The Straits Times ngày 20/3 bình luận, Trung Quốc đã bắt tay thực hiện một hoạt động "ngoại giao nước sông" chưa từng có với tuyên bố giảm bớt tình trạng hạn hán ở Lào, Myanmar, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam bằng việc tăng gấp đôi lưu lượng nước xả xuống hạ nguồn sông Mê Kông từ đập Cảnh Hồng.
Tình trạng hạn hán khắp đồng bằng sông Cửu Long, ảnh: canthotv. |
Việc cung cấp nước khẩn cấp từ đập Cảnh Hồng sẽ kéo dài từ 15/3 đến ngày 10/4. Trung Quốc đã gửi công hàm cho 4 nước thành viên Ủy hội sông Mê Kông (MRC) về kế hoạch của mình để giúp giảm bớt tình trạng thiếu nước ngọt ở hạ nguồn. MRC bao gồm Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam, trong khi Trung Quốc và Myanmar là đối tác đối thoại.
Bà Wongpinitwarodom, Giám đốc Văn phòng Quản lý tài nguyên sông Mê Kông đánh giá, đây là lần đầu tiên Trung Quốc thông báo trước với các nước hạ nguồn lịch xả nước của họ. Các nhà chức trách Trung Quốc đã bảy tỏ ý định làm việc chặt chẽ hơn với các nước hạ nguồn để giải quyết vấn đề này.
"Trước đây chúng tôi chỉ biết về sự thay đổi mực nước khi được các cư dân ở Chiang Sean, tỉnh Chiang Rai (giáp Lào và Myanmar) cho biết", bà Wongpinitwarodom nói.
Trung Quốc cũng giao cho các nhà ngoại giao nước này ở 5 nước hạ nguồn Mê Kông thông báo cho các chính phủ nước sở tại về kế hoạch xả nước. Theo các quan chức Thái Lan, Trung Quốc đã trở nên minh bạch hơn trong việc quản lý nguồn nước xuyên biên giới.
Trước đây các nước hạ nguồn luôn không có được sự hợp tác và minh bạch của Trung Quốc trong quản lý nguồn tài nguyên nước. Trung Quốc xây dựng quá nhiều đập thủy điện ở thượng nguồn, ảnh hưởng đến dòng chảy ở hạ nguồn Mê Kông.
Hãng Tân Hoa Xã thì nói rằng Việt Nam đã ca ngợi động thái Trung Quốc xả nước đập Cảnh Hồng là tích cực, hợp tác.
Tình trạng hạn hán khu vực hạ nguồn Mê Kông vẫn tiếp tục diễn biến tồi tệ. Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha tuần trước đã tới thăm vùng Đông Bắc đang vật lộn với hạn hán và cạn kiệt nước ngọt. Các địa phương này đang ra sức bơm nước từ những con đập.
Còn ở Việt Nam, cường độ xâm nhập mặn tấn công Đồng bằng sông Cửu Long đã gây ra thiệt hại nông nghiệp tương đương 200 ngàn tấn gạo trong vụ này. Mực nước các nhánh sông Cửu Long đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 1926.
Mặc dù có sự sụt giảm sản lượng gạo toàn cầu, các nhà phân tích cho rằng giá gạo sẽ không tăng đáng kể do lượng gạo dự trữ "cồng kềnh" của các nước sản xuất gạo những năm gần đây. Riêng Thái Lan vẫn "đang ngồi trên đống gạo dự trữ" 12 triệu tấn, Indonesia đang giữ 1,6 triệu tấn.