Khi Trung Quốc dùng "ngư dân" làm lá chắn trên Biển Đông

27/02/2016 08:19
Hồng Thủy
(GDVN) - Cách tiếp cận nguy hiểm này của Trung Quốc nhằm kiểm soát không cho đối phương "cựa quậy" nhưng vẫn kiểm soát được nguy cơ xung đột.
Tàu cá Trung Quốc, ảnh: Thời báo Hoàn Cầu.
Tàu cá Trung Quốc, ảnh: Thời báo Hoàn Cầu.

Peter Layton, một học giả thỉnh giảng tại Đại học Griffith ngày 27/2 bình luận trên trang cá nhân tờ The Naitonal Interest, Trung Quốc lại một lần nữa gây lo ngại ở Biển Đông thời gian này với việc kéo tên lửa HQ-9 triển khai (bất hợp pháp) ở Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam).

Qua nhiều năm, tranh chấp đã diễn biến thành một cuộc đụng độ với chiến lược bành trướng liên tục của Bắc Kinh, dấu chân kinh tế - quân sự hóa ở Biển Đông, với sự phản kháng của các nước trong khu vực muốn mọi thứ dựa trên luật lệ và trật tự quốc tế.

Nhưng cho đến nay, thủ đoạn của Trung Quốc đang tỏ ra "thành công" hơn, bởi nó xây dựng dựa trên sức mạnh quân sự, kinh tế. Sau khi phát triển sức mạnh quân sự đủ sức răn đe, Trung Quốc có thể ngăn cản đối thủ làm những hành động mà Bắc Kinh không mong muốn.

Việt Nam đang hiện đại hóa lực lượng Hải quân và Không quân, Cảnh sát biển và Kiểm Ngư, tăng cường năng lực công nghiệp quốc phòng, mở rộng hợp tác với Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Nga. Tàu chiến Mỹ tiến hành các hoạt động tuần tra tự do hàng hải hàng không ở Biển Đông nhằm cân bằng các mối đe dọa tiềm ẩn.

Tuy nhiên theo Peter Layton, những chiến lược này đang dễ dàng bị Trung Quốc bật lại. Trong bất kỳ tình huống nào kiểm nghiệm sức mạnh tương đối, Trung Quốc đang có lợi thế hơn tất cả các bên liên quan ở Biển Đông ngoại trừ Hoa Kỳ. Nhưng khả năng tiến hành một cuộc chiến tranh với Trung Quốc ở Biển Đông dường như quá xa vời, bởi chi phí quá cao còn lợi nhuận lại quá thấp.

Trung Quốc đang sử dụng lực lượng hỗn hợp có hiệu chuẩn cẩn thận, bao gồm hải quân, hải cảnh, tàu thương mại và tàu cá tư nhân phục vụ chiến dịch bành trướng lãnh thổ, hàng hải ở Biển Đông nhằm hóa giải bất kỳ khả năng nào sử dụng vũ lực quân sự để phản ứng.

Ví dụ như một con tàu tự do đi lại trên Biển Đông có thể bị bao vây bởi tàu cá Trung Quốc (hải cảnh, hải quân nằm phục vòng ngoài). Cách tiếp cận nguy hiểm này của Trung Quốc nhằm kiểm soát không cho đối phương "cựa quậy" nhưng vẫn kiểm soát được nguy cơ xung đột.

Đằng sau tất cả điều này còn một thực tế khác, đó là đối với nhiều nước liên quan ở Biển Đông, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chủ yếu. Củ cà rốt kinh tế này cung cấp một công cụ mặc cả luôn luôn có thể được Bắc Kinh sẵn sàng sử dụng để "thưởng" và "phạt" khi cần thiết.

Hồng Thủy