Truyền thông quốc tế trong đó có Việt Nam, đưa tin về cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đều dùng từ "đại thắng" cho hai ứng cử viên Hillary Clinton của đảng Dân chủ và Donald Trump của đảng Cộng hòa sau chiến thắng của họ trong ngày “Siêu Thứ Ba” – 1/3, khi có tới 12 tiểu bang trên toàn nước Mỹ tiến hành bầu cử sơ bộ để chọn ứng cử viên đại diện cho đảng mình ra tranh cử Tổng thống vào tháng 11 tới.
Vì đảng Dân chủ chỉ còn 2 ứng viên, nên chiến thắng của bà Hillary Clinton không được cho là quá gay cấn. Song đảng Cộng hòa với 5 ứng viên nên cuộc đua tranh xem ra căng thẳng hơn rất nhiều. Cho dù hầu hết dư luận đều cho rằng, ông Donald Trump sẽ thắng lớn trong ngày “Siêu Thứ Ba” để tạo ra cách biệt với những ứng viên đang bám đuổi theo ông.
Và đúng như dự đoán, ông Trump đã chiến thắng ở 7/11 bang mà đảng Cộng hòa có tiến hành bầu cử sơ bộ trong ngày 1/3. Tuy nhiên điều này lại gây nên bất ngờ cho dư luận, bởi ông Trump không chiến thắng tuyệt đối như người ta tính toán. Và cho dù chiến thắng, nhưng ông Donald Trump chưa thể bứt lên hẳn để tách tốp trong đường đua, theo CNN ngày 2/3.
Ứng cứ viên đảng Dân chủ Hillary Clinton. Ảnh: BBC. |
Và nếu phân tích chi tiết tình hình của các ứng viên, nhất là bên đảng Cộng hòa thì ông Donald Trump không hẳn là “ngựa chiến” trên đường đua. Hiện nay giới lãnh đạo đảng Cộng hòa không muốn ông đại diện cho đảng, nên việc ông có thể phải rời khỏi đường đua cũng không phải là điều không thể xảy ra như nhiều người khẳng định.
Đâu là “ngựa chiến”?
Nếu như bà Hillary Clinton và ông Bernie Sanders hình thành nên cuộc đua song mã bên đảng Dân chủ, thì bên đảng Công hòa các ứng viên Donald Trump, Ted Cruz và Marco Rubio hình thành nên cuộc đua tam mã. Vì hai ứng viên Kasich và Ben Carson đã bị tụt lại khá xa và có thể dừng cuộc đua sau ngày 1/3.
Theo luật bầu cử của Mỹ, trong các cuộc bầu cử sơ bộ tại các tiểu bang, người chiến thắng tuyệt đối ở tiểu bang nào thì sẽ lấy hết số phiếu “siêu đại biểu” của bang ấy. Và số “siêu đại biểu” của các bang theo quy định của mỗi đảng là không giống nhau.
Để được đại diện cho đảng Cộng hòa ra tranh cử Tổng thống thì ứng viên phải được ít nhất 1.237 phiếu “siêu đại biểu” và đảng Dân chủ là 2.383.
Trước ngày “Siêu Thứ Ba”, số phiếu “siêu đại biểu” của các ứng viên đảng Cộng hòa lần lượt là: Donald Trump có 82 phiếu, Ted Cruz có 17 phiếu và Marco Rubio có 16 phiếu, nghĩa là số phiếu “siêu đại biểu” của Thượng nghị sĩ bang Texas bằng khoảng 20,1% và của Thượng nghị sĩ bang Florida bằng khoảng 20% của ngài tỷ phú.
Trong ngày “Siêu Thứ Ba”, ứng viên Donald Trump chiến thắng ở 7 tiểu bang là Alabama, Arkansas, Georgia, Tennessee, Virginia, Massachusetts và Vermont, giành thêm 237 phiếu “siêu đại biểu”.
Ứng viên Ted Cruz chỉ thắng ở 3 tiểu bang là Texas, Oklahoma và Alaska, giành thêm 209 phiếu “siêu đại biểu”. Còn ứng viên Marco Rubio chỉ thắng ở duy nhất tiểu bang Minnesota, giành thêm 94 phiếu “siêu đại biểu”, theo BBC.
Ứng viên Donald Trump không thể chiến thắng ở 10/11 tiểu bang như dự đoán. Ảnh: BBC. |
Sau ngày “Siêu Thứ Ba”, ông Trump có tổng cộng 319 phiếu, ông Cruz có 226 phiếu và ông Rubio có 110 phiếu “siêu đại biểu” của đảng Cộng hòa, nghĩa là số phiếu “siêu đại biểu” của ông Cruz bằng khoảng 70,1% và của Rubio bằng khoảng 34,5% của ông Trump.
Trong ngày 1/3 ông Cruz đã tăng khoảng cách so với ông Trump thêm 50% - đây mới là “vang dội”.
Như vậy, dù ông Trump có chiến thắng hơn gấp đôi ông Cruz ở số tiểu bang nhưng chỉ giành hơn ông Cruz 28 phiếu “siêu đại biểu”, tương đương với hơn 12,4%. Do đó nếu nhìn vào số tiểu bang chiến thắng mà khẳng định ông Trump chiến thắng ấn tượng thì không hẳn đã thuyết phục.
Chẳng hạn, dù ông Trump thắng ở Vermont nhưng bang này chỉ có 16 phiếu, trong khi ông Cruz thắng ở Texas thì bang này có tới 155 phiếu “siêu đại biểu”.
Hiện nay ông Ted Cruz cần thêm 1.011 phiếu thì ông Trump cũng phải cần thêm tới 918 phiếu “siêu đại biểu” để được đại diện cho đảng Cộng hòa ra tranh cử Tổng thống.
Bóng dáng ngựa ô |
Do vậy, ông Trump chưa phải là “người khổng lồ” và ông Ted Cruz hay ông Rubio cũng không phải là những “ứng viên tý hon” của đảng Cộng hòa như nhận định của một số người.
Còn tới 36 tiểu bang trên toàn nước Mỹ sẽ tiến hành bẩu cử sơ bộ trước khi diễn ra đại hội của hai đảng vào tháng 7/2016 để lựa chọn ứng viên đại diện cho đảng mình ra tranh cử Tổng thống.
Do đó sẽ còn nhiều bất ngờ diễn ra trong cuộc đua và ông Donald Trump luôn được dư luận đánh giá là người gây bất ngờ, dù ông chiến thắng vang dội hay thất bại.
Tuy nhiên, theo dư luận thế giới thì sau ngày “Siêu Thứ Ba”, điều quan trọng đối với các ứng viên của cả hai đảng là những bài học được rút ra cho những chặng đua tiếp theo.
Còn đối với lãnh đạo của hai đảng, đó là việc tác động vào chương trình tranh cử của các ứng viên để đảm bảo lựa chọn được người phù hợp nhất với lợi ích chiến lược của đảng và chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống vào cuối năm.
“Ngựa" nào sẽ rời đường đua?
Rung chà cá nhảy |
Với tổng số 1.055 phiếu “siêu đại biểu” mà bà Hillary Clinton có được sau ngày “Siêu Thứ Ba”, so với 418 phiếu của ông Bernie Sanders, có lẽ cựu Ngoại trưởng Mỹ sẽ là người đại diện cho đảng Dân chủ, cho dù ông Sanders khẳng định không rời cuộc đua vì cho rằng "Chiến dịch này không chỉ là lựa chọn Tổng thống. Đó còn là thay đổi nước Mỹ", theo CNN.
Với các ứng viên đảng Cộng hòa, có lẽ hai ứng viên Kasich và Ben Carson không được xem là đang trên đường đua nữa. Như vậy chỉ còn 3 ứng viên Donald Trump, Ted Cruz và Marco Rubio tranh tài cao thấp. Với tình thế hiện tại thì có thể Rubio sẽ là người rời đường đua trước để Trump – Cruz song hành.
Điều này xuất phát từ hai lý do. Một là ông Rubio đã tuột lại quá xa so với Trump và việc ông chiến thắng tại Minnesota là có phần may mắn. Song điều ấy khó lặp lại vài lần nữa để tăng cơ hội cho ông.
Lý do thứ hai là lãnh đạo đảng Cộng hòa sẽ chọn gạt ông sớm như “thí tốt” để dồn sức cho Ted Cruz trong việc ngăn chặn chiến thắng của “thảm họa” Donald Trump.
Ứng viên Ted Cruz đã có chiến thắng quan trọng trên đường đua. Ảnh: AP. |
Dù là ứng viên đảng Cộng hòa, nhưng ông Trump không được sự ủng hộ mạnh mẽ của giới lãnh đạo đảng này. Bởi lẽ họ cho rằng, nếu ông được đề cử thì nguy cơ đảng Dân chủ có nhiệm kỳ Tổng thống thứ ba liên tiếp là rất lớn.
Thậm chí ông Trump có chiến thắng và trở thành Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ thì giới lãnh đạo đảng Cộng hòa vẫn cho rằng, đó là lựa chọn không có lợi cho đảng và cho nước Mỹ.
Song với đà tiến băng băng của ông Trump hiện nay, đảng Cộng hòa lo ngại Cruz không theo kịp, dù "là ứng cử viên duy nhất đã đánh bại Donald Trump ba lần" theo Wolf Blitzer của CNN và có được sự ủng hộ của giới lãnh đạo đảng.
Bởi vậy, để chắc thắng trong việc gạt bỏ Donald Trump thì cần phải có sự đoàn kết của các đối thủ của ngài tỷ phú. Việc Rubio được vận động rời cuộc đua để chờ dịp khác có thể sẽ diễn ra trong thời gian tới.
Nếu như đảng Cộng hòa tạo nên sự đoàn kết của các ứng viên xung quanh Ted Cruz để chống lại Trump thì lúc đó tương quan Trump – Cruz là một chín một mười. Nếu sự việc trong nội bộ đảng Cộng hòa diễn ra như vậy thì Tổng thống tiếp theo của nước Mỹ là người của đảng Cộng hòa sẽ có xác suất cao hơn.
Trump và cố vấn chính trị của ông đã nhanh chóng điều chỉnh sách lược tranh cử, hướng vào quyền lợi của nước Mỹ, của người dân Mỹ. Tuyên bố của Trump quyết tâm "đòi lại việc làm đã bị cướp” cho người dân Mỹ là một trong những “bài hay” lấy được điểm cao của cử tri Mỹ. Trong khi đó Cruz và Rubio chưa thay đổi kịp khi vẫn “hè nhau” xỉ vả Trump.
Ứng viên Maro Rubio có thể phải sớm rời đường đua. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, qua đó cho thấy có thể tìm được sự đoàn kết giữa hai ứng viên này, dù Rubio vẫn tuyên bố rằng: "Đây là cuộc đấu tranh cho trái tim và linh hồn của đảng Cộng hòa. Tôi sẽ đi qua tất cả 50 tiểu bang để chiến đấu cứu đảng Cộng hòa khỏi một người như Trump", phóng viên Jake Tapper của CNN dẫn lời ông Rubio.
Như vậy, qua việc bầu cử sơ bộ trong ngày “Siêu Thứ Ba”, ngoài việc ứng viên Hillary Clinton chiếm ưu thế rõ rệt trước ứng viên Bernie Sanders trong đảng Dân chủ, thì bên đảng Cộng hòa, mặc dù Donald Trump đang về trước nhưng đó chỉ là lợi thế tạm thời, chứ ông ta chưa hẳn đã chiếm ưu thế trước các ứng viên còn lại.
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ từ trước tới nay luôn gay cấn và bất ngờ ngay từ khi các ứng viên viên đăng ký ra tranh cử đến khi tên vị Tổng thống tương lai được xướng lên.
Song tiêu chí trong cuộc bầu cử, tiêu chuẩn của người được bầu thì luôn không bất ngờ vì họ là người được nhân dân ủy nhiệm quyền lực thông qua một cuộc bầu cử tự do. Vì vậy họ phải có đủ khả năng thực hiện tốt nhất quyền lực nhân dân, đủ tài năng đáp ứng tốt nhất quyền lợi của nhân dân Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.