Nhân Dân nhật báo Trung Quốc ngày 18/3 bình luận, việc Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Scott Swift đã lên tiếng chỉ trích Trung Quốc có thái độ "cường quyền là công lý" trong vấn đề Biển Đông, nhưng ông đã không chỉ đích danh, phản ánh Mỹ sẽ tiếp tục can dự sâu vào vấn đề Biển Đông.
Ngày 18/3/2016, tại Trụ sở Bộ Quốc phòng, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp Đô đốc Scott Swift, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương |
Tại thủ đô Canberra của Australia, Đô đốc Scott Swift đã tham dự một hội nghị an ninh hàng hải, khi đề cập đến vấn đề Biển Đông, ông khẳng định, "một số nước" (Trung Quốc) tiến hành quân sự hóa và xây dựng mang tính xâm lược ở lãnh thổ tranh chấp, như bồi đắp xây đảo nhân tạo, xây bến cảng và đường băng, triển khai tên lửa đất đối không.
Ông chỉ ra, ở khu vực này đang có xu thế tái diễn "cường quyền là công lý", đe dọa tự do hàng hải. "Một số nước" (Trung Quốc) đã phá vỡ trật tự quốc tế được thiết lập sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai.
Ông cho rằng, nếu Mỹ không thúc đẩy khả năng đi lại tự do ở Biển Đông thì có thể gây ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu và luật pháp quốc tế. Mặc dù Đô đốc Scott Swift không điểm danh tên nước, nhưng hầu hết báo chí quốc tế khẳng định, đối tượng nhắc đến chính là Trung Quốc.
Hãng tin AP Mỹ ngày 17/3 cho biết, hồi tháng trước, tại Thượng viện Mỹ, Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ cũng cho rằng, Trung Quốc đang tìm cách thực hiện bá quyền Đông Á.
Phát biểu lần này của Đô đốc Scott Swift đã tiếp tục thể hiện thái độ nhất quán của Mỹ về mặt quân sự ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Theo hãng tin AP, là một phần của chiến lược "tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương", Mỹ đang không ngừng tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông.
Đô đốc Scott Swift - Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ |
Hàn Húc Đông giáo sư từ Đại học Quốc phòng Trung Quốc tiếp tục luận điệu xuyên tạc lâu nay rằng Mỹ đang thổi phồng vấn đề Biển Đông, tận dụng ưu thế về quyền phát ngôn để tạo sự lan tỏa trong cộng đồng quốc tế.
Hàn Húc Đông cho rằng, "cường quốc là công lý" là quan điểm xuất hiện trong thời kỳ Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất, các cường quốc khi đó tranh giành phạm vi ảnh hưởng lẫn nhau.
Hàn Húc Đông lý luận: "Tình hình bảo vệ chủ quyền và quyền lợi biển của Trung Quốc lại khác hoàn toàn, Mỹ không nhận rõ bản chất can thiệp của mình, cũng có sai lầm về nhận thức lịch sử".
Nhưng ông Đông đã bóp méo sự thật lịch sử, bởi Trung Quốc đã cất quân xâm lược quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào các năm 1956, 1974; xâm lược và cưỡng chiếm thêm một số thực thể ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam vào các năm 1988, 1995 và nay đang ra sức leo thang.
Cùng với việc Mỹ đẩy mạnh can dự vào vấn đề Biển Đông, dư luận quốc tế cũng đặc biệt quan tâm đến khả năng xảy ra xung đột quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ.
Ngày 3/3/2016, máy bay chiến đấu tập luyện cất hạ cánh trên tàu sân bay John C. Stennis ở Biển Đông |
Tờ Daily Star của Lebanon cho rằng, Mỹ muốn thể hiện họ hoàn toàn không ở tình trạng bị động trước mối đe dọa Trung Quốc, đồng thời tránh xảy ra xung đột quân sự trực tiếp. Nhưng trong vấn đề Biển Đông, chính quyền Barack Obama đang tiến tới một giai đoạn nguy hiểm, đó là "quyết một phen thắng bại" với Trung Quốc.
The Washington Post dẫn lời một tướng Mỹ giấu tên cho biết: "(Mỹ) không nhất định để Trung Quốc mất mặt, nhưng nhất định phải để Trung Quốc hiểu rõ, đi theo con đường này sẽ chỉ trở nên vô đạo và ít có hiệu quả".
Hàn Húc Đông, giáo sư, Đại học Quốc phòng Trung Quốc |
Do Mỹ tăng cường can dự chống bành trướng trên Biển Đông, Hàn Húc Đông lại đánh tráo khái niệm bảo Mỹ tiến hành "quân sự hóa", trong khi không hề nhắc đến hoạt động quân sự hóa bất hợp pháp một cách rầm rộ và thực chất của Trung Quốc ở Biển Đông.
Ông Đông còn lý luận, một khi xảy ra xung đột thực sự, Mỹ sẽ "đổ trách nhiệm" cho Trung Quốc. Mỹ tăng cường can dự vấn đề Biển Đông còn bị Hàn Húc Đông cho là có tính toán đề lợi ích kinh tế thực tế của Mỹ, chẳng hạn sẽ có lợi cho Mỹ thúc đẩy bán vũ khí trang bị.
Ngoài ra, Mỹ đẩy nhanh xây dựng trật tự châu Á-Thái Bình Dương do họ đứng đầu, tìm cách buộc Trung Quốc phải tuân thủ các quy tắc (và luật pháp quốc tế), nhưng Hàn Húc Đông cho rằng, Mỹ sẽ không thực hiện được.
Những hành động nhất quán của Mỹ trên Biển Đông cho thấy, Washington sẽ quyết không để Bắc Kinh vì thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông mà chà đạp lên luật pháp quốc tế, không thể để cho các hành động "cường quyền là công lý" có mảnh đất nảy sinh, ngóc đầu dậy và trở thành nhân tố nguy hiểm trong cộng đồng quốc tế và khu vực hiện nay.
Thiết lập các cơ chế an ninh khu vực, lập ra các quy tắc công bằng sẽ góp phần bảo đảm thực thi “pháp trị” ở khu vực, loại bỏ các hành vi “cường quyền là công lý” đang trỗi dậy ở khu vực này - PV.