Trong quá trình điều tra một số doanh nghiệp có dấu hiệu hoạt động đa cấp bất chính, phóng viên nhiều cơ quan báo chí đã phát hiện ra Công ty Big Forest Việt Nam (Big Forest Việt Nam) trụ sở tại 21A đường Nguyễn Khang (Cầu Giấy - Hà Nội), do ông Nguyễn Mạnh Cường làm Chủ tịch Hội đồng quản trị có dấu hiệu làm giả hồ sơ, con dấu hòng qua mặt cơ quan chức năng để được cấp giấy phép hoạt động kinh doanh đa cấp.
Theo đó, ngày 18/9/2015, Công ty cổ phần Big Forest Việt Nam gửi hồ sơ tới Cục Quản lý cạnh tranh – Bộ Công Thương để xin được đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.
Sản phẩm của Công ty Cổ phần Big Forest Việt Nam được quảng cáo trên Website. Ảnh (Chụp ngày 16/3) |
Theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 42/2014/NĐ-CP, các doanh nghiệp muốn đăng ký tổ chức hoạt động bán hàng đa cấp phải có vốn pháp định và phải ký quỹ bằng tiền mặt 5% vốn điều lệ (nhưng không thấp hơn 5 tỷ đồng) tại một ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính và được xác nhận bằng văn bản.
Trong hồ sơ gửi Cục Quản lý cạnh tranh, Big Forest Việt Nam cũng đưa vào một văn bản xác nhận ký quỹ số VP/231015, xác nhận ngày 23/10/2015 của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng, chi nhánh Thăng Long. Người kí tên, đóng dấu là bà Lê Thị Hòa - Phó Giám đốc Chi nhánh.
Xác nhận tài khoản ký quỹ làm giả con dấu, chữ ký của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng. Ảnh: VTC News |
Ngày 3/3/2016, đại diện Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cho biết: "Tính đến ngày 25/11/2015, VPBank không phát hành bản xác nhận ký quỹ số VP/231015 ngày 23/10/2015 tại VPBank – chi nhánh Thăng Long cho công ty Big Forest Việt Nam.".
Bà Lê Thị Hòa (Giám đốc chi nhánh VPBank Thăng Long) – người được cho là đã ký xác nhận dưới bản xác nhận ký quỹ cho Big Forest Việt Nam - khẳng định, chữ ký trên không phải của bà và bà cũng chưa từng ký xác nhận nào cho Big Forest Việt Nam.
"Bản xác nhận ký quỹ số VP/231015 ngày 23/10/2015 ghi chức danh của tôi là Phó giám đốc là không đúng, bởi tôi được đề bạt lên Giám đốc chi nhánh từ trước thời điểm đó", bà Hòa xác nhận với báo chí.
Đặc biệt, một lãnh đạo VPBank cho biết, hành vi của Big Forest Việt Nam có dấu hiệu “lừa đảo”. Phía ngân hàng đã có văn bản nêu sự việc gửi tới Cục Quản lý cạnh tranh – Bộ Công Thương và các cơ quan chức năng.
Không những đến nay, Big Foret Việt Nam mới bị “vạch trần” mà trước đó đã có nhiều tờ báo đã phản ánh về việc kinh doanh đã cấp trái phép của công ty này.
Cụ thể, Big Forest Việt Nam hoạt động kinh doanh các mặt hàng thức phẩm chức năng như Cốm dành cho trẻ em, Phân vi sinh,… dưới hình thức kinh doanh đa cấp.
Khách hàng muốn tham gia trở thành nhà phân phối của công ty này sẽ phải mua một bộ sản phẩm trị giá từ 500.000 đồng 3.000.000 đồng và một bộ Kit hướng dẫn với giá 150 ngàn đồng.
Sơ đồ trả thưởng của công ty Cổ phần Big Forest Việt Nam. Ảnh: Pháp luật Việt Nam |
Sau khi trở thành nhà phân phối của công ty, khách hàng sẽ nhận được nhiều loại hoa hồng khác nhau như : hoa hồng trực tiếp, hoa hồng gián tiếp,... từ việc lôi kéo thêm nhiều người tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp của mình.
Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là công ty này chưa được cơ quan chức năng cấp giấy phép hoạt động kinh doanh đa cấp, nhưng đã phát triển thị trường tại nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Với nhiều loại hoa hồng trả thưởng, nhà phân phối có thể không cần làm gì, tiền vẫn có thể “chảy” vào túi một cách dễ dàng. Thậm chí thu nhập sẽ từ hàng chục triệu đồng cho đến cả tỉ đồng.
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.