Chiều nay (18/3), Văn phòng Quốc hội đã tổ chức họp báo công bố nội dung dự kiến của kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII.
Ông Lê Minh Thông - Phó Tổng thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, kỳ họp 11 sẽ chính thức khai mạc vào ngày 21/3, làm việc trong 19 ngày, dự kiến bế mạc vào ngày 12/4.
Tại kỳ họp này, Quốc hội dành khoảng 4,5 ngày để xem xét, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2015; kết quả 5 năm 2011-2015 và quyết định kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016-2020, quyết định kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2016-2020; xem xét báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2011-2016 của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tổng Kiểm toán nhà nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao…
Ông Nguyễn Hạnh Phúc (đứng) cho biết, hiện tại Trung ương chưa có tờ trình về nhân sự cấp cao gửi Quốc hội. ảnh: Ngọc Thành. |
Về chương trình xây dựng luật, kỳ họp này Quốc hội sẽ tập trung thảo luận, xem xét, thông qua 7 dự án luật gồm: Luật tiếp cận thông tin; Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi); Luật báo chí (sửa đổi); Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi); Luật dược (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế; Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi).
Đặc biệt, Quốc hội sẽ dành phần lớn thời gian của kỳ họp này(khoảng 10,5 ngày (từ 31/3 đến 12/4) để xem xét, quyết định công tác nhân sự nhà nước vì sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt của nhà nước không tái cử Ban Chấp hành Trung ương, đồng thời Bộ Chính trị cũng đã phân công nhiệm vụ mới đối với một số Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Ông Lê Minh Thông cho biết, Bộ Chính trị đã xem xét cẩn trọng cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn của việc kiện toàn chức danh lãnh đạo các cơ quan nhà nước ngay sau Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng và thống nhất cao là cần sớm kiện toàn, sắp xếp lại các chức danh lãnh đạo cơ quan nhà nước một cách đồng bộ, đáp ứng kịp thời yêu cầu triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.
Trả lời câu hỏi về việc tới nay liên quan tới kiện toàn các chức danh nhà nước thì đã có ai nộp đơn xin từ chức chưa, thí dụ như trường hợp của Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội?
Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, không nhất thiết những trường hợp này phải nộp đơn xin từ chức, vì công tác nhân sự là của Đảng.
Quy trình miễn nhiệm các chức danh được thực hiện theo quy định của Đảng và pháp luật. Đồng thời việc miễn nhiệm các chức danh là thành viên Chính phủ cũng căn cứ trên tờ trình của Chính phủ.
“Chúng ta đã tiến hành Đại hội Đảng XII thành công, một số các chức danh không tham gia Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương nữa, trong khi đó tới tận tháng 7 tới đây thì Quốc hội khóa XIV mới họp.
Thời gian từ đây tới đó tương đối dài, mà đây lại là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng khóa XII, cần phải có tinh thần mới, động lực mới, khí thế mới để thực hiện tốt ngay từ đầu năm những mục tiêu đã đặt ra tại Đại hội Đảng toàn quốc. Vì vậy cần kiện toàn các chức danh nhà nước.
Đây không phải là việc mới mà đã có tiền lệ, chúng ta biết rằng ở kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XI thì đã diễn ra việc kiện toàn các chức danh cao cấp của Nhà nước như Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội. Việc kiện toàn các chức danh này thuộc Quốc hội khóa XIII.
Sau này khi đã bầu cử xong Đại biểu Quốc hội khóa XIV thì Quốc hội sẽ họp và bầu các chức danh lãnh đạo nhà nước cũng như là các chức danh thuộc thành viên Chính phủ khóa mới”, ông Phúc cho hay.
Câu hỏi cuối cùng được đặt ra là tại kỳ họp của Trung ương khóa XII giới thiệu ông Nguyễn Xuân Phúc làm Thủ tướng, ông Trần Đại Quang làm Chủ tịch nước và bà Nguyễn Thị Kim Ngân làm Chủ tịch Quốc hội. Thông tin này có được khẳng định không?
Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, cho tới hiện tại chưa có tờ trình Quốc hội về nội dung này, vì vậy phải chờ tờ trình chính thức của Trung ương.