BBC ngày 29/2 đưa tin, cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad nói rằng ông sẽ rời đảng cầm quyền Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất (UMNO), bởi vì ông xem UMNO như tổ chức hỗ trợ tham nhũng.
Mahathir là Thủ tướng Malaysia có thời gian tại vị lâu nhất và vẫn có ảnh hưởng rất lớn tới chính trường nước này, dù ông rời chức vụ đã lâu. Mahathir nói, ông cảm thấy xấu hổ khi có mối liên hệ với đảng UMNO do Thủ tướng đương nhiệm Najib Razak làm lãnh đạo.
Cựu Thủ tướng Malaysia là một trong những người chỉ trích dữ dội ông Najib - người đã bị cáo buộc tham nhũng 681 triệu USD từ một khoản giúp đỡ của gia đình Hoàng gia Saudi Arabia cho Malaysia.
Ông Najib phủ nhận các cáo buộc, còn vụ việc cũng đã chính thức khép lại với tính minh bạch được Hoàng gia Saudi Arabia xác nhận và khẳng định.
Tuy nhiên, trong một cuộc họp báo tại Kuala Lumpur ông Mahathir nói rằng, UMNO bây giờ là "tổ chức của Najib" và "Tôi cảm thấy xấu hổ khi có liên kết với một tổ chức hỗ trợ tham nhũng. Tôi quyết định rời bỏ đảng UMNO”.
Cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad. Ảnh: The Straits Times. |
Mặc dù cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad được xem là còn ảnh hưởng lớn tới chính trường nước này, song người viết cho rằng, việc ông rời bỏ đảng cầm quyền UMNO lúc này không ảnh hưởng đến vị thế của Thủ tướng đương nhiệm Najib Razak, cũng như uy tín của đảng. Bởi lẽ, vị thế và vai trò của ông Mahathir nay đã khác xưa.
Huyền thoại cũng chỉ là hoài niệm
Bác sĩ Mahathir Mohamad ngồi vào chiếc ghế Thủ tướng đầy quyền lực của Vương quốc Malaysia năm 1981, và rời khỏi chức vụ vào năm 2003. Trong hơn 20 năm đứng đầu chính phủ Malaysia, Thủ tướng Mahathir đã góp công lớn vào việc giữ ổn định chính trị - xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế cho Liên bang Malaysia trong hai thập niên cuối của thế kỷ 20.
Cựu Thủ tướng Mahathir, cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu và cố Tổng thống Indonesia Suharto hình thành nên bộ ba lãnh đạo có vai trò rất quan trọng trong khối ASEAN.
Ông Mahathir có vị thế rất lớn trên chính trường Malaysia và nhiều người dân Malaysia xem ông là huyền thoại trong lịch sử chính trị của quốc gia này, theo BBC Timeline.
Thực ra, hình ảnh của vị Thủ tướng đáng kính ấy đã có phần nào bị hoen ố trong vụ việc liên quan đến cựu Phó Thủ tướng Anwar Ibrahim.
Ông Ibrahim là một vị lãnh đạo trẻ tài năng trong những năm 1990 và được xem là người kế tục xứng đáng sự nghiệp của ông Mahathir.
Khi ấy hình ảnh của vị Thủ tướng tương lai thậm chí có nguy cơ che khuất hình ảnh của Thủ tướng đương nhiệm Mahathir, ngay cả khi ông Ibrahim chưa trở thành người đứng đầu chính phủ.
Bỗng nhiên ông Anwar Ibrahim bị cáo buộc tham nhũng rồi liên quan đến lạm dụng tình dục đồng tính. Thế là ông Ibrahim phải rời bỏ chính trường và chỗ ngồi quen thuộc của ông là chiếc ghế dành cho bị can trong những phiên tòa xét xử ông.
Dù với tội tham nhũng hay tội lạm dụng tình dục đồng tính thì những cáo buộc ông Ibrahim đều không có đủ chứng cứ thuyết phục.
Cựu Thủ tướng Mahathir và cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu – những lãnh đạo được xem là huyền thoại chính trị của Châu Á. Ảnh: EPA. |
Tuy nhiên, từ đó Anwar Ibrahim bị “thân bại danh liệt” bởi những cáo buộc “trời ơi” nhắm vào ông. Dư luận cho rằng, những cáo trạng và phiên tòa xét xử ông Ibrahim “sặc mùi chính trị” mà ông Mahathir Mohamad bị xem là đứng sau những cáo buộc ấy. Bởi lẽ, Anwar Ibrahim từng chỉ trích mạnh mẽ chính sách kinh tế của Thủ tướng Mahathir.
“Vụ án Ibrahim” không làm suy yếu quyền lực của Thủ tướng Mahathir lúc ấy và nó cũng không làm giảm ảnh hưởng của ông trên chính trường Malaysia, ngay cả khi ông rời bỏ chức vụ Thủ tướng vào năm 2003.
Nhưng vụ việc ấy có ảnh hưởng rất lớn tới vị thế của ông Mahathir, nhất là hình ảnh một vị Thủ tướng tài năng và đức độ đã có phần nhạt nhòa trong lòng người dân Malaysia.
Mọi việc sẽ trở nên bình thường, ông Mahathir sẽ yên vị trong ngôi nhà huyền thoại chính trị tại Châu Á nếu ông thực sự rời bỏ chính trường. Nhưng ông Mahathir không làm như vậy.
Năm ngoái, người dân Malaysia đã bất ngờ khi nhìn thấy ông Mahathir tham gia cuộc biểu tình đường phố chống chính phủ Najib Razak, theo BBC.
Có thể thấy rằng, dù ông Mahathir vẫn còn là một nhân vật nổi bật trong đời sống chính trị tại Malaysia, nhưng sẽ có ít cơ hội để thách thức chính quyền của Thủ tướng đương nhiệm Najib Razak. Phần vì ông Mahathir đã thuộc về quá khứ, và phần vì những gì không thể hoài niệm trong quá khứ của ông Mahathir.
Phía sau làn khói trắng |
Vì vậy, những hành động gần đây của ông Mahathir không được xem là lựa chọn sáng suốt. Nay cộng thêm với việc rời bỏ đảng UMNO sẽ ảnh hưởng xấu tới thanh danh của ông Mahathir trong lịch sử chính trị Malaysia, mà khó khăn lắm ông mới xây dựng được trong hơn hai thập kỷ nắm quyền điều hành chính phủ tại Vương quốc Liên bang này.
Tham quyền cố vị khi vai trò đã hết
Trong đời sống chính trị quốc tế người ta hay đề cập đến khái niệm tham quyền cố vị để nói đến những nhà lãnh đạo, những nhà quản lý cứ quyết tâm bám giữ quyền lực để đảm bảo vị thế của mình, dù vai trò của họ đã qua đi theo vòng quay của thời và thế.
Hành động tham quyền cố vị thường gây ra hậu quả là kéo lùi sự phát triển của đất nước, do vậy thường bị lên án, chế giễu của người đời.
Hành động tham quyền cố vị thường là hành động của những người kém về bản lĩnh và nông cạn về nhận thức. Có như thế họ mới thường dùng mọi thủ đoạn để chiến thắng đối phương, hạ gục đối thủ được xem là cản bước mình.
Và người ta hay gắn tham quyền cố vị với chức danh, chức vụ. Nhưng thật ra đó chỉ là một dạng tham quyền cố vị mà người đời dễ nhận thấy, dễ phát hiện ra. Còn một dạng tham quyền cố vị khác nguy hiểm hơn nhiều và hậu quả của nó đối với quốc gia dân tộc khủng khiếp hơn nhiều – đó là những ông “vua không ngai”.
Từ những vị thế và vai trò có được trong thời gian nắm quyền và khi phải rời bỏ chiếc ghế quyền lực bởi không được sự ủy nhiệm của nhân dân, những người này thường gây bè, kết phái, dùng những con bài lợi hại để gây rối bàn cờ chính trị của một quốc gia theo hướng có lợi cho họ, khiến cho họ trở thành nhân vật không thể thay thế dù đã rời xa chính trường.
Cựu Tổng thống tài năng của nước Mỹ Bill Clinton với người dân Việt Nam. Ông Clinton đã không còn ảnh hưởng đến chính trị Hoa Kỳ sau khi kết thúc nhiệm kỳ Tổng thống của mình. Ảnh: Internet. |
Từ việc “không thể thay thế” ấy, người ta tác oai tác quái từ phía sau cánh gà, điều hành cả một hệ thống bộ máy nhà nước theo ý muốn của họ, nhằm mang lại tối đa lợi ích cho họ. Nhân dân không dễ nhận ra những kẻ “tham quyền” không cần “chức vị” ấy, thậm chí họ còn được nhân dân xem là những con người ưu tú của đất nước, những công dân gương mẫu của quốc gia.
Do vậy, những nhà làm luật xuất chúng của nước Mỹ hàng trăm năm trước đã nghĩ tới việc ngăn chặn hình thức tham quyền cố vị đặc biệt nguy hiểm này. Họ đã đưa ra quy định về giới hạn nhiệm kỳ và nhất là vai trò của lãnh đạo sau khi hết nhiệm kỳ, kết thúc vai trò lãnh đạo theo sự ủy nhiệm quyền lực của nhân dân.
Vì vậy ngày nay ai cũng có thể thấy một thực tế là, vai trò của các cựu Tổng thống Mỹ - dù có tài năng như thế nào đi chăng nữa – thì cũng không hề có ảnh hưởng tới chính trường nước Mỹ, ngay cả trong thời kỳ khủng hoảng nghiêm trọng hay tình thế “nước sôi lửa bỏng”.
Bởi vai trò của họ trong chính trường đã hết, lúc đó vai trò của họ là sống tốt, tuân thủ pháp luật như một công dân gương mẫu để giúp cho xã hội được bình yên.
Người viết không có ý cho rằng cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad là người tham quyền cố vị, bởi thực ra ông không thể tạo ra vị thế của một ông “vua không ngai” tại Malaysia.
Nhưng những hành động của ông quyết tâm tác động đến đời sống chính trị tại Vương quốc Liên bang này thì sớm muộn cũng bị xem là hành động tham quyền cố vị.
Tham quyền cố vị |
Thậm chí những hành động ấy đã ảnh hưởng xấu tới tiền đồ của con trai mình, Mukhriz Mahathir khi đầu tháng này đã phải rời chức vụ ở tiểu bang Kedah. Ông Mukhriz Mahathir đã bị lật đổ bởi những lời chỉ trích của cha mình nhằm vào ông Najib.
Văn phòng Thủ tướng cho rằng Mukhriz Mahathir thiếu tự tin trong công việc và có thể ảnh hưởng đến thắng lợi của UMNO trong cuộc bầu cử tại Kedah vào năm 2018, theo BBC.
Như vậy, mặc dù có chức vị hay không nhưng những hành động tham quyền khi vai trò đã hết đều là những hành động không thuận theo thế và thời. Kết quả của những hành động ấy thường là hậu quả cho quốc gia dân tộc, cho nhân dân đất nước, cho gia đình người thân và cho chính bản thân mình.
Vì vậy, để quá khứ của mình luôn được nhân dân hoài niệm thì người lãnh đạo phải biết thuận theo thời thế cả khi đang nắm quyền lực lẫn khi rời xa nơi chốn quan trường.