South China Morning Post ngày 15/3 đưa tin, hàng ngàn công nhân ngành khai thác mỏ than ở thành phố Song Áp Sơn, tỉnh Hắc Long Giang miền Đông Bắc Trung Quốc đã đem theo vợ con, gia đình xuống đường biểu tình suốt mấy ngày qua vì tình trạng nợ lương cả nửa năm nay, trong khi chính quyền tỉnh đang chủ trương cắt giảm hàng ngàn lao động ngành than.
Trong những đoan video được chia sẻ trên các trang mạng xã hội trực tuyến tại Trung Quốc, người biểu tình mang theo biểu ngữ "Dân phải ăn để sống", "Phải tiêu diệt tham nhũng" tuần hành ở trung tâm thành phố Song Áp Sơn. Lực lượng an ninh có vũ trang tuần tra khắp các tuyến phố, một số thợ mỏ đã bị cảnh sát bắt đi.
Ông Lục Ngô với phát ngôn gây chú ý: Sai thì đã sai rồi, sai thì sửa. Ảnh: Đa Chiều. |
Tháng trước, lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố sẽ cắt giảm khoảng 1,8 triệu việc làm trong ngành khai thác than và ngành sản xuất thép vì cần phải đóng cửa các nhà máy, doanh nghiệp nhà nước quá cồng kềnh, làm ăn thua lỗ trong nhiều năm.
Tập đoàn Than - khoáng sản Hắc Long Giang là một doanh nghiệp nhà nước trực thuộc tỉnh có 224 ngàn công nhân, nhưng lâu nay kinh doanh thua lỗ. Ông Tỉnh trưởng Lục Ngô mới đây tuyên bố, tỉnh Hắc Long Giang sẽ cắt giảm 50 ngàn công nhân ngành than.
Theo Đa Chiều ngày 15/3, từ năm 2014 Tập đoàn Than - khoáng sản Hắc Long Giang đã bắt đầu nợ lương công nhân, từ năm 2015 lại có tin chuẩn bị cắt giảm hàng loạt biên chế. Công nhân tập đoàn này mỗi tháng hiện chỉ nhận được khoảng 100 tệ tiền hỗ trợ sinh hoạt phí (1 tệ tương đương 0,15 USD) trong suốt nửa năm qua.
Trong khi đó hôm 6/3, tờ Tin tức Bành Bái cho biết, bên lề kỳ họp Lưỡng Hội, đoàn Hắc Long Giang đã tổ chức họp báo giới thiệu các thành tựu của tỉnh. Ông Lục Ngô hùng hồn tuyên bố trước báo giới:
"Tập đoàn Than - khoáng sản Hắc Long Giang hiện đang có 80 ngàn công nhân, đến nay chưa từng phát thiếu một tháng lương, chưa từng giảm một đồng thu nhập của công nhân".
Chính bởi câu phán bừa này của ông Tỉnh trưởng, trong 2 ngày 11 và 12/3, hàng ngàn công nhân Tập đoàn Than - khoáng sản Hắc Long Giang kéo theo vợ con, gia đình xuống phố biểu tình. Truyền thông Trung Quốc không đưa tin này, Đa Chiều lưu ý.
Biểu tình tại Song Áp Sơn, Hắc Long Giang, ảnh: SCMP. |
Ngày 13/3, ông Ngô lên tiếng trấn an dư luận: "Sai thì đã sai rồi, sai thì phải sửa". Trước đó chiều 12/3, ông Ngô tổ chức họp báo ở Bắc Kinh thừa nhận thực trạng của Tập đoàn Than - khoáng sản Hắc Long Giang nợ lương, nợ đọng thuế, nợ bảo hiểm, đời sống nhiều công nhân khó khăn.
Tuy nhiên, thay vì thành khẩn nhận lỗi trước dư luận, ông Tỉnh trưởng nói rằng mình phát ngôn sai là do báo cáo của cấp dưới không chuẩn.
Đa Chiều cho hay, dư luận tin rằng phát biểu hùng hồn của ông Lục Ngô hôm 6/3 không phải ngẫu nhiên, mà có tính toán. Chỉ có điều người tính không bằng trời tính, quan tính không bằng lòng dân.
Ngày 14/3 Nhân Dân nhật báo đăng bài xã luận về "tín hiệu dùng người từ Lưỡng Hội", trong đó nêu ra 3 tiêu chuẩn cất nhắc, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo: Coi trọng thúc đẩy cải cách, coi trọng nói thẳng nói thật và coi trọng cán bộ có quá trình công tác ở địa bàn vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn.
Câu nói của Lục Ngô nhằm vào 3 tiêu chí này. Hắc Long Giang từng một thời là biểu tượng của ngành công nghiệp khai thác than Trung Quốc, nay đang trong quá trình chuyển đổi, tái cơ cấu nền kinh tế.
Lục Ngô là quan chức trẻ, mới được điều từ Bắc Kinh về làm Tỉnh trưởng hơn 1 năm. Ông Ngô được xem là "ngôi sao trẻ đang lên" trên bầu trời chính trị Bắc Kinh.
Phát ngôn tưởng chừng là xông xáo, cởi mở với báo chí, một điều hiếm gặp ở các quan chức tỉnh thành đương chức tại Trung Quốc lại là một câu phán bừa thiếu suy nghĩ, Lục Ngô đang tự đào hố chôn vùi sự nghiệp chính trị của mình, Đa Chiều bình luận.