Thời gian qua, có ý kiến cho rằng giá xăng dầu giảm mạnh nhưng cước vận tải vẫn chây ì hoặc có giảm cũng chỉ nhỏ giọt. Các doanh nghiệp vận tải lấy đủ các loại lý do cho việc chậm giảm giá cước của mình.
Từ đó khiến dư luận bức xúc cho rằng, cách quản lý giá cước vận tải như hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn đặt ra.
Bà Nguyễn Thị Thúy Nga, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đã có cuộc trao đổi trên Cổng TTĐT Bộ Tài chính để làm rõ một số nội dung xung quan vấn đề này.
- Vừa qua có ý kiến cho rằng cơ chế quản lý giá cước vận tải hiện nay là chưa hoàn toàn theo cơ chế thị trường, xin bà có thể cho biết về cơ chế quản lý và thực tế điều hành giá cước vận tải bằng xe ô tô hiện nay như thế nào?
Bà Nguyễn Thị Thúy Nga, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính). Ảnh: Một thế giới. |
Bà Nguyễn Thị Thúy Nga: Theo quy định tại Luật Giá và văn bản pháp luật hướng dẫn có liên quan thì giá cước vận tải bằng xe ô tô thực hiện theo cơ chế thị trường; Nhà nước tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật;
Do tính chất của dịch vụ vận tải ô tô, đồng thời để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng và đáp ứng yêu cầu quản lý của Nhà nước, các đơn vị kinh doanh vận tải bằng ô tô có nghĩa vụ thực hiện kê khai giá với cơ quan có thẩm quyền trước khi định giá, điều chỉnh giá theo quy định.
Theo đó, các đơn vị vận tải ô tô được tự quy định giá cước vận tải và với 3 loại hình: Vận tải hành khách bằng xe taxi, vận tải tuyến cố định và vận tải bằng xe buýt, các đơn vị vận tải bắt buộc phải thực hiện kê khai giá với cơ quan có thẩm quyền là Sở Giao thông vận tải hoặc Sở Tài chính hoặc UBND cấp huyện theo sự phân công của UBND tỉnh.
Ngoài 3 loại hình trên, căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét, quyết định bổ sung dịch vụ kinh doanh vận tải bằng ô tô theo hợp đồng, kinh doanh vận chuyển khách du lịch bằng xe ô tô, kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô vào danh mục thực hiện kê khai giá tại địa phương.
Thực hiện quy định nêu trên, thời gian qua cơ bản các địa phương, đơn vị vận tải đã triển khai và thực hiện tương đối tốt việc kê khai giá cước vận tải hành khách bằng xe taxi, vận tải hành khách tuyến cố định và cước xe buýt.
Qua tổng hợp ý kiến của các địa phương cho thấy, kể từ thời điểm triển khai công tác kê khai giá cước vận tải thì mặt bằng giá của thị trường vận chuyển hành khách bằng ôtô được thiết lập ổn định và giá cước được điều chỉnh cơ bản phù hợp với diễn biến giá nhiên liệu, từ đó đã góp phần bình ổn giá, kiểm soát lạm phát ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội.
Đối với vận tải hành khách theo hợp đồng, vận tải hành khách bằng xe du lịch và vận tải hàng hóa, theo báo cáo của địa phương và của Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam thì các đơn vị chủ yếu thực hiện giá cước vận tải theo hợp đồng thỏa thuận, trong đó có điều khoản điều chỉnh giá phù hợp với diễn biến giá nhiên liệu và tình hình thị trường.
Theo Bộ Tài chính, ý kiến cho rằng cách thức quản lý giá cước vận tải như hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn đặt ra là chưa chuẩn xác. Ảnh minh họa: TTXVN. |
Việc định giá cước khác nhau giữa các đơn vị vận tải ô tô tùy thuộc đặc điểm kinh doanh từng đơn vị, từng thời điểm, từng quy mô hoạt động, khả năng quản trị mà đơn vị tính toán giá cước để vừa cạnh tranh, thu hút kích cầu tiêu dùng, vừa phát triển thị trường; trong đó, xăng dầu là 1 một trong số những chi phí cấu thành lên giá cước vận tải.
Trước diễn biến giảm của chi phí xăng dầu trong thời gian vừa qua, bên cạnh những đơn vị kinh doanh vận tải đã tính toán, rà soát, kê khai giảm giá cước vận tải thì còn có những đơn vị chậm kê khai giảm giá hoặc giảm giá chưa phù hợp.
Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải và các địa phương đã có nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt yêu cầu đơn vị vận tải kê khai giảm giá cước, tăng cường giám sát, kiểm tra và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm.
Tính đến thời điểm hiện tại, tất cả các địa phương đều có văn bản chỉ đạo điều hành về giá cước vận tải, trong đó theo thống kê từ Liên Bộ (thông tin từ cuộc họp về giá cước vận tải ngày 22/02/2016 tại Bộ Giao thông vận tải) cho thấy, tính đến hết ngày 19/02/2016 đã có 978 tuyến cố định; 67 tuyến xe buýt và 363 hãng taxi đã giảm giá cước, tỷ lệ giảm giá từ 1%-33,3%.
Như vậy, ý kiến cho rằng cách thức quản lý giá cước vận tải như hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn đặt ra là chưa chuẩn xác. Vì bên cạnh những doanh nghiệp thực hiện tốt việc kê khai giảm giá cước thời gian qua, đối với những doanh nghiệp chưa giảm hoặc giảm giá cước chưa tương ứng biến động giá nhiên liệu cơ quan quản lý nhà nước theo nhiệm vụ phân công đã có những biện pháp điều hành mạnh để yêu cầu đơn vị vận tải giảm giá cước.
Đây là biện pháp hành chính, cơ quan quản lý không mong muốn nhưng để bảo vệ lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng thì cơ quan quản lý vẫn cần thiết phải vào cuộc.
Do đó, bên cạnh những nỗ lực của cơ quan quản lý trong xây dựng cơ chế chính sách, trong thực tiễn quản lý điều hành như nêu trên thì vẫn cần thiết phải có sự nghiêm túc chấp hành quy định pháp luật của các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, vai trò và sự phối hợp chặt chẽ của các hiệp hội, tuyên truyền của cơ quan báo chí, truyền thông… cũng như việc phải tiếp tục hoàn thiện các quy định, thủ tục liên quan đến quản lý vận tải như thủ tục kiểm định đồng hồ, quản lý tuyến, quản lý bến...
- Xin bà cho biết, trong thời gian tới để tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý giá cước vận tải bằng ô tô, cơ quan quản lý nhà nước có phương án như thế nào?
Bà Nguyễn Thị Thúy Nga: Để khắc phục hạn chế của cơ chế thị trường, do các đơn vị kinh doanh vận tải chưa chủ động tính toán, rà soát kê khai giảm cước khi yếu tố đầu vào giảm, hiện nay, liên Bộ Tài chính - Giao thông vận tải đang tổng hợp ý kiến các địa phương và cơ quan liên quan đối với dự thảo TTLT sửa đổi, bổ sung một số Điều tại Thông tư liên tịch số 152/TTLT-BTC-BGTVT ngày 15/2/2014 hướng dẫn thực hiện giá cước vận tải bằng xe ô tô và giá dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.
Trong dự thảo đã có nhiều điểm mới góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vi kinh doanh vận tải như hướng dẫn cụ thể cách thức tiếp nhận văn bản kê khai giá trả lời đơn vị bằng hình thức thư điện tử, đối với trường hợp kê khai giảm giá cho phép thực hiện ngay mức kê khai giảm và tiếp tục tính toán, điều chỉnh nếu có....
Đồng thời, bổ sung quy định yêu cầu các đơn vị vận tải phải kịp thời giảm giá cước phù hợp với diễn biến giảm của chi phí nhiên liệu. Quy định này nhằm hạn chế tình trạng đơn vị vận tải chậm giảm giá cước khi giá nhiên liệu giảm sâu.
Bên cạnh đó, liên Bộ cũng sẽ kiến nghị đơn vị có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung tăng cường chế tài xử phạt đối với những hành vi vi phạm pháp luật về giá và pháp luật liên quan.
Chúng tôi rất mong tiếp tục nhận được ý kiến phản hồi của các cơ quan báo chí, các hiệp hội và người tiêu dùng để liên Bộ tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý giá cước vận tải bằng ô tô cho phù hợp.