Trung Quốc sắp sang giai đoạn 3: Đối đầu thách thức Mỹ ở Biển Đông?

01/03/2016 06:51
Hồng Thủy
(GDVN) - Đi kèm hệ thống vũ khí Trung Quốc ở Biển Đông là một loạt các tuyên bố tuyên truyền về pháp lý, nhằm để thay đổi nhận thức toàn cầu.

South China Morning Post ngày 29/2 đưa tin, Trung Quốc có thể sẽ công bố khoản ngân sách quốc phòng năm nay gia tăng đáng kể so với những năm trước, trong bối cảnh căng thẳng đang leo thang bởi sự theo đuổi yêu sách lãnh thổ (bành trướng) và hàng hải của nước này trên Biển Đông.

Dự kiến ngân sách quốc phòng Trung Quốc năm nay sẽ được công bố vào Thứ Bảy này, khi Quốc hội Trung Quốc mở đầu phiên họp hàng năm. Một nguồn tin thân cận với quân đội Trung Quốc nói: "Tôi nghĩ rằng thậm chí tăng 20% cũng được chấp nhận trong thời gian này, dù đó là mức cao nhất kể từ năm 2007".

Tàu hải quân Trung Quốc, ảnh minh họa: Tân Hoa Xã/SCMP.
Tàu hải quân Trung Quốc, ảnh minh họa: Tân Hoa Xã/SCMP.

Một nguồn tin khác từ hải quân Trung Quốc nói với South China Morning Post, căng thẳng với các nước láng giềng và Hoa Kỳ trên Biển Đông, Hoa Đông cũng là nhân tố (cái cớ) để Bắc Kinh tăng ngân sách quốc phòng.

The Epoch Times ngày 29/2 bình luận, cả thế giới sẽ không thể làm gì nếu để Trung Quốc thực hiện thành công chiến lược chống tiếp cận ở Biển Đông, trong khi giai đoạn 2 - triển khai các vũ khí chiến lược xuống Biển Đông có khả năng sắp hoàn thành.

Các nhà phân tích quốc phòng đã cảnh báo, những nỗ lực này của Trung Quốc là nhằm đẩy Hoa Kỳ khỏi Biển Đông và Hoa Đông với những gì họ gọi là chống xâm nhập/chống tiếp cận (A2/AD).

Điều này sẽ cung cấp cho Trung Quốc khả năng kiểm soát khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng như những nơi khác. Bên cạnh triển khai tên lửa, máy bay, ra đa, tàu ngầm, tàu chiến (bất hợp pháp) xuống Biển Đông, Trung Quốc còn tiến hành cả "chiến tranh chính trị, chiến tranh pháp lý, chiến tranh dư luận và chiến tranh tâm lý" với các đối thủ ở Biển Đông, Hoa Đông.

Khi các loại vũ khí chiến lược Trung Quốc triển khai (bất hợp pháp) ở Biển Đông được xem như một hệ thống, nó có thể tấn công các mục tiêu trên không, trên biển và đáy biển. Đi kèm hệ thống vũ khí Trung Quốc ở Biển Đông là một loạt các tuyên bố tuyên truyền về pháp lý, nhằm để thay đổi nhận thức toàn cầu về hành động của mình.

Trong khi tình hình có vẻ hỗn loạn, chiến lược độc chiếm Biển Đông vẫn được Trung Quốc thúc đẩy đều đặn. Tháng Bảy năm ngoái, Trung Quốc tuyên bố xây dựng xong đảo nhân tạo (bất hợp pháp) ở Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam), kết thúc giai đoạn 1.

Từ thời điểm đó, Trung Quốc đã chuyển sang giai đoạn 2 - xây dựng cơ sở hạ tầng và đặt vũ khí trang bị khí tài quân sự trên các đảo nhân tạo. Với những gì vừa diễn ra trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam), giai đoạn 3 có lẽ không còn xa nữa.

Ngày 28/2, South China Morning Post dẫn lời Vương Giáo Thành - Tư lệnh Chiến khu Nam phát biểu trên tờ Nhân Dân nhật báo rằng, quân đội Trung Quốc đang chuẩn bị để "bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông".

Viên tướng họ Vương này tuyên bố: "Không một quốc gia nào được phép hành động đe dọa chủ quyền, an ninh của Trung Quốc dù với bất cứ lý do gì. Nhiệm vụ quan trọng nhất của Chiến khu Nam là bảo vệ quyền và lợi ích ở Biển Đông".

Hồng Thủy