Ngày 7/3, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - VNA) phát đi thông báo cho biết, công ty này sẽ thành lập thêm một hãng bay mới.
Theo đó, Vietnam Airlines thành lập hãng hàng không mới trên cơ sở sắp xếp lại Công ty Bay dịch vụ hàng không (VASCO). Hãng hàng không mới được thành lập với quy mô vốn điều lệ tối thiểu 300 tỉ đồng, đội tàu bay dự kiến dưới 10 tàu.
Theo nhận định của các chuyên gia vai trò của Vietnam Airlines trong hãng hàng không cổ phần mới VASCO không thay đổi vì vẫn nắm quyền chi phối - ảnh nguồn VASCO. |
Vietnam Airlines sẽ nắm giữ 51% vốn điều lệ và một ngân hàng nắm giữ 49% vốn điều lệ của Hãng hàng không này.
Nội dung trong thông cáo báo chí của Vietnam Airlines về việc thành lập Hãng hàng không cổ phần VASCO không thay đổi so với nội dung trong văn bản đề xuất được Vietnam Airlines gửi lên Bộ Giao thông vận tải ngày 30/12/2015.
Điều này cho thấy Bộ Giao thông vận tải hoàn toàn đồng ý với đề xuất của Vietnam Airlines, một “đề xuất lạ” dưới góc nhìn của chuyên gia.
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về vai trò của Vietnam Airlines tại VASCO trước và sau, PGS.TS Bùi Quang Bình - Tạp chí Khoa học Kinh tế cho biết: Trên thủ tục giấy tờ, vai trò của Vietnam Airlines sau đề án tái cơ cấu VASCO chỉ là 1 cổ đông, tuy nhiên bản chất không thay đổi.
Đằng sau đề xuất thành lập hãng bay mới gây tranh cãi của Vietnam Airlines(GDVN) - Ông Vũ Anh Minh - Vụ trưởng Vụ Quản lý Doanh nghiệp trao đổi thẳng thắn với Báo Giao dục Việt Nam xung quanh đề xuất thành lập VASCO của Vietnam Airlines |
“Điểm chung lớn nhất ai cũng nhận ra là vai trò chi phối của Vietnam Airlines tại VASCO không thay đổi. Trước đây, VASCO là công ty con nằm trong công ty mẹ thì nay VASCO là công ty cổ phần.
Tuy tỷ lệ sở hữu cổ phần khác nhau nhưng Vietnam Airlines vẫn nắm trên 50%, vẫn giữ vai trò chi phối điều hành Hãng hàng không cổ phần VASCO mới”, PGS.TS Bùi Quang Bình nhận định.
“Trong đề xuất, Vietnam Airlines nói thành lập hãng hàng không độc lập nhưng độc lập như thế nào khi Vietnam Airlines vẫn giữ hơn 51% cổ phần và nắm quyền chi phối. Nếu đúng nghĩa là hãng hàng không độc lập thì Vietnam Airlines không nắm giữ 51% cổ phần mà phải giảm xuống khoảng 30%, như vậy sẽ thu hút nhà đầu tư bỏ tiền vào hơn và giá cổ phiếu VASCO sau này tăng hơn”, PGS.TS Bùi Quang Bình nói.
Đồng quan điểm, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng dù là mô hình công ty cổ phần hay hình thức công ty mẹ - con như trước đây thì về bản chất, vai trò của Vietnam Airlines vẫn không khác nhau khi nắm giữ trên 50% cổ phần và nắm quyền chi phối.
Theo PGS.TS Ngô Trí Long, hàng không là ngành đặc thù do vậy trước mắt để vận hàng hãng hàng không mới cần có kinh nghiệm của Vietnam Airlines.
Tuy nhiên trong phương án góp vốn, Vietnam Airlines sử dụng tài sản hiện hữu do VASCO đang quản lý và khai thác, kho phụ tùng vật tư ATR72…do đó, để minh bạch vốn góp cần đơn vị độc lập định giá lại toàn bộ tài sản hiện hữu của Vietnam Airlines tại VASCO để tránh thất thoát phần vốn nhà nước trong tài sản đó.
Nhìn vào vốn điều lệ và triển vọng phát triển của VASCO, TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia nghiên cứu kinh tế độc lập cho rằng, vốn điều lệ của VASCO quá hạn hẹp so với quy mô cần có của một hãng hàng không.
“Quy mô 300 tỷ đồng khoảng 15 triệu USD, số vốn quá nhỏ, để hoạt động một hãng hàng không cần gấp 10 lần số vốn đó”, TS. Hiếu cho biết.
Để tăng vốn điều lệ, theo TS. Hiếu khi VASCO trở thành công ty cổ phần thì bằng cách niêm yết cổ phiếu thu hút nhà đầu tư. Tuy nhiên, để thu hút nhà đầu tư cần giảm quyền chi phối của cổ đông sáng lập bằng cách giảm tỷ lệ sở hữu, nói cách khác sau này Vietnam Airlines và Techcombank nên bán bớt cổ phần tại VASCO.
TS. Hiếu cũng nhận định, thị trường hàng không Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng cơ hội để VASCO phát triển rất nhiều khi nhắm vào các đường bay ngắn, bay vận tải, bay cứu hộ… Và vì Vietnam Airlines là cổ đông lớn nhất tại VASCO nên sẽ có sự “dàn xếp” để không dẫm chân nhau trong hoạt động khai thác.
Theo ông Hiếu, Vietnam Airlines hướng đến đường bay dài, bay quốc tế còn đường bay trong nước chỉ duy trì đường bay dài.
Đường bay ngắn nhường cho VASCO, chắc chắn không có cạnh tranh thậm chí Vietnam Airlines dùng VASCO để canh tranh đường bay ngắn trong nước với hãng hàng không khác để tăng chi phối thị trường hàng không và tăng lợi nhuận nhờ nắm giữ cổ phần chi phối tại VASCO.