Từ chuyện bán sữa bò cho nông dân, thấy đủ “bộn bề” của Bí thư TP.HCM

04/03/2016 07:34
Việt Hoài
(GDVN) - Chỉ từ câu chuyện “bán sữa bò cho nông dân Củ Chi” cho thấy đủ “bộn bề” với người lãnh đạo cao nhất ở TP.HCM

Cách đây non nửa tháng, dư luận cảm thấy phấn khởi khi báo chí đăng “truy vấn” của ông Đinh La Thăng - Bí thư Thành ủy TP.HCM với ông Nguyễn Hữu Hoài Phú - Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, quanh chuyện không bán được hết sữa bò cho nông dân.

Với những câu hỏi: “Bán không được thì lãnh đạo huyện đã làm việc với đơn vị mua sữa để tìm ra nguyên nhân chưa? Đồng chí đã gặp Tổng giám đốc Vinamilk chưa? Gọi điện ngay cho tôi nói chuyện. Có số điện thoại không? Gọi kiểm tra là biết ngay”…

Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng trong cuộc họp. Ảnh: Vietnamnet.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng trong cuộc họp. Ảnh: Vietnamnet.

Tất nhiên là ông Hoài Phú sẽ ấp úng, bởi ông không thể có số điện thoại của Tổng giám đốc Vinamilk, ông cũng không thể gặp Tổng giám đốc Mai Kiều Liên được vì Vinamilk đã phân cấp làm việc.

Nguyên nhân thì ông Hoài Phú đã rõ vì sao số nông dân dư thừa sữa bò này, không bán được cho Vinamilk. Đơn giản vì số hộ nông dân này không ký hợp đồng với Vinamilk.

Dư luận thì thấy hả hê và đánh giá ông Chủ tịch huyện Củ Chi là xa dân, là không gần dân.

Tuy nhiên, không ai có thể có số điện thoại của bà Mai Kiều Liên vì bà Liên không dùng điện thoại di động. Hơn nữa, sau cuộc điện thoại trực tiếp của tân Bí thư với bà Mai Kiều Liên, Vinamilk vẫn là “chỉ đạo cấp dưới báo cáo tình hình thực tế”.

Với doanh nghiệp, đâu phải cứ “bỏ tiền ra là mua”. Cho dù Vinamilk có tới 49% cổ phần do nhà nước nắm, nhưng “số phận” của Vinamilk còn phụ thuộc vào con số 51% cổ phần  của cổ đông, trong đó có nhiều cổ đông nước ngoài. Quyết định sống còn của Vinamlik là quyền của Hội đồng quản trị, chứ không phải Tổng giám đốc muốn “quyết là quyết”.
 
Còn với lời đề nghị của tân Bí thư “Cho nông dân góp bò thay tiền vào Vinamilk”, bà Kiều Liên cho hay rằng, không phải là Vinamilk không nghĩ đến người nông dân.

Năm 2003 khi Vinamilk cổ phần hóa đã ưu đãi tới 30% cho nông dân so với cán bộ, công nhân viên của Tổng công ty. Nông dân không có tiền, Vinamilk bảo lãnh ngân hàng để nông dân vay tiền mua cổ phiếu. Khi cổ phiếu được giá cao, họ đem bán sạch.

Mới đây, đầu tháng 3, trong cuộc đối thoại trực tiếp giữa Bí thư Đinh La Thăng với Tổng giám đốc Mai Kiều Liên, hẳn vị tân Bí thư thấy “vỡ” ra nhiều điều từ thực tế. Đó là tình trạng người nông dân còn chăn nuôi theo tự phát, manh mún, chạy theo số lượng mà quên đi chất lượng. Doanh nghiệp phải theo cơ chế thị trường.

Chỉ từ câu chuyện “bán sữa bò cho nông dân Củ Chi” cho thấy đủ “bộn bề” với người lãnh đạo cao nhất ở TP.HCM.

Làm sao để người nông dân chăn nuôi, trồng trọt theo quy mô nhỏ, manh mún theo kiểu “mạnh ai nấy làm”? Làm sao nâng cao chất lượng sản phẩm? Làm sao để hạ giá thành sản phẩm khi gia nhập TPP? Làm sao bốn nhà: Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, doanh nghiệp kiên kết lại để nền nông nghiệp phát triển bền vững, hiện đại?

Không thể người nông dân cứ “khóc” với sản phẩm của mình với điệp khúc “được mùa mất giá”, không thể trông chờ vào những cuộc “giải cứu” tình thế.

Khi gia nhập TPP, người nông dân nước mình không thể cứ “giậm chân tại chỗ” với tư duy làm ăn theo kiểu “phong trào”.

Hẳn những vị lãnh đạo sẽ thấy đau, thấy day dứt khi gạo Việt Nam mang thương hiệu Trung Quốc, khi “hồn” thì cà phê Việt Nam, nhưng “da” thì lại là của Brazil?

Việt Nam tự hào là nước xuất khẩu gạo đứng thứ 2 thế giới, nhưng thế giới lại biết đến thương hiệu gạo của Campuchia.

Bài toán khó khi gia nhập TPP với người nông dân. Trách nhiệm với người nông dân có quá lớn lao với những vị lãnh đạo trên cương vị “lo cho dân, sống vì dân”.

Việt Hoài