Reuters ngày 16/2 đưa tin, Ngoại trưởng Úc Julie Bishop cho biết, bà sẽ tìm cách làm rõ mục đích sử dụng đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi lấp, xây dựng (bất hợp pháp) ở Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam) khi đến thăm chính thức quốc gia này hôm nay.
Ngoại trưởng Úc Julie Bishop. Ảnh: AP. |
"Trước đây, Ngoại trưởng Vương Nghị đã nói rằng các đảo nhân tạo được xây dựng để cung cấp các dịch vụ dân sự, vì vậy tôi muốn tìm hiểu chi tiết hơn về việc, làm thế nào các nước khác có thể truy cập và sử dụng các dịch vụ dân sự. Tùy thuộc vào câu trả lời mà họ đưa ra, chúng tôi sẽ xem xét tình hình", Ngoại trưởng Úc nói.
Cần lưu ý rằng, dù chỉ là tuyên bố mị dân hay Trung Quốc có ý định "cung cấp dịch vụ dân sự" ngoài đảo nhân tạo bồi lấp phi pháp ở Trường Sa thì đây đều là âm mưu giành sự công nhận trên thực tế yêu sách "chủ quyền" vô lý, phi pháp mà Trung Quốc đưa ra ở Trường Sa, Hoàng Sa.
Hai quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam đã bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng trái phép một phần đối với Trường Sa từ năm 1946, 1988 và toàn bộ đối với Hoàng Sa từ năm 1956, 1974.
Do đó, mọi động thái "chấp nhận" cái gọi là dịch vụ dân sự mà Trung Quốc bày ra ở các đảo nhân tạo này được xem như sập bẫy pháp lý Bắc Kinh cố tình sắp đặt. Tuy nhiên điều đó không làm thay đổi một thực tế, Trung Quốc đã nhảy vào tranh chấp và cất quân đánh chiếm, chiếm đóng bất hợp pháp 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam - PV.
Bà Julie Bishop sẽ hội đàm với người đồng cấp Vương Nghị và các quan chức hàng đầu Trung Quốc kể từ tối nay 16/2. Tuy nhiên bà không tiết lộ cụ thể, Úc sẽ tiếp cận các đảo nhân tạo ở Trường Sa lúc nào.
Tại sao Mỹ lại chọn quần đảo Hoàng Sa để ra tay? |
Trong một động thái khác có liên quan, Bloomberg ngày 16/2 nhận xét, Trung Quốc không những đã bồi đắp hơn 3000 mẫu Anh đảo nhân tạo ở Trường Sa và đang quân sự hóa chúng, mà còn sử dụng ngày càng nhiều lực lượng tàu cá (trá hình), cũng như tàu cảnh sát biển để gây hấn với tàu thuyền các nước khác trong khu vực.
Bắc Kinh đang cố tình làm mờ ranh giới giữa lực lượng hải quân nước này với lực lượng cảnh sát biển.
Hoạt động tuần tra của tàu khu trục USS Lassen bên trong 12 hải lý quanh đá Xu Bi, Trường Sa ngày 27/10 năm ngoái cũng như tàu khu trục USS Curtis Wilbur tuần tra bên trong 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn, Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam) ngày 30/1 năm nay là nhằm triệt phá cái bẫy pháp lý Trung Quốc.
Đó chính là việc Mỹ phá âm mưu Trung Quốc đang giăng ra trên Biển Đông - mặc nhiên khẳng định yêu sách "lãnh hải", "vùng đặc quyền kinh tế" cho các thực thể không đủ tiêu chuẩn hưởng quy chế này theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.