Thông tin tại hội nghị Đối tác phát triển và các nhà tài trợ quốc tế về tình hình hạn hán và xâm nhập mặn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, diễn ra chiều 15/3 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát khẳng định: Hạn hán và xâm nhập mặn ở 3 khu vực trên hiện nay là tình huống thiên tai “có tính chất lịch sử” của Việt Nam.
Bộ trưởng Cao Đức Phát, bà Pratibha Mehta, Điều phối viên Liên Hợp Quốc tại Việt Nam điều hành hội nghị |
Tình hình này rất nghiêm trọng và sẽ còn khốc liệt hơn nữa trong những tháng tới. Dự báo đỉnh điểm sẽ vào tháng 4, 5, 6 ở Đồng bằng sông Cửu Long; tháng 4 ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Dự báo Tây Nguyên sẽ có mưa vào tháng 5, 6; nhưng Ninh Thuận và khu vực Nam Trung Bộ có thể tháng 9 mới có mưa trong khi nhiều sông, hồ tại đây đã cạn trơ đáy.
Ông Cao Đức Phát cho biết, ông đã “vào ra” liên tục những ngày tháng qua để chỉ đạo chống hạn và xâm nhập mặn, hạn hán ở các khu vực này.
Việt Nam đã làm hết sức có thể, tuy nhiên, “cuộc chiến” với thiên tai vẫn còn vô cùng nan giải và chưa biết khi nào có hồi kết. Do đó rất cần sự chung tay vào cuộc của các đối tác quốc tế.
Nói về tình trạng xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, khu vực này với 17 triệu dân, sản xuất 1/2 sản lượng lúa của cả nước, xuất khẩu hơn 8 triệu tấn mỗi năm.
Tuy nhiên, đến nay lượng nước sông Mekong đã giảm 50%, trong khi thủy triều dâng cao bất thường khiến mặn xâm nhập có nơi tới 50 – 70km (sâu hơn trung bình mọi năm 20km).
Điều này khiến 1/2 diện tích khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng, đã có 160.000ha lúa bị thiệt hại, tương đương 800.000 tấn lúa bị mất trắng, 300.000 hộ gia đình với khoảng 1,5 triệu người không có thu nhập từ cây lúa.
Dự báo sẽ còn nhiều diện tích lúa, cây ăn quả, thủy sản, gia súc sẽ bị chết và thiệt hại do không có nước ngọt và thức ăn. Hiện có khoảng 1 triệu dân không có nước ngọt, phải đi mua với giá từ 60.000 – 80.000 đồng/mét khối, gấp 8 lần so với giá ở thành phố.
Nông dân Bến Tre cắt lúa chết |
“Có thể không phải tới Vũng Tàu để tắm biển, mà có thể cảm nhận được độ mặn ở TP Bến Tre, nơi cách biển 70km. Hiện 160/164 xã ở tỉnh này bị mặn bao vây. Hy vọng tháng 4 – 5 tới, tuyết tan ở Trung Quốc sẽ khiến sông Mekong có nước nhiều hơn” – ông Cao Đức Phát nói.
Ông Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận; ông Y Dhăm Ênuôl, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho cho biết, hai tỉnh này đang trải qua thời điểm hạn hán cực kỳ nghiêm trọng trong suốt nhiều năm qua.
Hầu hết các hồ chứa ở đây chỉ còn khoảng 25%, thậm chí nhiều hồ đã cạn kiệt. Người dân đào giếng dưới hồ nhưng cũng không thể có nước để sinh hoạt và chăn nuôi.
Ông Trần Quốc Nam cho biết, tình hình này đòi hỏi cả hệ thống chính trị vào cuộc để chống hạn; chuyển đổi cây trồng, vật nuôi bởi tình hình hạn hán sẽ còn khốc liệt hơn trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cũng đề nghị Chính phủ hồ trợ 6.000 tấn gạo cho 900.000 nhân khẩu (bằng 1/6 dân số của tỉnh) thiếu lương thực bởi đã 5 vụ không thể canh tác.
Ông Y Dhăm Ênuôl cũng kêu gọi các tổ chức quốc tế, các đối tác nước ngoài cùng chung tay cứu hạn với người dân Tây Nguyên.