South China Morning Post ngày 18/2 đưa tin, giới phân tích Trung Quốc tin chắc rằng quân đội nước này sẽ kéo tên lửa chống hạm, chiến đấu cơ ra Hoàng Sa và một phần Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam, đang bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp).
Chiến đấu cơ J-31 Trung Quốc, ảnh: SCMP. |
Bình luận về việc Trung Quốc kéo tên lửa đất đối không HQ-9 ra đảo Phú Lâm, Hoàng Sa, South China Morning Post tin rằng đây là phản ứng với việc Hoa Kỳ tuần tra bên trong 12 hải lý đảo Tri Tôn cuối tháng trước. Còn theo người viết, đó chỉ là cái cớ để Trung Quốc ngụy biện cho hành vi phi pháp của mình, một kiểu dậu đổ bìm leo mà thôi.
Lí Kiệt, một nhà nghiên cứu hải quân Trung Quốc nói rằng, Bắc Kinh có (cái gọi là) kế hoạch phòng thủ của riêng mình, trong đó nâng cao năng lực phòng không cho lực lượng đồn trú (bất hợp pháp) ở Hoàng Sa và một phần Trương Sa là ưu tiên hiện nay.
Việc Trung Quốc có kéo tên lửa đối hạm ra triển khai ở Biển Đông hay không, theo ông Kiệt sẽ phụ thuộc vào cái gọi là "mức độ khiêu khích từ phía Mỹ". Nói cách khác, Trung Quốc đang chờ một cái cớ từ Mỹ, như vụ tuần tra đảo Tri Tôn hay đá Xu Bi. Còn kế hoạch họ đã chuẩn bị sẵn từ lâu - PV.
Từ Quang Dụ, một viên Thiếu tướng nghỉ hưu và đang là thành viên Hội Kiểm soát vũ khí và giải trừ quân bị Trung Quốc cho rằng, Trung Quốc sẽ biến đảo Phú Lâm thành một "khu đô thị" trung tâm hành chính (bất hợp pháp).
"Có hai điều chắc chắn sẽ xảy ra: Hạ cánh thường xuyên của máy bay quân sự, và các cuộc tập trận chung không - hải quân", ông Dụ cho biết. Trong khi đó Trung Quốc đã điều động chiến đấu cơ ra đồn trú ở Phú Lâm và thử cất hạ cánh máy bay dân sự 2 lần trên đảo nhân tạo bồi đắp (bất hợp pháp) ở đá Chữ Thập.
Cho nên khả năng mà tướng Dụ đề cập không còn là Hoàng Sa, mà là 3 sân bay ở Xu Bi, Vành Khăn, Chữ Thập ngoài Trường Sa. Trước đó ông Dụ cũng đã nhận định "như đinh đóng cột" khả năng này sẽ diễn ra trước tháng 6 năm nay, trên South China Morning Post ngày 8/1.
Tiết Lực, một nhà nghiên cứu từ Viện Hàn lâm khoa học xã hội Trung Quốc nhận định, Trung Quốc cảm thấy tự tin hơn về các động thái (leo thang) ở Hoàng Sa so với Trường Sa, nơi 5 nước 6 bên có yêu sách.
Bình luận về động thái này của Bắc Kinh, học giả Michael Pillsbury, Giám đốc Trung tâm Chiến lược Trung Quốc thuộc Viện Hudson, Washington, Hoa Kỳ nói với Bloomberg ngày 18/2: Trung Quốc kéo tên lửa ra Hoàng Sa là một động thái đã vượt giới hạn đỏ.
Điều này đồng nghĩa với khả năng Bắc Kinh có thể triển khai các đơn vị không - hải quân khác ra Hoàng Sa bất cứ lúc nào.
Còn theo ông Neil Ashdown, biên tập viên phó của IHS Janes nói với The Washington Post ngày 18/2, việc triển khai HQ-9 phản ánh một bước leo thang cứng rắn hơn của Bắc Kinh trong việc theo đuổi yêu sách hàng hải (vô lý, phi pháp và bành trướng). Điều này sẽ cho thấy tình hình Biển Đông diễn biến căng thẳng hơn, khó khăn hơn so với năm 2015.