Muộn còn hơn không!

26/02/2016 07:39
Trương Thanh Liêm
(GDVN) - Đã đến lúc, chúng ta thực sự lo ngại về sự sa đà, lãng quên lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ở giới trẻ hiện nay.

LTS: Theo thông tin từ Bộ GD&ĐT thời gian tới, khi công bố khung chương trình tổng thể, chương trình bộ môn, Bộ sẽ xem xét để đưa nội dung về các cuộc chiến tranh vệ quốc bảo vệ biên giới, hải đảo vào sách giáo khoa mới. 

Trong khi, nội dung về cuộc chiến tranh vệ quốc này chỉ được đề cập vỏn vẹn 11 dòng trong sách giáo khoa hiện hành. 

Vui mừng khi đón nhận thông tin này, thầy giáo Trương Thanh Liêm công tác tại Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật TP. Cần Thơ bày tỏ quan điểm về vấn đề này. 

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 


Sinh thời Bác Hồ đã từng dạy: “Trẻ em như búp trên cành, biết ăn biết ngủ, biết học hành là ngoan” hay lời dạy: “Dân ta phải biết sử ta / Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”.

Thông qua những điều này, Bác Hồ nhắc nhở chúng ta tầm quan trọng trong việc giáo dục trẻ từ khi còn nhỏ và luôn xem trọng việc giáo dục lịch sử nước nhà đến tất cả mọi người. 

Ngày 22/2, dư luận cả nước phấn khởi trước thông tin Bộ GD&ĐT sẽ đưa nội dung chiến tranh biên giới, hải đảo vào sách giáo khoa mới

Việc đưa nội dung chiến tranh biên giới, hải đảo vào sách giáo khoa sẽ góp phần nâng cao nhận thức, suy nghĩ, hành động của thế hệ trẻ trước vận mệnh đất nước. (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)
Việc đưa nội dung chiến tranh biên giới, hải đảo vào sách giáo khoa sẽ góp phần nâng cao nhận thức, suy nghĩ, hành động của thế hệ trẻ trước vận mệnh đất nước. (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Thời gian, chúng ta dù đã có tuyên truyền, đã có giáo dục lịch sử truyền thống giữ nước nhưng xem ra vẫn còn nhiều hạn chế.

Nói như một số nhà khoa học, nghiên cứu lịch sử rằng: “ …chúng ta sẽ có lỗi với lịch sử khi không đưa hay đưa quá qua loa, chiếu lệ các sự kiện vừa nêu vào sách giáo khoa….”

Thử hỏi, những mốc lịch sử chống ngoại xâm, bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc; về cuộc chiến tranh mang ý nghĩa nhân đạo giúp Campuchia thoát ách diệt chủng; về cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc; về cuộc xâm lược của Trung Quốc với quần đảo Hoàng Sa…như vậy mà chỉ sách giáo khoa Lịch sử lớp 12 chỉ gói ghém trong 11 dòng thì học sinh sẽ nắm được gì, biết được gì?

Muộn còn hơn không! ảnh 2

Có những tình tiết lịch sử chỉ thấy dân gian lan truyền

(GDVN) - Tại sao nhắc đến chiến tranh chống các vương triều phong kiến Trung Quốc trước đây và cuộc chiến tranh biên giới 1978, 1979 bị xem là “ nhạy cảm”?

Giờ đã đến lúc, chúng ta lo ngại về sự sa đà, lãng quên lịch sử chống ngoại xâm của giới trẻ hiện nay. 

Họ mù mờ về lịch sử giống nòi, họ không rõ về Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Lê Lợi, Quang Trung…nhưng lại am hiểu về Tần Thủy Hoàng, Càn Long…(Trung Quốc); Napoleon (Pháp), Hitler (Đức).

Họ không biết đến chiến công của Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Thái Hậu Dương Vân Nga, Ngọc Hân Công Chúa… nhưng họ lại biết rất rõ tiểu sử Võ Tắc Thiên, Hoàn Châu công chúa (Trung Quốc), nữ hoàng Cơ lê ô pát (Ai Cập), nữ hoàng Ê-li-da-bét II (Anh)…

Tai hại hơn là sự nhầm lẫn về tiểu sử, công lao, điều kiện lịch sử của các nhân vật lịch sử như sự nhầm lẫn giữa Nguyễn Ánh và Nguyễn Huệ,  Quang Trung và Gia Long…Và gần đây là sự kiện MC của kênh truyền hình VTV đã nhầm Trần Hưng Đạo và Ngô Quyền khiến dư luận vô cùng bức xúc. 

Vậy trách nhiệm giáo dục lịch sử thuộc về ai? Trong khi phim ảnh, tư liệu, sách báo, các hoạt động tuyên truyền ở nước ta rất hạn hẹp. Ngay cả trên sách giáo khoa về lịch sử dân tộc cũng đơn điệu, ít ỏi. 

Thực tế, không chỉ học sinh mà nhiều người lớn không biết đến Trường Sa, Hoàng Sa thuộc tỉnh nào ở nước ta? Không biết đến cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979….Vậy lỗi này thuộc về ai?

Biết rằng bây giờ mới đưa nội dung này vào sách giáo khoa là muộn. Nhưng thà muộn còn hơn không. Việc làm này ắt sẽ góp phần nâng cao nhận thức, suy nghĩ, hành động của thế hệ trẻ trước vận mệnh đất nước. 

Trương Thanh Liêm