Tại phiên làm việc sáng nay (17/2) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Uông Chu Lưu – Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, dự án Luật Biểu tình đã lùi từ kỳ họp thứ 9 sang kỳ họp thứ 11, bây giờ lại lùi vào thời điểm khác, nhưng không ấn định là thời điểm nào.
Trước vấn đề xin lùi dự án Luật Biểu tình, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt vấn đề: “Chính phủ ý kiến thế nào về vấn đề này? Tại sao cứ lùi mãi thế, không làm được hay không chịu làm, cứ bàn ra bàn vào mãi rồi. Quốc hội, Bộ chính trị đã quyết định đưa vào chương trình rồi sao Chính phủ cứ lùi mãi?".
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu báo cáo ra Quốc hội làm rõ vì sao chậm xây dựng Luật Biểu tình. ảnh: Ngọc Quang. |
Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, thời gian cho ý kiến để thông qua Luật Biểu tình Quốc hội đã thông qua, nếu lùi thì Chính phủ phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội.
“Luật ban hành văn bản pháp luật có quy định có chương trình rồi mà không làm được thì ai chịu trách nhiệm? Cho nên bây giờ lý do làm sao thì Chính phủ báo cáo ra Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không thể cho lùi.
Trình ra rồi mà không được thì Thường vụ Quốc hội có thể xin ý kiến Quốc hội không trình ra vì không đủ chất lượng. Nhưng đằng này lại không trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội mà lại xin lùi.
Tôi cho là làm như thế là không nghiêm túc. Lần này các đồng chí phải báo cáo ra Quốc hội. Chính phủ và Ủy ban Pháp luật phải báo cáo ra Quốc hội việc này”, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.
Nhận thức của Bộ Quốc phòng không đúng?
Cho ý kiến vào nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng-An ninh của Quốc hội – ông Nguyễn Kim Khoa cho rằng, biểu tình là quyền tự do công dân được Hiến pháp quy định và là nội dung được luật hóa cuối cùng nên sự cần thiết là hết sức quan trọng, nhằm đảm bảo an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.
Tướng Thước: “Ngày 17/2/1979 mãi là bài học cho các thế hệ trẻ” |
“Nghị định 38 là hạn chế quyền công dân và con người. Nếu cứ dùng để quản lý an ninh quốc gia và trật tự xã hội, hạn chế quyền công dân là trái với Hiến pháp. Tôi đi khảo sát các đơn vị của Bộ công an đều yêu cầu phải làm ngay.
Trước tết có thông báo của Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên ký truyền đạt ý kiến của Thủ tướng nói tiếp tục thực hiện đúng chương trình. Đó là văn bản mới nhất của Chính phủ, bây giờ lại dừng không có thời hạn là như thế nào?
Qua nghiên cứu thẩm tra dự thảo Luật Biểu tình của Bộ Công an gửi sang, chúng tôi thấy rất công phu và có thể trình ra được, không có gì phức tạp”, ông Khoa thông tin.
Ông Nguyễn Kim Khoa - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh cho rằng, Bộ Quốc phòng nhận thức không đúng về Luật Biểu tình. ảnh: TTXVN. |
Vị Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng-An ninh của Quốc hội cũng nêu ra văn bản của Bộ Quốc phòng gửi cho Ủy ban Quốc phòng, An ninh, nhiều nội dung không hợp lý:
Thứ nhất, Bộ Quốc phòng cho rằng đây là đổi mới về chính trị. Chúng tôi cho rằng nhận thức như vậy là không đúng. Đây là đảm bảo về quyền con người, quyền công dân, chứ không phải là đổi mới chính trị.
Thứ hai, Bộ Quốc phòng cho rằng chờ bao giờ bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội mới làm. Chúng ta đang làm cái này để đảm bảo an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, chứ không phải là chờ ổn định rồi làm.
Thứ ba, Bộ Quốc phòng đề nghị xây dựng Nghị định trước, tổng kết Nghị định rồi mới xây dựng luật. Chúng tôi thấy rằng, Nghị định 38 bây giờ đã trái với Hiến pháp. Chúng ta mà làm Nghị định thì càng trái với Hiến pháp, không phù hợp với Hiến pháp, trong đó rất nhiều nội dung hạn chế quyền con người, quyền công dân.
Ông Khoa nói thẳng: “Văn bản Bộ Quốc phòng gửi, nhiều nội dung các đồng chí kiến nghị không hợp lý. Tôi cũng đề nghị các đồng chí bên Chính phủ nghiên cứu trình tự xây dựng pháp luật ưu tiên thực hiện Hiến pháp. Chúng ta hiện nay không có trình tự rõ ràng, kể cả các luật liên quan tới quốc phòng.
Cái chúng ta cần có trình tự ưu tiên là: Một là luật an ninh quốc gia để phù hợp với Hiến pháp; Luật tình trạng khẩn cấp; Luật quản lý vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ…
Chúng tôi đề nghị phía Chính phủ cùng thời gian làm luật này thì báo cáo Quốc hội điều chỉnh lại cho phù hợp với tinh thần Hiến pháp. Chúng ta không thể chỉ sửa nóc nhà. Cái chúng ta không làm, cái không cần thì các đồng chí lại làm”.
Tại phiên thảo luận, một loạt đại biểu của các ủy ban trực thuộc Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị sớm hoàn thiện dự án Luật Biểu tình để trình ra Quốc hội, nhằm đảm bảo quyền con người và quyền công dân.
Kết thúc phiên thảo luận, ông Uông Chu Lưu – Phó Chủ tịch Quốc hội chốt lại: “Biểu tình là nội dung quan trọng của Hiến pháp, được Quốc hội đưa vào chương trình nhiều lần. Chính vì vậy, Quốc hội có Nghị quyết số 89 quyết định cho ý kiến vào kỳ họp thứ 11 diễn ra vào tháng 3/2016. Vì vậy, Bộ Tư pháp cần báo cáo Chính phủ để trình ra vào kỳ họp thứ 11.
Ngay khi thành lập nước năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có sắc lệnh về biểu tình. Đây vừa là đảm bảo quyền con người, quyền công dân, nhưng đồng thời cũng là công cụ của nhà nước bảo đảm an ninh trật tự, nên cần sớm được ban hành”.