Một phán quyết gây xôn xao của Toàn án nhân dân thị xã La Gi

04/03/2016 15:04
TRƯƠNG ANH TÚ
(GDVN)-Người mua nhà đúng pháp luật bỗng dưng trắng tay sau phán quyết lạ của Toàn án nhân dân thị xã La Gi. Theo luật sư Trương Anh Tú, “đây là quyết định liều lĩnh".

Tòa xử kiểu “thầy bói xem voi”?

Theo hồ sơ vụ việc, ngày 12/06/2014, bà Nguyễn Thị Khánh Ly (hộ khẩu thường trú tại xã Tân Bình, thị xã La Gi, Bình Thuận) nhận chuyển nhượng của vợ chồng ông Hồ Quốc Hùng - bà Ngô Thị Thuận (hộ khẩu thường trú phường Tân Bình, thị xã La Gi) căn nhà và đất tại Khu phố 4, thị xã La Gi.

Nhà và đất này trước đây là tài sản của ông Hùng - bà Thuận mang thế chấp để vay vốn tại Ngân hàng Đông Á từ năm 2012.

Đến năm 2014, giữa ông Hùng và bà Thuận lại phát sinh nghĩa vụ vay nợ với bà Phan Dạ Thảo.

Ngày 12/05/2014 Chi cục Thi hành án dân sự thị xã La Gi (CCTHADS La Gi) ban hành Công văn số 216/CV-THA, về việc hỗ trợ thi hành án với nội dụng ngăn chặn việc giao dịch, chuyển nhượng tài sản trên để đảm bảo thi hành án theo đơn yêu cầu của bà Dạ Thảo. 

Tuy nhiên sau đó do phát hiện ra nhà đất trên đang được thế chấp tại Ngân hàng Đông Á nên CCTHADS La Gi biết việc kê biên của mình là sai và ban hành Công văn số 225/CV-THA ngày 29/05/2014 về việc giải tỏa đề nghị hỗ trợ thi hành án.

Thẩm phán Nguyễn Thái Bình tuyên án tại phiên tòa (ảnh: Nhân vật cung cấp).
Thẩm phán Nguyễn Thái Bình tuyên án tại phiên tòa (ảnh: Nhân vật cung cấp).

Trên cơ sở Công văn số 225/CV-THA của CCTHADS La Gi và được sự chấp thuận của Ngân hàng Đông Á, bà Khánh Ly với ông Hùng - bà Thuận đã tiến hành chuyển nhượng nhà đất tại Văn phòng công chứng La Gi sau khi đã được Ngân hàng hỗ trợ giải chấp. 

Trong giao dịch chuyển nhượng này, Ngân hàng là bên thương lượng, quyết định giá chuyển nhượng và phương thức mua bán cho 2 bên. 

Theo đó, bà Khánh Ly chuyển trước 1 khoản tiền đặt cọc vào tài khoản của Ngân hàng Đông Á, và được tiến hành thủ tục giải chấp cho giao dịch bảo đảm.

Sau khi giải chấp, việc chuyển nhượng nhà đất giữa vợ chồng ông Hùng và bà Khánh Ly được thực hiện dưới sự kiểm soát nghiêm ngặt của Ngân hàng tại Văn phòng Công chứng La Gi. 

Khi mọi thủ tục chuyển nhượng hoàn tất, số tiền chuyển nhượng còn lại được bà Khánh Ly chuyển nốt vào tài khoản của Ngân hàng để hoàn thành nghĩa vụ trả nợ cho ông Hùng - bà Thuận.

Việc chuyển nhượng bản chất là việc bán nhà để trả nợ Ngân hàng và quá trình chuyển nhượng hoàn toàn tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Sau khi công chứng hợp đồng chuyển nhượng, bà Khánh Ly đã nộp hồ sơ đăng ký sang tên, nộp các lệ phí trước bạ và thuế theo đúng quy định của pháp luật.

Ngày 29/07/2014, UBND thị xã La Gi cấp cho bà Khánh Ly GCN Quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (sổ hồng) số BS 814859 đứng tên bà Nguyễn Thị Khánh Ly.

Từ khi được cấp “sổ hồng”, bà Khánh Ly tiến hành quản lý và sử dụng nhà đất trên cho đến ngày 15/10/2014, CCTHADS La Gi bất ngờ mời bà Ly lên làm việc và thông báo việc kê biên tài sản hợp pháp là nhà và đất của bà Khánh Ly để đảm bảo cho việc thi hành án. 

CCTHADS La Gi cho rằng ông Hùng, bà Thuận là những người đã bán nhà cho bà Ly không thực hiện nghĩa vụ thi hành án nên phải kê biên nhà và đất của bà Ly để đảm bảo thi hành án.

Sau khi bà Khánh Ly khiếu nại quyết định kê biên của thi hành án La Gi lên các cơ quan có thẩm quyền, vụ việc tưởng chừng đã đi đến hồi kết khi có kết luận của Tổng cục Thi hành án (Tổng cục) phân tích chi tiết và chỉ ra những sai phạm của thi hành án La Gi khi áp dụng sai luật để giải quyết vụ việc.

Tuy nhiên, không đồng ý với kết quả trả lời khiếu nại của Tổng cục và các cơ quan chuyên môn, bà Phan Dạ Thảo tiếp tục khởi kiện dân sự ra Tòa án nhân dân (TAND) thị xã La Gi.

Bất ngờ hơn nữa, TAND thị xã La Gi đã tiến hành thụ lý vụ án “Yêu cầu hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất” - nguyên đơn là bà Phan Dạ Thảo và các bị đơn là ông Hồ Quốc Hùng, bà Ngô Thị Thuận, bà Nguyễn Thị Khánh Ly.

Tại phiên sơ thẩm ngày 24/2/2016 diễn ra tại TAND thị xã La Gi, sau khi nghe các bị đơn và luật sư trình bày quan điểm về việc hợp đồng chuyển nhượng nhà đất giữa các bị đơn hoàn toàn tuân thủ quy định của pháp luật và đây bản chất là việc đương sự (ông Hùng - bà Thuận) bán nhà để trả nợ ngân hàng, Hội đồng xét xử (HĐXX) sơ thẩm đã bất ngờ tuyên hủy hợp đồng chuyển nhượng giữa các bị đơn, HĐXX xác định việc chuyển nhượng giữa các đương sự là hành vi tẩu tán tài sản.

"Bất chấp quy định pháp luật"

Luật sư Trương Anh Tú, Trưởng văn phòng Luật sư Trương Anh Tú, người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho bị đơn Nguyễn Thị Khánh Ly cho biết: “Phán quyết vô cùng liều lĩnh này của Tòa sơ thẩm đã khiến cho mọi người cảm thấy vô cùng kinh ngạc".

"Trước tiên, ngay tại phần xét hỏi, HĐXX đã tỏ ra vô cùng phiến diện khi hỏi bà Dạ Thảo: “Từ khi nào nguyên đơn biết ông Hùng - bà Thuận có hành vi tẩu tán tài sản để yêu cầu UBND thị xã La Gi ngăn chặn trước giao dịch này?

Như vậy, HĐXX đã kết luận việc chuyển nhượng giữa các đương sự là hành vi “tẩu tán tài sản” ngay từ phần xét hỏi.

Do đó, trong quá trình xét xử, HĐXX hoàn toàn không xem xét đến những quan điểm và bằng chứng mà luật sư và các đương sự đưa ra, đó là: Giao dịch chuyển nhượng QSDĐ và tài sản gắn liền với đất giữa bà Khánh Ly và vợ chồng ông Hùng - bà Thuận tuân thủ đầy đủ các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự theo quy định tại Điều 122 Bộ luật dân sự 2005.

Giao dịch có sự chấp thuận, tham gia của Ngân hàng Đông Á - Phòng giao dịch La Gi và trong giao dịch chuyển nhượng này, bà Khánh Ly là người mua nhà hợp pháp, ngay tình.

Nghĩa vụ trả nợ của ông Hùng - bà Thuận đối với Ngân hàng Đông Á phát sinh trước nghĩa vụ trả nợ cho bà Phan Dạ Thảo. Do vậy, việc ông Hùng - bà Thuận bán nhà cho bà Khánh Ly và dùng toàn bộ số tiền chuyển nhượng đó để trả nợ cho Ngân hàng là một việc làm hết sức bình thường, đúng pháp luật.

Luật sư Trương Anh Tú - Văn phòng luật sư Trương Anh Tú (ảnh: Nhân vật cung cấp).
Luật sư Trương Anh Tú - Văn phòng luật sư Trương Anh Tú (ảnh: Nhân vật cung cấp).

Nếu không có giao dịch chuyển nhượng này, thì nhà đất đã được thế chấp tại Ngân hàng cũng sẽ được Ngân hàng mang ra xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ chứ tài sản không thể và không bao giờ thuộc về bà Dạ Thảo.

Tuy nhiên, đến phần tuyên án, HĐXX lại cho rằng việc chuyển nhượng giữa các đương sự không tuân thủ quy định của pháp luật vì nhà đất chuyển nhượng đang có tranh chấp.

Trong vụ việc này, tất cả các cơ quan có thẩm quyền như Tổng cục thi hành án dân sự, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Thuận, UBND thị xã La Gi, Công an thị xã La Gi đều thừa nhận giao dịch chuyển nhượng nhà đất trước đó giữa các đương sự là đúng luật việc kê biên nhà của bà Khánh Ly để thi hành án của Chi cục Thi hành án dân sự thị xã La Gi là sai.

Sự thừa nhận này được thể hiện rõ trong các văn bản của Tổng cục, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Thuận và trong việc UBND thị xã La Gi chấp thuận cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất cho bà Khánh Ly sau khi quá trình chuyển nhượng hoàn tất.

Như vậy, chỉ có TAND thị xã La Gi là cơ quan duy nhất cho rằng việc mua bán chuyển nhượng giữa các bên là trái luật? Phán quyết của Tòa án trong vụ việc này hoàn toàn đi ngược lại tinh thần các quy định của pháp luật.

Chúng tôi nhận thấy Thẩm phán đã tuyên một phán quyết kỳ lạ, hủy hợp đồng chuyển nhượng một cách vô lý nhưng lại không giải quyết hậu quả của việc hủy hợp đồng do vô hiệu, làm cho bà Khánh Ly – là người mua nhà hợp pháp và ngay tình trở thành trắng tay.

Phán quyết vô cùng liều lĩnh này của Tòa sơ thẩm đã khiến cho mọi người tham dự phiên tòa cảm thấy vô cùng kinh ngạc vì chỉ xem xét đến quyền lợi của người được thi hành án là bà Dạ Thảo mà thẩm phán đã “bất chấp” pháp luật và thực tế khách quan, không hề xem xét đến quyền lợi hợp pháp của bà Khánh Ly và các đương sự khác.

Ngoài ra, xét về mặt thủ tục, thẩm phán không xác định tư cách đương sự nên đã không đưa rất nhiều cá nhân, tổ chức có liên quan tham gia tố tụng như chồng bà Khánh Ly, Ngân hàng Đông Á… dẫn đến việc xem xét vụ án một cách phiến diện và chỉ giải quyết được “một khúc” của vụ án.

Chúng tôi tin rằng các cấp còn lại sẽ vào cuộc để giải quyết lại vấn đề này một cách khách quan, toàn điện và đầy đủ nhất”, luật sư Tú cho biết", Luật sư Trương Anh Tú cho biết.

Trao đổi với phóng viên, bà Khánh Ly cho biết: “Trước khi quyết định nhận chuyển nhượng nhà đất nói trên, tôi đã tham khảo trước ý kiến của công chứng viên, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Đông Á. Mọi người đều khẳng định nhà đất đủ điều kiện chuyển nhượng.

Ngay cả trong Công văn số 225/CV-THA của THA La Gi cũng nêu rõ việc giải tỏa kê biên nhà đất nói trên và cho phép chủ sở hữu tự do chuyển nhượng. Vậy mà sau khi nhận chuyển nhượng và được cấp mới “sổ hồng”, nhà đất của tôi bỗng dưng bị thi hành án La Gi kê biên.

Tôi đã phải nghỉ việc hàng năm trời đến gõ cửa các cơ quan chức năng, phải mất rất nhiều thời gian, công sức và cả tiền bạc để đòi lại quyền lợi cho mình. Nhưng nay, với phán quyết này, Tòa án đã tước đoạt quyền lợi chính đáng của tôi”.

TRƯƠNG ANH TÚ