The Straits Times ngày 7/3 bình luận, Thái Lan đang trượt sâu hơn vào vòng tay Trung Quốc.
Hải quân Thái Lan muốn mua tàu ngầm, trong khi đề nghị của Trung Quốc tỏ ra rất hấp dẫn. Nó không chỉ rẻ hơn so với các nhà cung cấp khác, Bắc Kinh còn sẵn sàng chuyển giao công nghệ và giúp Thái Lan đào tạo thủy thủ.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha, ảnh: Reuters. |
Dự án đường sắt cao tốc Trung - Thái dự kiến sẽ tạo ra mạng lưới đường sắt xuyên Á, phá vỡ thế chia cắt trong khu vực bởi các eo biển. Không quân Trung - Thái tổ chức tập trận chung lần đầu tiên trong năm ngoái, ngay sau khi một Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương đầy uy quyền của Trung Quốc viếng thăm Thái Lan.
Tuy nhiên xu thế Thái Lan ngả về phía Trung Quốc không phải không có trục trặc, rắc rối. Một số nhà phân tích cho thấy đề nghị của Thái gần đây đối với Nga có thể là một phản ứng nhằm cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc đang ngày một gia tăng với quốc gia này.
"Chúng tôi không nên bỏ tất cả số trứng vào cùng một giỏ. Chúng tôi muốn đa dạng hóa các mối quan hệ của mình với các nước lớn", Tiến sĩ Kitti Prasirtsuk đứng đầu Viện Nghiên cứu Đông Á Đại học Thammasat bình luận.
Ông Prasirtsuk nhận định: "Phát triển đa dạng mối quan hệ giữa Thái Lan với Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản hay ngay cả với Nga đều có lợi. Trong khi Thái Lan sẽ không chấp nhận cho bất kỳ căn cứ quân sự nước ngoài nào hiện diện trên lãnh thổ của mình, hoạt động tập trận chung, hợp tác, cho phép máy bay cất hay cánh theo thỏa thuận, hoặc cho phép nước ngoài sử dụng căn cứ quân sự của mình là điều đáng hoan nghênh".
Trong khi trao đổi chính thức các chuyến thăm cấp cao sang Bắc Kinh, Bangkok cũng đã phái tướng Prawit và Phó Thủ tướng Somkid Jatusripitak đến Nga tháng trước, trước khi Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha sẽ thăm Nga tháng Năm tới.
Tuy nhiên theo The Straits Times, quan hệ Bangkok - Moscow không có khả năng cạnh tranh với quan hệ Trung - Thái. Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Thái Lan, đồng thời cũng là thị trường chính của hàng hóa Thái Lan. Trung Quốc là nguồn cung cấp khách du lịch lớn nhất đến Thái Lan.
Chính quyền Thủ tướng Prayut không phải đối tượng duy nhất đang "ve vãn" Trung Quốc. Ngay cả Thaksin Shinawatra - cựu Thủ tướng lưu vong cũng đã đến thăm Trung Quốc trước Hoa Kỳ khi ông lên nắm quyền vào năm 2001 và mở rộng đáng kể quan hệ thương mại và quốc phòng Trung - Thái.
Tiến sĩ Ian Storey từ Singapore cho rằng, thông qua hỗ trợ Thái Lan trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 và tham gia khéo léo vào các hoạt động hợp tác với các chính phủ thay đổi liên tục bởi bất ổn chính trị ở Thái Lan, Trung Quốc đã chứng minh cho Bangkok thấy, Bắc Kinh là "người bạn kiên định trong khủng hoảng".
Tiến sĩ Kitti thì cho biết, ngay trong giới tinh hoa Thái Lan, nhiều quan điểm truyền thống vẫn tin rằng Trung Quốc là "một người anh lớn, một người bạn tốt".
Trong khi đó ngày càng nhiều nhân vật bất đồng chính kiến Trung Quốc đã bị bắt tại Thái Lan và trục xuất về nước, dù ông Kitti chối bỏ khả năng Bangkok mở cửa cho cảnh sát Trung Quốc vào lãnh thổ nước mình, Nhưng điều đó không thể xóa được nghi ngờ Thái Lan đang trượt sâu hơn vào vòng tay Trung Quốc, The Straits Times bình luận.