Áp thuế sai, người tiêu dùng bị móc túi 400 tỷ đồng/tháng
Theo tính toán, đến thời điểm này các doanh nghiệp xăng dầu đang hưởng lợi 5-10% mức thuế do chênh lệch từ các biểu thuế xăng dầu. Đồng nghĩa với việc, mỗi tháng người dân bị "móc túi" khoảng 400 tỉ đồng.
Cụ thể, theo lộ trình cắt giảm thuế quan của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), Việt Nam phải từng bước mở cửa thị trường.
Trong đó, từ 2015, thuế nhập khẩu các mặt hàng dầu như diesel, dầu hỏa từ ASEAN chỉ có 5%, madut là 0% và từ 1/1/2016, tất cả các mặt hàng dầu từ khu vực này sẽ hưởng thuế 0%.
Cũng từ năm 2016, thuế nhập dầu diesel từ Hàn Quốc về Việt Nam cũng giảm về 5% và thuế xăng về 10%.
Thế nhưng theo Thông tư 78 của Liên bộ Công Thương, Tài chính, giá bán lẻ xăng dầu vẫn được tính dựa trên mức thuế xuất nhập khẩu 20% với xăng, 10% với dầu diesel và madut.
Việc này đã tạo ra một khoảng vênh 5-10% tiền thuế với diesel và 10% với xăng giữa đầu vào (khoản doanh nghiệp phải nộp cho ngân sách) và đầu ra (khoản người tiêu dùng phải trả cho doanh nghiệp).
Đây là khoản tiền mà các doanh nghiệp xăng dầu được hưởng suốt từ tháng 5/2015 sau khi Thông tư 78 ra đời đối với diesel nhập từ ASEAN và từ đầu năm 2016 đến nay với xăng nhập từ Hàn Quốc.
Cách tính thuế bấp cập dẫn đến giá xăng cao hơn - ảnh minh họa (nguồn ảnh: H.Lực). |
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Minh Phong cho biết, độ vênh khi áp sai thuế ở chỗ khi tính giá cơ sở doanh nghiệp áp theo mức thuế cao nhưng khi thực nộp lại nộp theo mức thuế bằng với cam kết quốc tế. Như vậy phần chênh này sẽ về túi doanh nghiệp.
Việc áp thuế nhập khẩu sai cũng sẽ kéo theo cách tính các loại thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, phí vận chuyển, vận tải sai.
Nói cách khác, do áp thuế nhập khẩu sai làm tăng giá cơ sở, thuế tiêu thụ đặc biệt, phí khác... khiến người tiêu dùng chịu thiệt.
TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, để xảy ra tình trạng này trong một thời gian dài, nguyên nhân là do thiếu nhất quán trong quản lý, áp dụng chưa chuẩn, thậm chí có một phần cố tình.
Truy thu lợi nhuận áp sai thuế xăng dầu: Không khó
Trước ý kiến cho rằng cho rằng phần chênh lệch do cách áp thuế nhập khẩu sai phải trả lại cho người dân nhưng việc thu hồi trả lại cho người dân không dễ… TS. Phong khẳng định: "Việc tiến hành thu lại không khó".
Yêu cầu doanh nghiệp xăng dầu trả lại phần lợi nhuận do chênh lệch thuế(GDVN) - "Rõ ràng doanh nghiệp đạt lợi nhuận lớn đến từ cách tính thuế sai. Do đó, không thể để doanh nghiệp "bỏ túi" phần chêch lệch này mà phải thu lại...". |
“Theo quy định, trong ngành thuế được phép hồi tố, hồi thu. Sau khi kiểm toán những khoản thu không đúng sẽ bị truy thu lại. Vấn đề là phần truy thu đó đưa vào đâu, ngân sách hay quỹ bình ổn giá.
Ở đây, trả lại ngân sách là không đúng bởi ngân sách đã thu khoản thuế này do doanh nghiệp nộp. Phần chênh lệch trên là thu từ túi tiền của người dân nên phải trả lại dân qua việc đưa vào quỹ bình ổn giá”, TS. Phong cho biết.
Qua đó, từ việc áp thuế nhập khẩu xăng dầu sai, cần rút kinh nghiệm về mặt tổ chức, phân trách nhiệm để tránh sai phạm ở ngành, hàng hóa khác.
“Trong bối cảnh Việt Nam tham gia hội nhập với nhiều cam kết khác nhau trong đó có thuế xuất, nhập khẩu... rất dễ tạo ra khe hở pháp luật để doanh nghiệp có thể lợi dụng”, TS. Phong cảnh báo.
Trước đó, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng thị trường xăng dầu tại Việt Nam vẫn còn độc quyền hay nói cách khác, vẫn có doanh nghiệp nắm vị trí thống lĩnh thị trường, vì vậy giá bán lẻ xăng dầu do nhà nước định giá.
Việc nhà nước phải định giá nên cách tính giá xăng dựa vào giá cơ sở, giá cơ sở cộng với thuế nhập khẩu; thuế bảo vệ môi trường; thuế tiêu thụ đặc biệt; chi phí định mức của doanh nghiệp và lợi nhuận định mức 300 đồng/lít.
Do đó khi thuế nhập khẩu tăng sẽ tăng giá bán lẻ xăng dầu, cuối cùng người tiêu dùng chịu thiệt do việc áp thuế sai.
PGS.TS Ngô Trí Long nhấn mạnh, phần chênh lệch này phải trả lại người tiêu dùng bằng cách truy thu, đưa vào quỹ bình ổn giá.
Bày tỏ quan điểm trong việc phải thu lại phần chênh lệch do cách áp thuế nhập khẩu bất nhất, ông Bùi Đức Thụ - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng khẳng định: Cần xem xét hoàn trả lại phần thuế nhập khẩu áp sai. Tuy nhiên truy thu lại phần tài sản này bằng cách nào phải phụ thuộc vào cơ sở pháp lý để xem xét xử lý.
Ông Thụ cho rằng, giá xăng dầu kinh doanh do liên Bộ Tài chính – Công Thương công bố, doanh nghiệp lại căn cứ vào đó để thực hiện nên không thể hoàn trả trực tiếp cho người dân được.
Tuy không hoàn trả được cho người dân, nhưng phải tính đến việc thu hồi, mặc dù xác định căn cứ để thu hồi không hề đơn giản.
Theo luật hiện hành cũng chỉ có thể áp từ thuế thu nhập doanh nghiệp. Nếu lợi nhuận hợp pháp thì doanh nghiệp phải có nghĩa vụ nộp thuế theo Luật Doanh nghiệp, chứ không phải nộp toàn bộ khoản chênh lệch đó.
Đây là vấn đề cần làm rõ nhưng không dễ gì để thu hồi được toàn bộ. Còn đối với việc thu hồi đưa vào quỹ bình ổn giá xăng dầu, cần làm rõ căn cứ để thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Bộ Tài chính hứa khắc phục chênh lệch thuế xăng dầu Trước sức nóng của dư luận về lợi nhuận khủng của doanh nghiệp và thiệt hại của người tiêu dùng từ cách tính thuế xăng dầu bất nhất, Bộ Tài chính khẳng định: Giá cơ sở xăng dầu không phải là giá do Nhà nước ấn định hoặc phê duyệt cho từng doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối. Căn cứ giá cơ sở xăng dầu và mức sử dụng Quỹ BOG (nếu có), các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu được điều chỉnh giá (tăng/giảm) theo nguyên tắc, trình tự, thủ tục quy định nhưng không cao hơn giá cơ sở do Liên Bộ Công Thương - Tài chính công bố. Bộ Tài chính cũng cho biết, hiện nay theo xu hướng hội nhập, có nhiều mức thuế như FTAs, ATIGA, MFN. Do vậy, Bộ Tài chính đang nghiên cứu để điều tiết, khắc phục chênh lệch trong giá cơ sở (nếu áp dụng các mức thuế khác nhau). Bộ Tài chính sẽ phối hợp Bộ Công Thương để có hướng dẫn cụ thể trong thời gian tới. Để tránh gian lận thương mại trong khâu nhập khẩu với các mức thuế khác nhau, Bộ Tài chính đã giao cơ quan hải quan tăng cường kiểm tra khâu nhập khẩu xăng dầu, đặc biệt là đối với các lô hàng có C/O từ các nước ASEAN, Hàn Quốc,... tránh gian lận thương mại, gây thiệt hại cho Nhà nước và người tiêu dùng. |