Doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ được hỗ trợ thế nào?

04/03/2016 09:20
Thùy Linh
(GDVN) - Ngày 3/3, tại Hà Nội diễn ra Tham vấn "Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nữ: Từ tầm nhìn đến hiện thực" do Hội nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa TP.Hà Nội tổ chức.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ dự án Mekong Business Initiative (MekongBiz), được hỗ trợ bởi Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Chính phủ Australia.

Theo một nghiên cứu về doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ của Hội nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa TP.Hà Nội cho thấy, doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng nhiều lao động nữ chiếm một tỷ lệ không nhỏ, có những đóng góp đáng kể trong nền kinh tế (về bảo hiểm xã hội, thu nhập cho người lao động, nộp ngân sách, tạo việc làm…).

Tham vấn chính sách hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ (Ảnh: Thùy Linh)
Tham vấn chính sách hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ (Ảnh: Thùy Linh)

Tại Hội thảo, các tham luận đều khẳng định vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội đã được chứng minh trong các nghiên cứu lý thuyết và thực nghiệm. 

Ở Việt Nam, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã ghi nhận và khuyến khích vai trò của phụ nữ thông qua các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ. 

Luật Bình đẳng giới được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2006 đã yêu cầu lồng ghép các nội dung bình đẳng giới vào các văn bản quy phạm pháp luật.

Bộ luật Lao động năm 1994 với các lần sửa đổi năm 2002, 2006, 2007, 2012 cùng các văn bản dưới luật, các luật liên quan cũng đã đưa ra một số ưu đãi, khuyến khích cho doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ. 

Đồng thời, Nghị định 56/2009/NĐ-CP cũng quy định ưu tiên các chương trình trợ giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ.

Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng nhiều lao động nữ hiện chưa được các doanh nghiệp biết và hiểu rõ ràng.

Luật quy định liên quan nằm rải rác, số lượng doanh nghiệp quá lớn so với khả năng phổ biến thông tin. Cán bộ quản lý tập trung hơn vào xử lý sai phạm, khả năng nắm bắt thông tin của doanh nghiệp vừa và nhỏ hạn chế.

Trong khi đó, việc thực thi chính sách với các doanh nghiệp đã biết tới các quy định cũng đang rất khó khăn. Thực tế này đặt ra yêu cầu phải chỉnh sửa, bổ sung các quy định, chính sách cho phù hợp với điều kiện phát triển hiện nay của doanh nghiệp.

Hội thảo là cơ hội để các hiệp hội doanh nhân nữ thảo luận về những mong muốn hỗ trợ, đề xuất sửa đổi chính sách hiện hành và các gợi ý chính sách mới.

Kết quả của hội thảo sẽ được tiếp tục chia sẻ nhằm mục tiêu hỗ trợ hiệu quả và phát huy tiềm năng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ do nữ làm chủ và sử dụng nhiều lao động nữ ở Việt Nam, bảo đảm các mục tiêu bình đẳng giới.

Thùy Linh