Thảo luận về dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay (18/2), các đại biểu đánh giá cao Bộ thông tin và Truyền thông đã tiếp thu chỉnh lý những vấn đề Đại biểu Quốc hội đã nêu.
Tuy nhiên, trong phiên thảo luận sáng nay, nhiều đại biểu đề cập đến vấn đề quản lý các trang tin điện tử, rất nhiều trang ăn cắp thông tin từ báo chí chính thống; đồng thời đăng tin sai sự thật, gây rối loạn thông tin.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chỉ rõ, quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận, quyền tự do tiếp cận thông tin. Bác Hồ dạy rằng: “Dân chủ là để làm sao cho dân được mở miệng ra”.
Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ: “Hiến pháp nói về quyền tự do và chỉ hạn chế bằng luật, thế thì bây giờ các đồng chí định hạn chế cái gì, cấm cái gì phải đưa vào đây chứ để nghị định là không được đâu.
Trào lưu của xã hội là người ta ít mua báo, thậm chí sách cũng ít mua, người ta cứ mở điện thoại ra đọc. Các đồng chí lại bảo cái này không phải báo nên không quản lý mà quản lý bằng nghị định. Quản lý bằng nghị định cũng được, nhưng nghị định mà đụng đến quyền tự do dân chủ thì không được.
Quyền của người ta được mở mồm ra tức là được nói. Nói ở đây tức là nói bằng báo cũng là quyền của người ta, chứ không phải nói bằng miệng đâu”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề cao quyền của con người, quyền tự do ngôn luận. ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội. |
Từ đó, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, phải đưa vào dự thảo luật những quy định về nguyên tắc để sau đó cho phép nghị định triển khai.
“Sinh ra một nhà nước, trong đó có các mối quan hệ xã hội mà không quản lý thì làm gì? Quản lý ở đây không có nghĩa là cấm đoán người ta.
Quản lý là vẫn tạo môi trường, vẫn tạo điều kiện, nhưng cấm việc này việc kia thì phải nói đi. Ta mà hiểu rằng quản lý là siết lò so lại không cho làm là không được đâu, là vi phạm Hiến pháp”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu xây dựng luật phải vận dụng sáng tạo yêu cầu của Đảng, của Bộ Chính trị: “Các đồng chí phải tính để xã hội này cởi mở, xã hội này dân chủ, xã hội này là nhân dân.
Con người được quyền tự do, trừ những vấn đề pháp luật cấm bởi vì nó đụng chạm đến lợi ích của nhân dân, đụng chạm quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội... Các đồng chí bảo là để thông tư thế này thế kia thì không ai chịu đâu, không có hiệu lực đâu”.
Đại biểu Quốc hội bức xúc vì nhiều trang mạng... “làm giả ăn thật” |
Cùng quan điểm, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc – ông Ksor Phước cho biết, thông tin trên mạng ngày càng tăng, nhưng tiếc là Luật Báo chí kiểm soát thông tin trên mạng không đáp ứng thực tiễn.
“Bây giờ phải kiểm soát bên trong tức là chức năng quản lý nhà nước. Loại cơ quan báo chí, loại tư nhân tổ chức thông qua máy chủ của Việt Nam. Nếu không kiểm soát được cái này luật báo chí mới quản lý được 40%, còn 60% bỏ ngỏ”, ông KSor Phước nói.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng đặt vấn đề: “Trang tin điện tử tổng hợp đưa ra ngoài dự thảo luật, vậy nó có phải là sản phẩm báo chí không? Trang này do chính các anh cấp phép, trang này truy cập khá nhiều, người dân vào trang này nhiều mà ta lại bỏ ra ngoài, không quản lý. Bỏ ra ngoài không quản lý, không biết quản lý thế nào?”.
Ông Nguyễn Thế Kỷ - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng nêu băn khoăn, hiện trang thông tin điện tử hoạt động như báo chí, do đó đặt ra vấn đề phải quản lý như thế nào, bởi vì cấp phép không chỉ có Bộ Thông tin và Truyền thông mà Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh cũng cấp phép.
Đại biểu Nguyễn Kim Khoa: Bộ Quốc phòng nhận thức không đúng về Luật biểu tình |
Báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông – ông Nguyễn Bắc Son cho biết, quản lý thông tin trên mạng điều chỉnh theo Nghị định 72. Luật Báo chí điều chỉnh các loại hình báo chí và không có tư nhân hóa báo chí.
Báo chí hoạt động theo chỉ đạo của Bộ chính trị, Ban Bí thư. Trong bổ nhiệm người đứng đầu ngoài theo luật mà còn theo quyết định 75 của Bộ Chính trị. Chỉ đạo có cả sự lãnh đạo của Đảng. Song song với viết luật là quy hoạch báo chí. Báo chí liên kết với tư nhân về vui chơi giải trí, game show, nhưng quản lý chặt về mặt chính trị.
Quản lý báo chí do nhà nước thành lập, mỗi tỉnh thành có 1 tờ báo và nhiều ấn phẩm khác nhau đó là lộ trình. Truyền thông xã hội phát triển mạnh mẽ, tạo cơ hội cho dân tiếp cận thông tin trong và ngoài nước.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết, Luật Báo chí chỉ quản lý báo chí, còn có Nghị định 72 nêu về truyền thông xã hội, phân loại trang thông tin điện tử, quản lý có tính chất báo chí ngoài báo chí. Nếu đưa vào luật thì ta tự thừa nhận blog là báo chí, truyền thông xã hội.
Tập đoàn, tổng công ty chỉ có tạp chí, còn hiện một số tập đoàn, tổng công ty có báo thì theo quy hoạch sẽ không có báo. Các tỉnh thành cũng sẽ rút dần. Sắp tới cấp sở sẽ không được thành lập cơ quan báo chí, chỉ có cấp tỉnh mới có. Mỗi tỉnh, thành chỉ được 1 tờ báo, còn lại là các ấn phẩm.