Vietnam Airlines phải minh bạch
Thông tin Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – VNA) đề xuất Bộ Giao thông vận tải xin thành lập một hãng hàng không mới trên cơ sở sắp xếp lại Công ty Dịch vụ bay hàng không (VASCO) - một đơn vị của Vietnam Airlines hiện nay dưới dạng công ty cổ phần ngay lập tức thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, trong đề xuất của Vietnam Airlines với Bộ Giao thông vận tải không nói đến việc tổ chức đấu thầu công khai, tạo cơ hội cho nhà đầu tư có thể mua được cổ phần của hàng hàng không mới này.
Cụ thể, trong đề xuất gửi lên Bộ Giao thông vận tải, Vietnam Airlines đã dựng sẵn "kịch bản" cổ phần hóa khi thành lập hãng hàng không mới sẽ có 3 cổ đông lớn gồm Vietnam Airlines (nắm giữ 51% cổ phần), 49% cổ phần còn lại thuộc về 2 doanh nghiệp của một ngân hàng.
Vietnam Airlines cho biết, công ty mới sẽ có tên gọi dự kiến là Công ty CP Hàng không VASCO.
Trước điều lệ hoạt động (dự kiến) và cơ cấu tổ chức, điều hành trong đề xuất của Vietnam Airlines, PGS.TS Bùi Quang Bình – Tạp chí Khoa học Kinh tế cho rằng: Với phương án tỷ lệ cổ phần trên, dễ dàng thấy Vietnam Airlines vẫn nắm quyền điều hành chiến lược phát triển VASCO.
PGS.TS Bùi Quang Bình khẳng định, việc tách VASCO riêng biệt khởi Vietnam Airlines là đúng đắn, tạo cơ chế cạnh tranh thị trường, giúp người dân có thêm sự lựa chọn điều kiện.
Mặt khác, cổ phần hóa có nghĩa sẽ bán phần vốn nhà nước cho nhà đầu tư, khi đó nhà nước sẽ thu lại phần tài sản.
Biến tướng thu hồi vốn nhà nước trong đề án thành lập hãng hàng không mới |
Trong đề xuất của Vietnam Airlines cho biết, phía đơn vị đề nghị góp vốn cùng Vietnam Airlines thành lập một hãng hàng không mới. Điều này có nghĩa, Vietnam Airlines đã lựa chọn đối tác chiến lược.
Trong khi đó theo Điều 11, Nghị định 59/2011 về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần, doanh nghiệp phải thực hiện công khai, minh bạch thông tin và niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Doanh nghiệp cổ phần hóa phải thực hiện công khai, minh bạch phương án cổ phần hóa, tình hình quản lý và sử dụng đất đai, lao động theo đúng quy định của Luật Doanh nghiệp và các quy định khác của pháp luật.
Doanh nghiệp cổ phần hóa có tình hình tài chính đáp ứng đủ điều kiện niêm yết theo quy định của pháp luật về chứng khoán phải xây dựng phương án, lộ trình niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán theo quy định của pháp luật.
Cơ quan có thẩm quyền quyết định phương án cổ phần hóa quy định việc cổ phần hóa đồng thời với việc niêm yết trên thị trường chứng khoán trong phương án cổ phần hóa để công bố cho các nhà đầu tư biết trước khi bán cổ phần lần đầu.
“Dựa theo quy định pháp luật này dù có đối tác chiến lược xin đầu tư nhưng Vietnam Airlines vẫn phải công khai, minh bạch thông tin”, PGS.TS Bùi Quang Bình khẳng định.
Lo ngại thất thoát tài sản nhà nước
Đánh giá phương án cổ phần hóa một doanh nghiệp nhà nước, PGS.TS Bùi Quang Bình cho rằng, việc thực hiện niêm yết thông tin doanh nghiệp, tiến hành đấu giá cổ phần nhà nước sẽ thu về nguồn lợi lớn hơn.
Đồng quan điểm này, LS. Trương Thanh Đức - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - VNBA) cho biết, về nguyên tắc thì phải công khai, càng công khai minh bạch, càng nhiều người biết thì càng có cơ hội để bán được giá cao.
“Mục tiêu của cổ phần hóa khi bán phần vốn nhà nước với giá cao, bán nhiều mang về tài sản cho nhà nước. Đương nhiên, công khai minh bạch càng nhiều thì càng lợi cho nhà nước”, LS. Trương Thanh Đức nói.
Với tốc độ phát triển ổn định, kinh tế Việt Nam vượt qua khủng hoảng cùng với hàng loạt hiệp định kinh tế mở ra cơ hội phát triển mới. Kinh tế phát triển cũng mở ra cơ hội lớn cho ngành hàng không khi nhu cầu sử dụng loại phương tiện giao thông hiện đại này ngày một lớn.
Tuy nhiên, thị trường hàng không Việt Nam hiện nay vẫn chịu sự chi phối lớn của Tổng công ty Hàng không Việt Nam. Bởi trong số các hãng hàng không nội địa hiện nay thì ngoại trừ Vietjet Air, Vietnam Airlines đang nắm cổ phần lớn tại Jetstar Pacific (70%) còn VASCO là công ty con của Vietnam Airlines.
Thực tế thị trường đỏi hỏi phải có thêm hãng hàng không tăng cơ hội lựa chọn cho người dân, tạo cơ chế cạnh tranh đảm bảo công bằng cho doanh nghiệp.
Chính vì thế, thông tin một hãng hàng không mới tách riêng biệt khỏi Vietnam Airlines dưới dạng cổ phần mang thương hiệu VASCO được người dân hết sức mong đợi.
Cái người dân mong đợi là một VASCO với phiên bản Vietjet Air 2.0, tạo cơ hội bay nhiều cho người dân.
Tuy nhiên với đề án trình Bộ Giao thông vận tải, rõ ràng việc Vietnam Airlines nắm cổ phần lớn sẽ đưa đến một VASCO “bình mới rượu cũ” khi VASCO cơ bản, vẫn cứ là… VASCO, chỉ thêm cổ đông góp vốn và đây bản chất là cổ phần hóa Công ty TNHH.
Mặt khác, tuy riêng biệt nhưng lúc đó VASCO vẫn chỉ là hãng hàng không thiên về vận chuyển đường bay ngắn chứ không phải như mô hình Vietjet, một mô hình hàng không còn thiếu ở thị trường Việt Nam.
Đánh giá về phương án cổ phần hóa VASCO, các chuyên gia kinh tế cho rằng, để đảm bảo khách quan trên thị trường không nên để Vietnam Airlines với tư cách cổ đông lớn nhất.
Đồng thời cần định giá tài sản VASCO (bao gồm giá trị thương hiệu, giá trị tài sản cố định…), từ đó công khai giá bán cổ phần để doanh nghiệp khác am hiểu thị trường hàng không có thể tham gia đầu tư.