Trung Quốc đang ngày càng leo thang quân sự hóa Biển Đông, thúc đẩy hiện thực hóa yêu sách đường lưỡi bò vô lý, phi pháp và bành trướng, biến Biển Đông thành "ao nhà", "sân sau" và lấy đó làm bàn đạp tiến lên siêu cường cạnh tranh với Hoa Kỳ, thậm chí cuối cùng vượt mặt Hoa Kỳ trở thành lực lượng thống trị thế giới.
Cùng với chiến lược Một vành đai, một con đường và các định chế tài chính Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á AIIB, Quỹ Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực RCEP..., Trung Quốc đang ra sức quân sự hóa Biển Đông, lấy Biển Đông làm đột phá khẩu để thực hiện "giấc mộng Trung Hoa" trở thành siêu cường số 1.
"Sư tử" Trung Hoa đã thức giấc, ảnh minh họa: The Guardian. |
Con đường Bắc Kinh tiến tới mục tiêu thống trị toàn cầu không còn xa vời. Nếu như Washington và Moscow không tỉnh ra mà cứ tiếp tục gầm gừ nhau trên khắp các điểm nóng toàn cầu mà quên mất rằng, đối thủ nguy hiểm thực sự của cả hai chính là Trung Quốc đang trên đà thực hiện tham vọng trở thành "anh cả", "đại ca" toàn cầu, cả hai sẽ thất bại.
Khoảng trống quyền lực ở Biển Đông hậu Chiến tranh Lạnh
Biển Đông với hai đầu Đông - Tây giáp Philippines và Việt Nam từng là tuyến đầu của Chiến tranh Lạnh trong khu vực. Trong khi Mỹ cắm 2 căn cứ quân sự lớn nhất khu vực ở Philippines, hải quân tại Subic và không quân ở Clark, thì vịnh Cam Ranh của Việt Nam là địa bàn đứng chân của hải quân Liên Xô và sau đó là Nga.
Ngay từ cuối thập niên 1970, sự suy yếu của Liên Xô và mâu thuẫn Xô - Trung đã khiến Hoa Kỳ không còn lo lắng phải duy trì một bức "tường thành" ở phía Đông Biển Đông để chống lại ảnh hưởng của Moscow trong khu vực.
Liên Xô sụp đổ năm 1991 khiến Hoa Kỳ tự tin rút quân hoàn toàn khỏi căn cứ Subic và Clark mà không biết rằng, đó là sai lầm chiến lược mà bây giờ họ phải trả giá.
Sớm thấy được cục diện Biển Đông, nơi Hoa Kỳ chủ quan khinh địch, còn Liên Xô ngày một suy yếu, Bắc Kinh đã quyết định bắt tay với Washington bề ngoài là cùng chống lại Liên Xô, nhưng bên trong là để dễ bề thực hiện bước tiến quân thứ nhất: Cất quân xâm lược, đánh chiếm toàn bộ nửa phía Tây còn lại của quần đảo Hoàng Sa, Đà Nẵng, Việt Nam năm 1974. Hoa Kỳ không can thiệp.
Năm 1975 khi Quân giải phóng Miền Nam Việt Nam tiếp quản quần đảo Trường Sa từ Quân lực Việt Nam Cộng hòa, đã có những tàu cá trá hình của Trung Quốc lởn vởn rình rập khu vực này.
Nhưng mãi đến năm 1988, khi Liên Xô đã thực sự rệu rã và không còn khả năng can thiệp quân sự từ Cam Ranh, còn cuộc chiến xâm lược, xâm phạm biên giới phía Bắc Việt Nam vẫn đang tiếp tục khiến Việt Nam hao người, tốn của, kiệt quệ vì phải căng mình chống nạn ngoại xâm, Đặng Tiểu Bình xua quân đánh chiếm 6 bãi cạn ở Trường Sa. Có người "trách" Nga không làm gì, nhưng Trung Quốc đã tính hết cả.
Thời điểm đó Việt Nam đang trong tình thế cực kỳ khó khăn, một phần do vừa phải trải qua 4 cuộc chiến tranh chống ngoại xâm liên miên ác liệt, một phần vì vừa mới tiến hành công cuộc Đổi mới từ nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp, sang nền kinh tế thị trường. Điều đó đã tạo ra "thiên thời" cho Bắc Kinh thực hiện bước tiến quân thứ 2 bành trướng Biển Đông.
Năm 1991, Mỹ rút khỏi căn cứ không quân Clark. Năm sau Hoa Kỳ tiếp tục rút quân khỏi căn cứ hải quân Subic. Còn Nga trên thực tế đã rút vũ khí và binh lực khỏi Cam Ranh từ năm 1993 sau 14 năm hiện diện. Đến ngày 2/5/2002 lá cờ Nga được hạ xuống khỏi căn cứ này. Khoảng trống quyền lực thực sự đã hình thành ở Biển Đông.
Tham vọng "giấc mộng Trung Hoa" của ông Tập Cận Bình có lẽ còn lớn hơn cả Mao, Đặng. Ảnh minh họa: The New York Times. |
Giấc mộng "tiến quân xuống Đông Nam Á" từ thời Mao Trạch Đông đã được Đặng Tiểu Bình thực hiện qua hai cuộc tiến quân xâm lược năm 1974, 1988. Giờ đây nó đang được đẩy mạnh dưới thời ông Tập Cận Bình với tên gọi mỹ miều "phục hưng dân tộc Trung Hoa", thực hiện "giấc mơ Trung Quốc" ở tầm lớn hơn - bá chủ toàn cầu, lấy Biển Đông làm đột phá khẩu.
Tiếc nuối muộn màng
Đối với Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, có lẽ họ đã nhận ra sai lầm chiến lược của mình khi rút quân khỏi Clark và Subic. Nếu hai căn cứ hải quân Hoa Kỳ còn án ngữ ở đó, có lẽ Bắc Kinh không dễ dàng manh động bồi đắp đảo nhân tạo và quân sự hóa Trường Sa vũ bão như hiện nay.
Sự tiếc nuối muộn màng ấy bắt đầu từ phát biểu của Ngoại trưởng Hillary Clinton tại Hà Nội năm 2010 về lợi ích cốt lõi của Mỹ ở Biển Đông. Trong thời gian cầm quyền, Tổng thống Barack Obama đã ra sức thúc đẩy chiếc lược "xoay trục" sang châu Á - Thái Bình Dương mà Biển Đông có vai trò quan trọng.
Washington nhận ra rằng, trong khi các khu vực khác đã bão hòa về động lực tăng trưởng, thì châu Á - Thái Bình Dương nổi lên như một điểm sáng với rất nhiều cơ hội. Nhưng khi quay lại, pháo đài, chiến hạm, tàu ngầm, máy bay và cả chiến hạm trá hình, ngư dân giả dạng của Trung Quốc đã xuất hiện dày đặc ở Biển Đông mà Hoa Kỳ không có cách nào đuổi được.
Các hoạt động tuần tra bảo vệ tự do, an toàn hàng không hàng hải và luật pháp quốc tế ở Biển Đông mà Mỹ tiến hành chống lại hành vi leo thang quân sự hóa bất hợp pháp của Trung Quốc, trên thực tế cũng chỉ là biện pháp "chữa cháy", dù rất cần thiết.
Người Trung Quốc và người Mỹ hiểu rõ điều này, Mỹ phản đối cứ phản đối, Mỹ tuần tra cứ tuần tra, còn Trung Quốc quân sự hóa cứ quân sự hóa.
Việc chính quyền Tổng thống Barack Obama nỗ lực tìm cách thúc đẩy chiến lược xoay trục cho thấy "sự ân hận muộn màng". Dù nỗ lực thế nào, thực sự Washington cũng khó có thể xoay chuyển được cục diện.
Trong khi đó, áp lực từ đồng minh đối tác yêu cầu Hoa Kỳ có hành động ngăn chặn bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông ngày càng tăng.
Đối với Nga, ngày 17/10/2001 Tổng thống Vladimir Putin thông báo, nước này rút quân đội khỏi Cam Ranh. Ông nhấn mạnh, Nga rút quân khỏi Cam Ranh, Việt Nam và Ludres, Cuba là vì lý do tài chính chứ không phải lý do chính trị.
Trong khi hai ông Obama và Putin còn đang nghĩ mưu chống nhau, ông Tập Cận Bình tập trung nuôi quân, mua vũ khí. Ảnh minh họa: Internet. |
Nhưng trước đó vào ngày 8/10/2010 hãng tin Interfax lại nói rằng, Bộ Tư lệnh Hải quân Nga mong muốn tái lập một căn cứ hậu cần cho các tàu chiến Nga ở Cam Ranh.
Khi thăm chính thức Việt Nam tháng Ba 2013, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cũng đã ghé cảng Cam Ranh. Thậm chí đã xảy ra câu chuyện Hoa Kỳ và Nga cùng tranh giành ảnh hưởng đối với căn cứ chiến lược này.
Hoa Kỳ đã ký với Philippines hiệp định hợp tác quốc phòng mở rộng, cho phép quân đội Mỹ sử dụng các căn cứ quân sự của quốc gia này ven Biển Đông. Dù đã được Tòa án Hiến pháp Philippines thông qua, nhưng triển khai hiệp định còn cả một chặng đường phía trước.
Mặt khác, Subic và Clark dù có vị trí chiến lược trọng yếu, nhưng một khi chỉ là "quán trọ" thay vì nơi đứng chân của quân đội Hoa Kỳ như trước kia, việc ngăn cản bước tiến của Trung Quốc bành trướng Biển Đông là hết sức khó khăn, phức tạp.
Bọ ngựa bắt ve sầu, chim sẻ rình sau lưng
Thế lực thống trị mới đang bắt đầu |
Theo nhà nghiên cứu Raj Kumar Sharma từ Viện Nghiên cứu Dịch vụ quốc gia Ấn Độ viết trên Nikkei Asian Review ngày 29/2, trong hội nghị an ninh Munich mới đây, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã cảnh báo một cuộc Chiến tranh Lạnh mới giữa Moscow với phương Tây.
James Clapper, Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ cũng đã có một tuyên bố tương tự.
Quan hệ Mỹ - Nga đã xuống mức thấp nhất kể từ khi Liên Xô sụp đổ do sự khác biệt trong cấu trúc an ninh châu Âu, cũng như trong các cuộc khủng hoảng Ukraine, Syria và Bắc Triều Tiên. Hai nước có nhiều mâu thuẫn xung quanh lợi ích an ninh ở châu Âu.
Hậu Chiến tranh Lạnh, Nga cho rằng việc thiết lập một khuôn khổ an ninh mới ở châu Âu như NATO mở rộng sang phía Đông đang đe dọa không gian chiến lược của Nga.
Mỹ bác bỏ điều này, còn NATO kết nạp thêm 10 quốc gia là cựu thành viên Liên bang CHXHCN Xô Viết. Đi theo là việc phương Tây lắp đặt hệ thống tên lửa tại các quốc gia này.
Rạn nứt Nga - Mỹ trầm trọng thêm bởi cáo buộc từ các chính trị gia phương Tây rằng, Moscow đang tài trợ cho các đảng đối lập ở châu Âu nhằm phá vỡ Liên minh châu Âu. Thượng nghị sĩ John McCain cáo buộc Nga cố tình ném bom ở Syria để buộc người dân nước này phải chạy tị nạn sang châu Âu.
Bắc Triều Tiên cũng là nguồn cơn bất hòa mới giữa Nga và Mỹ sau khi Seoul quyết định đàm phán với Washington về việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD chống lại mối đe dọa từ Bình Nhưỡng. Nga và Trung Quốc cho rằng hệ thống THAAD có thể do thám các mục tiêu quân sự hai nước này.
Lầu Năm Góc xác định Nga là "mối đe dọa hàng đầu" với an ninh quốc gia của Hoa Kỳ. Obama tăng gấp 4 lần chi tiêu quân sự ở châu Âu, từ 789 triệu USD lên 3,4 tỉ USD, trong khi chi cho hoạt động chống khủng bố IS chỉ tăng 50%.
Tuy nhiên trong khi Washington và Moscow đang mải "gầm gừ, cắn xé" nhau trên mặt trận truyền thông lẫn ngoài thực địa các điểm nóng, thì cả hai đâu biết rằng Bắc Kinh đang âm thầm mài kiếm.
Chiến hạm Trung Quốc rồi đây sẽ làm mưa làm gió ở Biển Đông, nếu không vấp phải lực cản đủ mạnh. Ảnh minh họa: Internet. |
Phương ngôn có câu, bọ ngựa bắt ve sầu, chim sẻ rình sau lưng. Chưa cần biết Mỹ và Nga ai là ve sầu, ai là bọ ngựa, nhưng chắc chắn một điều con chim sẻ - đối thủ thực sự uy hiếp cả ve sầu lẫn bọ ngựa đang đứng sau lưng Nga - Mỹ chính là Trung Quốc.
Có điều, cuộc chiến tranh giành địa vị bá chủ toàn cầu đang âm thầm diễn ra hiện nay không còn liên quan đến ý thức hệ như thời Chiến tranh Lạnh. Nga không mạnh như thời Liên Xô và đang bị nhiều áp lực cả bên trong lẫn bên ngoài. Mỹ phải cắt giảm chi tiêu quốc phòng, trong khi số điểm nóng quốc tế lại gia tăng.
Chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc không hề là việc dễ dàng đối với Hoa Kỳ, bởi thị trường khổng lồ này đã trở thành mối đe dọa thực sự của Washington cả về mặt kinh tế lẫn quân sự.
Trong khi đó, nếu Mỹ - Nga vẫn tiếp tục theo đuổi thế giằng co chiến lược hao tiền tốn của hiện nay sẽ chỉ làm hai nước phân tán lực lượng, chỉ mình Trung Quốc được lợi.
Trong khi TPP còn chưa biết ngày nào chính thức vận hành bởi còn chờ Quốc hội các nước thành viên thông qua, dự kiến tháng 6 này AIIB bắt đầu cho vay. Moscow đang háo hức chờ đợi ngày Bắc Kinh mở cửa ngân hàng này.
Để Trung Quốc dùng vũ lực chiếm Biển Đông, Mỹ - Nga sẽ đều thất bại
Chết trong ảo tưởng |
Với việc Mỹ - Nga tiếp tục đối đầu trên các mặt trận Trung Đông, Trung Á và Ukraine, Washington đang bị dồn vào thế dàn mỏng lực lượng ở các điểm nóng khác, trong đó có Biển Đông.
Các nhà lãnh đạo hải quân Hoa Kỳ và Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương đang kêu gọi tăng vũ khí, trang bị và quân số đến khu vực này. Nếu không chiến lược tái cân bằng có thể bị phá sản.
Chính thời điểm này đã tạo ra khoảng trống tiếp theo cho Trung Quốc leo thang quân sự hóa Biển Đông mà ít phải lo bị giám sát, ngăn chặn. Kết quả cuối cùng có thể là Bắc Kinh đạt được mục tiêu chiến lược trong khu vực, biến Biển Đông thành ao nhà.
Trung Quốc có được sự tự tin này kể từ khi Nga - Mỹ rơi vào khủng hoảng Ukraine, đặc biệt là sự kiện Nga sáp nhập Crimea năm 2014.
Nhà nghiên cứu Raj Kumar Sharma tin rằng, đã đến lúc Washington cần tiến hành thỏa hiệp với Nga để cả hai cùng tập trung vào đối thủ thực sự nguy hiểm, lâu dài và mới nổi, đó là Trung Quốc.
Lịch sử gần đây đã là một bài học có giá đối với Hoa Kỳ. Trong thập kỷ qua, lúc Mỹ đang mải lao vào cuộc chiến Afghanistan và Iraq, Trung Quốc đã có những bước tiến nhảy vọt về kinh tế và quân sự.
Nếu Mỹ - Nga tiếp tục cho Trung Quốc rảnh tay khoảng 5 đến 7 năm nữa thôi, đó có thể sẽ là một thảm họa cho lợi ích chiến lược của Mỹ ở Biển Đông, cũng như vai trò và vị thế của 2 cường quốc Nga và Mỹ trên thế giới.
Những hy vọng về hợp tác Nga - Mỹ đã bắt đầu được nhen nhóm trở lại vì hai bên đã đồng ý một thỏa thuận ngừng bắn trong cuộc xung đột Syria. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg gần đây cho biết, NATO sẵn sàng đối thoại với Nga và không muốn một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.
Vấn đề còn lại là cả bọ ngựa lẫn ve sầu nên biết rằng, chim sẻ đang rình sau lưng mình. Cứ mải mê cắn nhau cho kiệt sức đi, rồi cả hai sẽ trở thành mồi ngon cho gã chim sẻ quỷ quyệt.