Tướng Lê Mã Lương: "Không sợ chiến tranh nên mới có hòa bình"

24/02/2016 09:47
QUỐC TOẢN (THỰC HIỆN)
(GDVN) - Chúng ta đã để lại “khoảng lặng” hàng thập kỷ về chiến tranh Biên giới 1979. Sự thiếu sót này là có tội với lịch sử, tiền nhân, đồng bào...

LTS: Thông tin thời gian tới, khi công bố khung chương trình tổng thể, chương trình bộ môn, Bộ GD&ĐT sẽ xem xét để đưa nội dung về các cuộc chiến tranh vệ quốc bảo vệ biên giới, hải đảo (1976 - 1988) vào sách giáo khoa khiến dư luận hết sức quan tâm.

Trước đó, nội dung về cuộc chiến tranh vệ quốc này chỉ được đề cập rất ít trong sách giáo khoa...

Xung quanh nội dung này, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc phỏng vấn với Thiếu tướng Lê Mã Lương, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Quân sự Việt Nam.

PV: Theo ông, cần nhìn nhận như thế nào cho đúng với bản chất cuộc chiến tranh Biên giới 1979?

Tướng Lê Mã Lương: Về bản chất, đây là một cuộc chiến tranh xâm lược mà đối phương đã có ý đồ (từ những năm 50 của thế kỷ trước), nhằm đưa các nước Đông Nam Á vào trong quỹ đạo của Trung Quốc.

Mặt khác, Việt Nam là nước có một vị trí chiến lược, địa chính trị cực kỳ quan trọng ở Đông Nam Á.

Trong lịch sử, Trung Hoa đã phát động 16 cuộc chiến tranh lớn hòng thôn tính Việt Nam, dùng Việt Nam để thôn tính Đông Nam Châu Á.

Nhà cầm quyền Trung Quốc lúc bấy giờ muốn nắm Việt Nam, khống chế bán đảo Đông Dương, tạo hành lang xâm nhập Đông Nam Á.

Họ coi chúng ta là một trong những nhân tố quan trọng hàng đầu trong chiến lược “trỗi dậy Trung Hoa” như cái cách ông Chu Ân Lai từng nói trong cuộc gặp giữa đại biểu 4 đảng (Đảng Cộng sản Việt Nam, Trung Quốc, In-đô-nê-xi-a, Lào) tại Quảng Đông tháng 9/1963.

"Nước chúng tôi thì lớn nhưng không có đường ra, cho nên rất mong Đảng Lao động Việt Nam mở cửa một con đường xuống Đông Nam Châu Á..."

Đó là nguyên nhân vì sao trước đây họ vừa giúp, vừa kiềm chế, ngăn cản cách mạng của chúng ta lớn mạnh để tiện thực hiện âm mưu mở rộng ảnh hưởng của mình. 

Khi ý đồ kiềm chế không thực hiện được, từ chỗ bí mật, họ chuyển sang công khai thù địch với Việt Nam và trắng trợn tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam với những tuyên bố lừa bịp như “dạy cho Việt Nam một bài học”, “cuộc đánh trả tự vệ”…

Thiếu tướng Lê Mã Lương: Trong lịch sử, Trung Hoa đã phát động 16 cuộc chiến tranh lớn hòng thôn tính Việt Nam(ảnh: QUỐC TOẢN).
Thiếu tướng Lê Mã Lương: Trong lịch sử, Trung Hoa đã phát động 16 cuộc chiến tranh lớn hòng thôn tính Việt Nam(ảnh: QUỐC TOẢN).

Ngày 5/3/1979, gần 20 ngày sau khi tấn công xâm lược Việt Nam, quân Trung Quốc chỉ tiến sâu được 10 km, đồng thời lực lượng bị tổn thất lớn, có nguy cơ sa lầy vào cuộc chiến này.

Mặt khác, trước sức ép của dư luận trong nước và thế giới, đặc biệt là việc Liên Xô đưa lượng lớn binh sĩ, hỏa lực, áp sát biên giới Trung – Xô, đã buộc Đặng Tiều Bình phải tuyên bố rút quân, chấp nhận thất bại cay đắng tại chiến tranh Biên giới. 

Tuy nhiên, cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của

Tướng Lê Mã Lương: "Không sợ chiến tranh nên mới có hòa bình" ảnh 2

Sự thật của chiến tranh vệ quốc chống xâm lược cần được đưa vào sách giáo khoa

Trung Quốc tiếp tục kéo dài ở biên giới tỉnh Hà Giang, đặc biệt ác liệt ở Vị Xuyên những năm 1984 - 1986.

Rõ ràng, đây là cuộc chiến xâm lược thực sự, không đơn thuần là sự “dằn mặt” của Trung Quốc như cách hiểu của nhiều người.

Bởi lẽ không có nước nào dại dột đến mức đưa hàng chục vạn quân cùng nhiều vũ khí, khí tài áp sát biên giới nước khác, đồng thời chịu thiệt hại về mình, rồi lớn tiếng tuyên bố đó là “đòn cảnh cáo”, “dạy bài học”.  

Và nếu không tỉnh táo, nhận định trước tình hình, chủ động ứng phó kịp thời chúng ta đã mất nhiều tỉnh biên giới phía Bắc…

Cũng cần phải nói thêm rằng, trên thế giới chưa có nhà lãnh đạo một nước nào mang danh là cách mạng, là “xã hội chủ nghĩa” lại cư xử với bạn bè một cách thô lỗ, tồi tệ như những nhà cầm quyền Trung Quốc giai đoạn đó.

Sự kiện chiến tranh Biên giới 1979 đã đưa lại cho chúng ta bài học lớn trong quan hệ ngoại giao với Trung Quốc nói riêng, các nước trên thế giới nói chung?

Tướng Lê Mã Lương: Liệu ở đâu trên thế giới này, một dân tộc luôn đi rao giảng về "nhân, "nghĩa" của đạo Khổng, về “môi, răng” của “tình láng giềng hữu nghị” lại hành xử thiếu suy nghĩ như vậy không?

Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng tuyến bố: “Bá quyền và quân phiệt không có trong huyết quản của người Trung Quốc”, hoặc “phô bày sức mạnh quân sự chỉ thể hiện anh thiếu tầm nhìn hoặc thiếu cơ sở đạo đức chứ không cho thấy anh mạnh”. 

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ đưa cuộc chiến tranh vệ quốc bảo vệ biên giới phía Bắc vào sách giáo khoa (Ảnh: tienphong.vn)
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ đưa cuộc chiến tranh vệ quốc bảo vệ biên giới phía Bắc vào sách giáo khoa (Ảnh: tienphong.vn)

Tuy nhiên, chúng ta hãy xem cách họ đã làm với Việt Nam và nhiều nước trên thế giới để thấy rõ bản chất những toan tính, được che lấp bởi những phát biểu không thực chất của nhà cầm quyền Trung Quốc.

Vấn đề đặt ra là, trong quan hệ quốc tế, chúng ta phải luôn trong thế chủ động, cảnh giác trước những âm mưu, nguy cơ từ những tham vọng, tính cơ hội…

Đó còn là bài học kinh nghiệm bằng xương máu của hàng vạn người con Việt Nam đã ngã xuống trong cuộc chiến vệ quốc, vấn đề phòng thủ đất nước, hoạch định chính sách ngoại giao với các nước khác trong tương lai. 

Từ những phân tích trên, theo ông việc không đưa đầy đủ dữ liệu về cuộc chiến tranh Biên giới 1979 trong sách giáo khoa, đã xứng đáng với ý nghĩa, tầm vóc của nó?

Tướng Lê Mã Lương: Trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, chiến tranh vệ quốc 1979 đứng hàng đầu.

Cuộc chiến kéo dài hơn một thập kỷ là khoảng thời gian

"Cuộc chiến đấu của quân và dân ta bảo vệ biên giới phía Bắc kết thúc vào đầu năm 1988 với hơn 3 vạn lính Trung Quốc phải đền tội và hàng nghìn phương tiện chiến tranh bị phá hủy....", Thiếu tướng Lê Mã Lương nói.

không phải dài, nhưng cũng không phải ngắn so với những gì chúng ta đã trải qua trước đó.

Nếu chúng ta tôn trọng lịch sử, hướng tới tương lai để bảo vệ đích thực toàn vẹn lãnh thổ, thì phải tổ chức tổng kết một cách nghiêm túc về cuộc chiến tranh vệ quốc này.

Nhưng nhiều năm qua, chúng ta đã không làm được điều đó. Đây là một sự thiếu sót lớn. 

Trước đó, ngày 30/12/2013, trong hội thảo do Hội khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý đưa cuộc chiến tranh vệ quốc (1976 – 1988) vào sách giáo khoa.

Nhưng từ đó đến nay, Bộ GD&ĐT vẫn chưa có động thái gì. Một sự im lặng khó hiểu!

“Khoảng lặng” hàng thập kỷ ấy khiến người dân không hiểu được bản chất cuộc chiến tranh này.

Sự thiếu sót này là có tội với tiền nhân, lịch sử, đồng bào, đồng chí, những người chiến sĩ đã ngã xuống vì sự nghiệp chiến tranh giải phóng, bảo vệ tổ quốc.

Theo ông, khi đưa vào sách giáo khoa, vấn đề liên quan tới chiến tranh Biên giới 1979, và một số nội dung liên quan tới Hoàng Sa, Trường sa cần nhấn mạnh điều gì?

Tướng Lê Mã Lương: Cuộc chiến đấu bảo vệ tổ quốc ở Biên giới Tây Nam, Biên giới phía Bắc và Biển Đông (1976 – 1988), phải đặt nó đúng bản chất, xứng đáng với tầm vóc lịch sử vốn có.

Do đó, trước hết cần tổ chức hội thảo khoa học, làm rõ bản chất cuộc chiến tranh này để cho toàn thể người dân Việt Nam hiểu rõ bản chất của cuộc chiến vệ quốc bi hùng ấy.

Vấn đề là đưa như thế nào để chúng ta vẫn giữ được hòa khí, mối quan hệ đối với các nước, nhưng vẫn nói lên đầy đủ bản chất của cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại.

Làm cho người dân thể hiện được niềm tự hào của mình trước thế hệ người dân Việt Nam đã bằng sương máu của mình, vì sự toàn vẹn của đất nước.

Lịch sử là sự khách quan, công bằng, trung thực. Nếu

Tướng Lê Mã Lương: "Không sợ chiến tranh nên mới có hòa bình" ảnh 4

Vận nước do dân quyết định

không đưa những sự kiện trên vào sách giáo khoa một cách đầy đủ, trung thực thì đó quả thật là một thiếu sót to lớn.

Để rồi người lớn đừng có trách thế hệ trẻ, ít quan tâm hoặc quay lưng với lịch sử nước nhà.

Hơn bao giờ hết, chúng ta phải tôn vinh đồng bào, những người chiến sĩ bởi chính họ là những người đã ngã xuống vì đất nước này. 

Người ta không sợ chiến tranh nên mới có hòa bình, nhưng không đồng nghĩa với sự hiếu chiến. Trong "gen" người Việt Nam, trong tư duy quân sự, và từ điển quân sự Việt Nam không bao giờ có hai từ “run sợ”. Điều này đã được chứng minh qua hàng ngàn năm lịch sử...

Do đó, không thể đánh đổi xương máu của đồng bào để che lấp sự thật lịch sử đồng thời nhận lấy thứ hòa hiếu viễn vông, không thực chất.

Việc trang bị những kiến thức lịch sử có tính chất thực tế đó góp phần xác lập bản lĩnh con người là vô cùng cần thiết để thế hệ trẻ bước vào đời, thực hiện trách nhiệm công dân với xã hội.

Nếu che đậy sự thật, không thực hiện cải cách nội dung lịch sử sẽ tạo ra sự hụt hẫng về kiến thức lịch sử Việt Nam và thế giới, để lại những hệ quả đáng lo ngại về việc kế thừa các giá trị di sản lịch sử và văn hóa dân tộc, trong giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, trong định hướng phát triển nhân cách, trí tuệ, bản lĩnh con người Việt Nam…

QUỐC TOẢN (THỰC HIỆN)