Tờ Defense One Mỹ ngày 22/2 cho rằng, Trung Quốc đang tìm cách để Mỹ rơi vào tình cảnh khó khăn: hoặc là thừa nhận yêu sách vô lý, bất hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, hoặc là công khai coi Trung Quốc là kẻ thù.
Tàu Hải cảnh-3901 của Trung Quốc lượng giãn nước 12.000 tấn, tốc độ 25 hải lý/giờ, lắp pháo 76 ly, 2 pháo phụ và 2 súng máy cao xạ, có thể chở máy bay trực thăng Z-8. Tàu này là tàu cảnh sát biển lớn nhất thế giới, năm 2016 sẽ biên chế cho Phân cục Nam Hải - Cảnh sát biển Trung Quốc, triển khai ở Biển Đông. Năm 2015, Trung Quốc đã biên chế tàu lượng giãn nước tương tự mang tên Hải cảnh-2901 cho Phân cục Đông Hải - Cảnh sát biển Trung Quốc (nguồn mạng sina) |
Nếu Mỹ lựa chọn cái Trung Quốc gọi là "thái độ thù địch" với nước này, Bắc Kinh sẽ lu loa rằng Mỹ là một “đế quốc xâm lược”, Mỹ cần đoán trước các bước đi tiếp theo của Trung Quốc, vạch trần hành vi mang tính “xâm lược, bá quyền” của Trung Quốc.
Vào năm 1996, hai tàu sân bay Mỹ đến eo biển Đài Loan, đã kích thích Trung Quốc nghiên cứu phát triển tên lửa đạn đạo chống hạm Đông Phong-21D.
Hiện nay, Tổng thống Mỹ Barack Obama hạ lệnh cho tàu chiến Mỹ tiến hành tuần tra tự do hàng hải ở vùng biển lân cận các thực thể do Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp ở Biển Đông, điều này cũng thúc đẩy Trung Quốc đi theo một hướng khác.
Trung Quốc bắt đầu chế tạo một lô lớn tàu cảnh sát biển mới, bề ngoài là để áp đặt yêu sách chủ quyền, bảo vệ ngư dân, nhưng thực tế đặc tính vật lý của những con tàu khổng lồ này rất không ăn nhập với nhiệm vụ cảnh sát biển thông thường.
Chẳng hạn, tàu tuần tra Legend của Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ lượng giãn nước là 4.500 tấn. Còn tàu tuần tra Trung Quốc lại có lượng giãn nước trên 10.000 tấn.
Loại tàu này của Trung Quốc được trang bị vũ khí hạng nhẹ như pháo 76 ly và các vũ khí cỡ nhỏ khác. Nhưng những vũ khí này hoàn toàn không quan trọng đối với nhiệm vụ thực sự của nó, vì nó được chế tạo để dùng riêng cho việc đâm va vào tàu khác.
Tàu Hải cảnh-2901 của Cảnh sát biển Trung Quốc, triển khai ở biển Hoa Đông. |
Trung Quốc đang tiến hành “đánh giáp lá cà” với một số nước ở biển Hoa Đông và Biển Đông, sử dụng tàu dân sự để áp đặt yêu sách chủ quyền là một phần trong chiến lược của Trung Quốc.
Đến nay, chiến lược đe dọa của Trung Quốc đã đạt được thành công to lớn, nhưng có 2 thứ ngoài ý muốn. Tháng 10/2015 và tháng 2/2016, tàu khu trục USS Lassen và tàu khu trục USS Curtis Wilbur Mỹ đã lần lượt tiến hành tuần tra vùng biển 12 hải lý đá Xu Bi và đảo Tri Tôn ở Biển Đông.
Lần thứ nhất, Trung Quốc điều 2 tàu chiến theo dõi, nhưng không can thiệp hoạt động của Quân đội Mỹ. Hành động lần thứ hai của Mỹ đã gây ngạc nhiên cho người Trung Quốc. Trung Quốc không điều bất cứ tàu chiến nào, nhưng cho dù có điều đến thì cũng không được tích sự gì, vì 2 tàu khu trục này của Hải quân Mỹ có lượng giãn nước lên tới 9.500 tấn.
Tuy nhiên, tình hình này sẽ không lâu dài. Việc đi lại trên biển có một “quy tắc ngầm”, đó là tàu lớn hơn sẽ không linh hoạt, tàu nhỏ hơn cần tránh khi gặp nó.
Tàu khu trục tên lửa USS Lassen DDG-82 Hải quân Mỹ |
Trung Quốc dự định cũng sẽ lợi dụng quy tắc này, sử dụng tàu cảnh sát biển khổng lồ để đâm va các tàu chiến nhỏ hơn đang triển khai hành động tự do hàng hải của Mỹ, từ đó đòi Mỹ thừa nhận yêu sách chủ quyền bất hợp pháp của Trung Quốc.
Theo bài viết, Mỹ cần cân nhắc sửa đổi thiết kế tàu “căn cứ tập kết tuyến đầu trên biển” (Afloat Forward Staging Base) có lượng giãn nước đạt 60.000 tấn và đang được chế tạo, sử dụng tàu này tiến hành hộ tống cho tàu chiến Mỹ thực hiện nhiệm vụ tự do đi lại.
Đây là một phương án lựa chọn "phi vũ lực", hành động này sẽ có lợi cho duy trì vị thế lãnh đạo của Mỹ và bảo vệ hòa bình khu vực.
Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc ngày 25/2 biện hộ rằng, Trung Quốc chế tạo loại tàu cảnh sát biển to như vậy là họ đã học Nhật Bản – Nhật Bản có tàu tuần tra lượng giãn nước gần 10.000 tấn.
Đồng thời, theo bài báo, tàu cảnh sát biển to như vậy ra đời là “kết quả tất yếu” để áp đặt yêu sách chủ quyền bất hợp pháp. Loại tàu này có khả năng chạy liên tục mạnh hơn, bao quát vùng biển rộng hơn, tiết kiệm thời gian quay trở về tiếp tế.
Với trọng tải lớn hơn, nó được lắp hệ thống động cơ mạnh hơn, hơn nữa, nó còn có thể chở máy bay trực thăng, khả năng chống sóng biển tốt hơn, có thể thực hiện tốt hơn nhiệm vụ “cứu trợ nhân đạo” khi xảy ra sự cố hoặc thảm họa trên biển.
Tàu khu trục tên lửa USS Curtis Wilbur (DDG-54) lớp Arleigh Burke của Hải quân Mỹ |