Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc ngày 1/3 dẫn lời giáo sư Liêm Đức Khôi đến từ Học viện Văn hóa, kinh tế Nhật Bản – Đại học Ngoại ngữ Thượng Hải cho rằng:
“Nhật Bản rất lo ngại về tuyến đường hàng hải ở Biển Đông, lo ngại Biển Đông bị Trung Quốc kiểm soát hoàn toàn, cho nên tìm mọi cách kiềm chế Trung Quốc, lôi kéo tất cả các nước, nhất là Philippines có mâu thuẫn lớn nhất với Trung Quốc. Philippines lại có nhu cầu, ủng hộ Philippines kiềm chế Trung Quốc có lợi cho Nhật Bản”.
Đá Châu Viên đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép thuộc quần đảo Trường Sa, Khánh Hòa, Việt Nam. Ảnh: The New York Times. |
Nhật Bản can thiệp vấn đề Biển Đông còn có một mục đích khác, đó là phân tán áp lực ở biển Hoa Đông. Trung Quốc triển khai tương đối dày đặc các hoạt động quân sự ở biển Hoa Đông, ra vào Thái Bình Dương và đi ra ngoài chuỗi đảo thứ nhất.
Hơn nữa, Trung Quốc cũng tìm cách đoạt lấy đảo Senkaku/Điếu Ngư, thường xuyên tổ chức tuần tra trên biển. Vì vậy, Nhật Bản muốn can thiệp vấn đề Biển Đông, tạo sức ép cho Trung Quốc, tìm cách buộc Trung Quốc phải nhượng bộ. Ngoài ra, điều này cũng phù hợp với mong muốn của Mỹ.
Theo hãng tin Reuters Anh ngày 29/2, Tòa trọng tài thường trực của Liên hợp quốc ở The Hague sẽ đưa ra phán quyết về vụ kiện của Philippines vào trước tháng 5/2016.
Philippine Daily Inquirer ngày 29/2 dẫn lời nghị sĩ Philippines Rodolfo Biazon cho rằng, nếu Bắc Kinh từ chối không tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài thường trực, Philippines và đồng minh cần cân nhắc tiến hành trừng phạt kinh tế đối với Trung Quốc.
Trung Quốc cần chấm dứt quân sự hóa Biển Đông |
Rodolfo Biazon kiến nghị, Philippines và các nước láng giềng cần hợp tác lại, giống như EU phản ứng với Nga trong vấn đề Ukraine để đối phó Trung Quốc.
“Điều này có thể giống như EU đã làm trong vấn đề Ukraine… chủ yếu tiến hành trừng phạt kinh tế… cũng bao gồm một chút trừng phạt chính trị” – Rodolfo Biazon nói.
Theo Nghị sĩ Rodolfo Biazon, có thể tiến hành các biện pháp đáp trả Trung Quốc như phong tỏa tuyến đường nhập khẩu dầu mỏ từ Trung Đông của Trung Quốc.
Rodolfo Biazon còn cho biết, ông đã cùng các nghị sĩ Quốc hội và quan chức ngoại giao Nhật Bản “thảo luận không chính thức” về các biện pháp có liên quan.
Tuy nhiên, cho dù các biện pháp trừng phạt có được đưa ra hay không thì hiệu quả của nó thế nào vẫn chưa biết, đặc biệt là khi Trung Quốc có quan hệ kinh tế khá chặt chẽ với các nước trong khu vực, trong đó có Philippines.