RT đưa tin, ngày 26/2 các Nghị sĩ đối lập tại Kosovo đã ném bom khói và hơi cay vào phòng họp Quốc hội nước này, nhằm phá hoại cuộc bầu cử Tổng thống theo luật định. Tuy nhiên, điều đó không làm đình hoãn cuộc bầu cử và các Nghị sĩ Kosovo đã bầu chọn ông Hashim Thaci - Bộ trưởng Ngoại giao làm Tổng thống Kosovo trong nhiệm kỳ mới.
Kosovo vốn là một thực thể thuộc Nam Tư, nhưng có nhiều người gốc Albania sinh sống. Khi Nam Tư tan rã thì Kosovo cũng mong muốn trở thành một quốc gia độc lập.
Để ngăn chặn điều ấy, quân đội Nam Tư đã tiến vào Kosovo và xung đột đẫm máu xảy ra. Nhằm buộc Tổng thống Serbia Milošević phải rút quân khỏi Kosovo, ngày 24/3/1999, NATO ném bom Nam Tư.
Ngày10/6/1999, Milošević đồng ý rút quân và chấp thuận việc quân đội nước ngoài hiện diện tại Kosovo. Cùng với đó là Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã thông qua Nghị quyết 1244, đặt Kosovo dưới sự quản lý của chính quyền quá độ Liên Hiệp Quốc (UNMIK) và ủy quyền cho KFOR, một lực lượng gìn giữ hòa bình do NATO lãnh đạo, theo BBC ngày 17/6/1999.
Kosovo tuyên bố độc lập vào ngày 17/2/2008.
Bom khói do phe đối lập ném vào phòng họp Quốc hội Kosovo. Ảnh: Visar Kryeziu, AP |
Sự kiện “độc nhất vô nhị” tại Kosovo ngày 26/2 vừa qua đã hướng dư luận quốc tế vào thực thể chính trị đặc biệt này với rất nhiều những nghi ngại và ngạc nhiên.
Có người cho rằng, những Nghị sĩ đối lập hung hăng vì quyền lợi của họ không được đáp ứng, tiếng nói của họ không được lắng nghe. Thậm chí là họ bị chèn ép trong việc thể hiện quan điểm.
Có người cho rằng đó chỉ là hành động cực đoan nhằm ngăn chặn cựu Thủ tướng Hashim Thaci – một người chủ trương trao thêm quyền tự trị cho cộng đồng thiểu số Serbia tại quốc gia mà người Albani chiềm phân đông dân số - làm nguyên thủ quốc gia của Kosovo.
Điều đó chứng tỏ mâu thuẫn xã hội tại Kosovo còn rất sâu sắc và gay gắt.
Tuy nhiên theo người viết, sự việc không chỉ đơn giản như vậy. Phía sau làn khói trắng trong tòa nhà Quốc hội Kosovo là rất nhiều vấn đề chính trị xã hội tại quốc gia nhỏ bé này chưa được giải quyết. Chế độ chính trị tại Kosovo vẫn chưa phải là nơi tập trung quyền lực của người dân Kosovo.
Chưa hoàn thiện thể chế chính trị
Trong khoa học chính trị, thể chế được hiểu là những thực thể chính trị và nguyên tắc hoạt động của nó. Nói cách khác, thể chế chính trị là hệ thống những định chế bao gồm Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội khác và nguyên tắc hoạt động của nó.
Hoàn thiện thể chế chính trị là hoàn thiện bộ máy nhà nước với tính chất là thực thể chính trị quan trọng nhất đại diện cho quyền lực nhân dân.
Cùng với đó là xây dựng nguyên tắc hoạt động của các cơ quan trong bộ máy nhà nước, đảm bảo cho nó vận hành một cách động bộ với những tổ chức chính trị xã hội khác, hình thành nên hệ thống chính trị của một quốc gia.
Mục đích hoàn thiện thể chế là nhằm thực hiện tốt nhất quyền lực nhân dân, đáp ứng tốt nhất quyền lợi cho nhân dân, phù hợp với chủ quyền quốc gia và lợi ích dân tộc.
Nếu như hoàn thiện nhà nước về mặt thực thể là lập ra những định chế hình thành nên hệ thống các cơ quan đại diện quyền lực nhân dân từ cấp cơ sở đến cấp trung ương, thì hoàn thiện nguyên tắc hoạt động của nó là xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, Bao gồm Hiến pháp và hệ thống những bộ luật cơ bản liên quan đến hoạt động của bộ máy nhà nước.
Cảnh sát Kosovo chống lại sự tấn công bằng bom xăng của những người đối lập – do chưa hoàn thiện thể chế nên chính quyền Kosovo phải sử dụng biện pháp này. Ảnh: AP. |
Một chế độ chính trị hoàn thiện sẽ đảm bảo quyền lực Nhà nước một cách tập trung nhất, vững mạnh nhất, chuyên chính nhất. Một chế độ chính trị hoàn thiện sẽ đảm bảo việc đáp ứng cao nhất, công bằng nhất lợi ích của các chủ thể thông qua sự vận hành của hệ thống chính trị. Một chế chính trị hoàn thiện sẽ đảm bảo cho một xã hội ổn định và phát triển hài hòa.
Tiêu chí của thể chế chính trị hoàn thiện là tinh gọn về bộ máy và ưu việt về nguyên tắc hoạt động, vì chỉ có như vậy nhà nước mới thể hiện được sự tập trung cao nhất về quyền lực và khả năng đáp ứng cao nhất về quyền lợi cho các chủ thể.
Do vậy, yêu cầu của hoàn thiện thể chế là tâm và tầm – nghĩa là lực lượng tham gia vào công việc quản lý nhà nước phải đạt chuẩn về kiến thức để làm việc có hiệu quả, phải đủ sâu về nhận thức để thể hiện tốt trách nhiệm.
Điều đó cho thấy, không phải bộ máy cơ quan nhà nước nhiều tầng nấc, hệ thống luật pháp đồ sộ mới là một thể chế chính trị hoàn thiện, mà phải là ngược lại - tinh, gọn và hiệu quả.
Bởi vậy, thành phần tham gia vào quá trình hoàn thiện thể chế phải là những thành phần ưu tú của xã hội. Hoàn thiện thể chế chính trị không có chỗ cho những ai hèn kém và dốt nát.
Vì tầm quan trọng của thế chế chính trị hoàn thiện nên yêu cầu đặt ra với tất cả những lực lượng cầm quyền ngay sau khi nắm quyền hay giành được quyền lực là đều phải hướng tới việc hoàn thiện thể chế chính trị.
Điều này vừa để củng cố sức mạnh của chế độ, vừa để đảm bảo khả năng đáp ứng tốt nhất lợi ích của tất cả các thành phần trong cộng đồng quốc gia dân tộc đó.
Ngay sau Cách mạng Tháng Tám, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải nhanh chóng thành lập Chính phủ lậm thời, ban hành sắc lệnh của nhà nước quản lý xã hội, tiến hành soạn thảo, thông qua và ban hành Hiên pháp…Đó chính là những hoạt động của quá trình hoàn thiện thể chế chính trị tại Việt Nam sau khi giành chính quyền.
Chết trong ảo tưởng |
Từ mục đích, yêu cầu cũng như nguyên tắc của việc hoàn thiện thể chế, soi vào chế độ chính trị hiện hành tại Kosovo người ta nhận ra rằng chế độ chính trị tại quốc gia nhỏ bé này chưa hoàn thiện. Nhà nước chưa đủ mạnh, luật pháp chưa đủ nghiêm để đảm bảo cho nhà nước sử dụng quản lý xã hội một cách hiệu quả.
Do vậy, việc Nghị sĩ đối lập dùng bom khói gây rối trong kỳ họp quan trọng của Quốc hội là thể hiện khát vọng của người dân vào việc hoàn thiện thể chế chính trị, để qua đó người ta được đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ trong một quốc gia độc lập, có chủ quyền.
Hành động đó không thể xem là hành động phá hoại khi định chế được quyền phán xét nhà nước chưa hoàn thiện. Công cụ được sử dụng để phán xét chính là luật pháp lại chưa được thực tiễn hóa giá trị của nó.
Thiếu cơ chế thực thi quyền lực
Nếu như thể chế chính trị là thể hiện quyền lực nhân dân thì cơ chế thực thi chính là thể hiện quyền lực nhà nước. Thể chế chính trị là tập trung quyền lực được nhân dân ủy thác, còn cơ chế thực thi là sử dụng quyền lực được ủy thác vào việc bảo vệ, phục vụ cho lợi ích của nhân dân.
Do đó, ngoài việc hoàn thiện thể chế chính trị thì lực lượng cầm quyền phải xây dựng được cơ chế thực thi quyền lực phù hợp thì mới quản lý được xã hội.
Cơ chế thực thi quyền lực có thể hiểu một cách đơn giản nhất là cơ cấu và chế độ vận hành của bộ máy nhà nước. Hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước có hợp lý hay không, cồng kềnh hay tinh gọn thì nhìn vào cơ cấu là người ta có thể biết được. Và từ đó có thể nhận ra cơ quan nào nào thừa hay cần cắt giảm bộ phận nào của một cơ quan quản lý nhà nước.
Do Nhà nước Kosovo thiếu cơ chế thực thi quyền lực nên những người đối lập phải lựa chọn cách thức này để nói chuyện với chính quyền. Ảnh: EPA. |
Chế độ vận hành của hế thống các cơ quản lý nhà nước sẽ cho thấy hiệu quả trong hoạt động của bộ máy công quyền, từ đó sẽ phát hiện ra sự thống nhất hay lệch pha giữa các cơ quan trong hệ thống, hay thậm chí giữa các bộ phận trong một cơ quan.
Cũng từ chế độ vận hành mà người ta sẽ nhận ra sự giẫm chân lên nhau hay phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan.
Vì vậy, hoàn thiện thể chế chính trị chỉ là hoàn thiện nhà nước về mặt hình thức tồn tại và hoàn thiện chế độ hoạt động của nó về mặt kỹ thuật. Nhà nước và luật pháp có hoàn chỉnh như thế nào đi chăng nữa cũng chỉ để “làm cảnh” nếu không xây dựng được cơ chế cho nó vận hành.
Do đó có thể xem cơ chế thực thi quyền lực là quá trình thực tiễn hóa việc hoàn thiện thể chế.
Bởi vậy, có thể thấy rằng cơ chế thực thì quyền lực mới là nơi thể hiện rõ rệt nhất hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước và qua đó cũng kiểm định một nhà nước có phải là thực thể chính trị đại diện cho quyền lực của nhân dân hay không. Người dân kiểm tra, giám sát hoạt động của bộ máy nhà nước là thông qua cơ chế thực thi quyền lực.
Một người dân mất trộm hay bị ăn cướp hoặc bị quỵt nợ thì không thể mang đơn kiện lên Tổng thống hay Thủ tướng Chính phủ, mà họ phải gửi đơn kiện ở cơ quan thực thi, bảo vệ pháp luật phù hợp nhất có chức năng và nhiệm vu giải quyết vụ việc đó.
Cơ chế thực thi quyền lực sẽ cho biết đâu là cơ quan phù hợp nhất và cách thức đúng nhất trong quá trình giải quyết vụ việc.
Nhà nước là cơ quan quyền lực của nhân dân – quan hệ giữa nhà nước với mọi người dân là như nhau, không có sự khác biệt. Hiến pháp và pháp luật là công cụ điều hành và quản lý xã hội của nhà nước, vì vậy pháp luật bình đẳng với mọi người dân, không có sự thiên lệch hay thiện vị đối với bất cừ người dân nào.
Rung chà cá nhảy |
Tuy nhiên, nhà nước quản lý xã hội với đầy đủ các tầng lớp, thành phần, giai tầng với nhiều quan điểm khác nhau, trong đó có cả đồng thuận, không đồng thuận, thậm chí phản đối chính sách của nhà nước. Nghĩa là việc tiếp nhận và phản hồi đối với sự quản lý của nhà nước là khác nhau giữa những người dân. Vậy làm sao người dân thể hiện được sự khác biệt ấy?
Đó chính là vai trò của cơ chế thực thực thi quyền lực nhà nước. Điều này thể hiện qua hệ thống những văn bản luật và quy phạm pháp luật chuyên ngành và riêng biệt.
Đối với một vấn đề nào đó của đất nước, những người đồng thuận với chính quyền thì có cách thức thể hiện ra sao, những người phản đối chính quyền thì có cách thức thể hiện như thế nào, đều phải được quy định chi tiết và cụ thể.
Từ đó cho thấy, việc những Nghị sĩ đối lập dùng bom khói và hơi cay để phản đối việc bầu Tổng thống tại Quốc hội Kosovo chứng tỏ Nhà nước Kosovo thiếu cơ chế thực thi quyền lực trong việc quy định những người đối lập thể hiện quan điểm của mình như thế nào. Bởi lẽ nếu có quy định thì những Nghị sĩ đối lập sẽ không thể gây rối và có thể bị bắt giữ nếu vi phạm.
Tuy nhiên, điều ấy không diễn ra khi lực lượng an ninh Kosovo bảo vệ tòa nhà Quốc hội chỉ ngăn chặn chứ không bắt giữ những người gây rối ấy. Có thể có người cho rằng lực lượng an ninh và phe đối lập thông đồng với nhau để gây sức ép lên chính quyền do phe đa số lãnh đạo.
Tuy nhiên, điều đó không thể khẳng định được. Nhưng việc ấy diễn ra được là do Kosovo thiếu cơ chế thực thì quyền lực thì chắc chắn không thể phản bác.
Có nhiều chính quyền tiến bộ trên thế giới đã tạo điều kiện tối đa với những cơ chế hết sức tuyệt vời cho những người đối lập hay bất đồng quan chính kiến thể hiện quan điểm của họ, đóng góp công sức của họ cho việc xây dựng và phát triển đất nước, như tại Singapore chẳng hạn.
Chính quyền của Thủ tướng Lý Hiển Long đã quy định số ghế tối thiểu mặc định cho phe đối lập tại Quốc hội để tiếng nói của họ có trọng lượng hơn đối với chính sách của chính phủ.
Như vậy, có thể khẳng định rằng, Nhà nước Kosovo chưa phải là một thực thể chính trị hoàn thiện, chính quyền Kosovo chưa có một cơ chế thực thi quyền lực cụ thể và phù hợp nên những Nghị sĩ mới có thể gây rối, thậm chí phải gây rối như thế để tiếng nói của họ không bị xem nhẹ rồi lãng quên.
Sự kiện “làn khói trắng” xảy ra tại Kosovo như một lời cảnh báo cho chính quyền tại nhiều quốc gia trên thế giới, nếu muốn được đại diện quyền lực của nhân dân một cách thực sự, thì đừng quên những điều phía sau làn khói trắng ấy.