Xung quanh việc Trung Quốc lắp đặt bất hợp pháp tên lửa đất đối không HQ-9 ở Phú Lâm, Hoàng Sa, Đà Nẵng, Việt Nam, nhật báo Yomiuri Shimbun Nhật Bản ngày 19/2 nhận xét, tên lửa phòng không HQ-9 Trung Quốc sao chép tên lửa phòng không S-300 của Nga, nhưng tính năng ngang nhau, tầm bắn lớn nhất có thể đạt 200 km. HQ-9 có thể đối phó các máy bay và các tên lửa chiến thuật như tên lửa không đối hạm, nhưng không thể đối phó tên lửa đạn đạo.
Bài viết cho rằng, nhìn vào tình hình triển khai, điều này hầu như là triển khai tạm thời, triển khai cấp bách. Nếu triển khai lâu dài thì cần phải có công trình bảo vệ.
Theo quan điểm phân tán rủi ro, việc triển khai dày đặc này hoàn toàn không hợp lý. Trong tương lai, Trung Quốc có thể sẽ phân tán các hệ thống, triển khai hợp lý hơn.
Trung Quốc triển khai như vậy thực chất là để “khoe” thực lực quân sự với các nước như Mỹ. Đây là một bước đi có hiệu quả để tiến tới đơn phương lập ra một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) bất hợp pháp ở Biển Đông.
Nhật báo Phố Wall Mỹ ngày 18/2 cho rằng, việc Trung Quốc triển khai hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 ở Phú Lâm đúng vào lúc Mỹ-ASEAN tổ chức hội nghị thượng đỉnh ở California Mỹ. Trung Quốc là nước coi trọng tính tượng trưng về chính trị, việc lựa chọn thời gian như vậy không thể gọi là trùng hợp.
Vùng nhận dạng phòng không biển Hoa Đông do Trung Quốc đơn phương lập ra vào tháng 11/2013 |
Năm 2015, Trung Quốc cũng đã triển khai bất hợp pháp các trang bị như máy bay chiến đấu J-11 ở quần đảo Hoàng Sa. Lợi ích của Bắc Kinh là ý thức hệ và chiến lược, chứ không phải là về kinh tế.
The Japan Times ngày 18/2 cho rằng, Bắc Kinh triển khai tên lửa phòng không ở một hòn đảo tranh chấp là một sự nguy hiểm mang tính lật đổ tiềm tàng, cuối cùng có thể đặt cơ sở cho việc lập ra bất hợp pháp vùng nhận dạng phòng không ở vùng biển tranh chấp.
Sau khi Mỹ triển khai hành động tự do hàng hải lần thứ hai ở Biển Đông, Bắc Kinh lợi dụng việc triển khai bất hợp pháp tên lửa lần này là để thăm dò phản ứng của Tokyo, Washington và các nước chủ trương chủ quyền ở Biển Đông.
Nhưng, Thẩm Đinh Lập, phó viện trưởng Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế, Đại học Phục Đán cho rằng, do phản ứng phức tạp đối với Vùng nhận dạng phòng không biển Hoa Đông, Trung Quốc sẽ không, ít nhất là hiện nay sẽ không lập ra ADIZ ở Biển Đông.