phải là biện pháp duy nhất làm trong sạch bộ máy công quyền?
Sau bao nhiêu năm tinh giản biên chế số người hưởng lương không giảm mà lại tăng thêm, và điều dễ nhận thấy là số văn bản ban hành trái pháp luật hoặc không có khả năng thực thi càng ngày càng nhiều.
Thế giới phẳng mà người Việt đang sống có ba trụ đỡ là văn hóa – chính trị – con người, cả ba trụ đỡ này đang bị ba đống rác, nói tắt là “tam rác” bao phủ, đó là “rác văn hóa”; “rác tư duy”; “rác công chức”.
Những "công chức cắp ô" là đây chứ đâu!(GDVN) - Đồng Tháp vừa công bố kết quả sát hạch công chức khiến nhiều người ngạc nhiên, vì nhiều “công bộc” của dân không biết... đóng dấu. |
Nếu đổi mới chỉ tập trung vào một, hai mục tiêu thì sự cân bằng sẽ bị phá vỡ, đây là điều cần phải cảnh giác.
Nói cụ thể sự nghiệp đổi mới chỉ thành công nếu tiến hành đổi mới đồng bộ cả thể chế chính trị, kinh tế, văn hóa giáo dục và nhân sự lãnh đạo.
Về phía người dân, không phải tất cả nhưng đa số đều hiểu, rằng trên thế giới từ cổ chí kim chẳng chính trị gia nào là không thủ đoạn, chẳng lực lượng cầm quyền nào là không tham nhũng.
Chừng nào chính quyền còn có ích cho dân thì dân chúng vẫn chấp nhận sự tham nhũng của chính quyền. Chỉ khi chính quyền đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc, coi dân là “chùm khế ngọt” để suốt ngày trèo hái thì mới khơi dậy lòng thù ghét nơi công luận.
Nhiều người biết như thế nhưng đôi khi lực bất tòng tâm, đó là điều không may cho quốc gia, xã tắc.
Còn khi cả tâm và lực đều có mà không làm được gì, đó mới thực sự là thảm họa cho đất nước, cho dòng tộc và chính mỗi con người.
Tài liệu tham khảo: