Tại cuộc bầu cử lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến tổng số Đại biểu Quốc hội khóa XIV được bầu là 500 đại biểu, gồm đầy đủ các thành phần từ trung ương cho tới địa phương, bảo đảm tỷ lệ đại diện hợp lý của các tầng lớp nhân dân trong Quốc hội.
Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất 3 đại biểu cư trú và làm việc tại địa phương.
Số lượng đại biểu tiếp theo được tính theo số dân và đặc điểm của mỗi địa phương, đảm bảo tổng số Đại biểu Quốc hội dự kiến được bầu là 500 người.
Cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV đã đi đến vòng hiệp thương thứ 2, và vấn đề được đặt ra vẫn là chất lượng đại biểu phải được đặt lên trên hết.
Mỗi Đại biểu Quốc hội cần phải hành động sao cho thật xứng đáng với niềm tin của nhân dân. ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội. |
Ông Nguyễn Văn Pha – Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho hay, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách dự kiến tại khóa XIV sẽ là 114 đại biểu (tăng 15 người).
Theo lộ trình, số đại biểu chuyên trách sẽ còn tiếp tục tăng lên trong những thời gian hoạt động của Quốc hội khóa mới, tập trung đủ trí tuệ để quyết bàn việc nước, nhất là những vấn đề hệ trọng của quốc gia.
Cũng theo ông Pha, việc vận động bầu cử phải làm theo quy định của pháp luật về bầu cử, chỉ có hai hình thức vận động bầu cử là qua hội nghị tiếp xúc cử tri do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức và vận động qua các phương tiện thông tin đại chúng chính thống.
Với hình thức vận động qua hội nghị tiếp xúc cử tri, mỗi người ứng cử được dành thời lượng trình bày chương trình vận động bầu cử tương đương nhau.
Người tự ứng cử sẽ tranh cử thế nào, bị cấm làm điều gì? |
Tuy nhiên, đáng lưu ý là người ứng cử không được hứa những thứ không thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của mình hoặc không thể làm được, không được dụ dỗ, cưỡng ép, mua chuộc cử tri.
“Việc vận động bầu cử qua các phương tiện thông tin đại chúng cũng phải bảo đảm sự bình đẳng, công bằng giữa những người ứng cử. Không có câu chuyện ai hơn ai trong vận động bầu cử”, ông Pha nhấn mạnh.
Sau khi vận động bầu cử và trúng cử, người dân làm thế nào giám sát được Đại biểu Quốc hội?
Ông Nguyễn Văn Pha cho hay, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân hiện không có quy định về nội dung này. Tuy nhiên, dựa trên kinh nghiệm mà Đà Nẵng áp dụng từ khi bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khuyến khích những người trúng cử nộp chương trình vận động bầu cử thông qua Mặt trận tổ quốc các địa phương để người dân theo dõi đại biểu có thực hiện đúng những gì đã trình bày khi ứng cử không.
Ông Pha cũng khẳng định: “Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân đã có các quy định trong việc vận động bầu cử không được dùng tiền bạc vật chất hay những phương tiện khác để dụ dỗ cưỡng ép mua chuộc cử tri. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể sẽ giám sát chặt chẽ việc này”.
Ông Nguyễn Văn Pha - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. ảnh: Thảo Nguyên. |
Bình đẳng giữa người được giới thiệu và tự ứng cử
Theo ông Nguyễn Văn Pha, các vòng bầu cử luôn được tiến hành dân chủ, không hề có sự phân biệt giữa người tự ứng cử và người được các cơ quan, tổ chức nhà nước giới thiệu.
Ông Pha cũng dẫn ra thí dụ đảm bảo sự công bằng: “Tại các địa phương, số người được giới thiệu ứng cử và tự ứng cử tối thiểu gấp đôi đại biểu được bầu để đến hiệp thương lần thứ 3 sẽ lựa chọn đủ số dư là 2 người. Như vậy, người tự ứng cử sẽ không bị loại vì lý do cơ cấu”.
Thực tế cho đến nay đang có rất nhiều người tự ứng cử không thuộc các cơ quan, tổ chức nhà nước. Điều đó cho thấy sự bình đẳng trong công tác bầu cử Đại biểu Quốc hội, nhưng đồng thời Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng khuyến nghị, những trường hợp tự ứng cử cần phải thực sự nghiêm túc chứ không nên thử ứng cử chỉ để xem dân chủ như thế nào.
Ông Pha nêu quan điểm: “Theo quan niệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, người tự ứng cử không được tín nhiệm ở nơi cư trú thì không thể đại diện cho cử tri cả nước, của tỉnh. Những trường hợp như vậy, Mặt trận Tổ quốc không thể đưa vào danh sách chính thức”.
Rất nhiều cử tri đặt câu hỏi: Hội nghị hiệp thương là gì, do cơ quan, tổ chức nào triệu tập và chủ trì?
Đó là hội nghị giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các tổ chức thành viên được tiến hành ở trung ương và địa phương để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần và số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giới thiệu ứng cử Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân cũng như lập danh sách sơ bộ và lựa chọn, lập danh sách chính thức những người ứng cử.
Hội nghị hiệp thương ở Trung ương do Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam triệu tập và chủ trì.
Còn ở địa phương do Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở mỗi cấp triệu tập và chủ trì.
Để đảm bảo dân chủ và lựa chọn được những người tiêu biểu ứng cử Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân, hội nghị hiệp thương sẽ tiến hành 3 lần.
Việc tổ chức hiệp thương, giới thiệu người ứng cử gồm những bước và công đoạn nào?
Ông Nguyễn Văn Pha cho hay, tổ chức hiệp thương, giới thiệu người ứng cử Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân là một giai đoạn hết sức quan trọng trong quá trình tổ chức bầu cử. Việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử được tiền hành qua 5 bước cụ thể:
Bước một, tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ nhất.
Bước hai, tổ chức giới thiệu người của cơ quan tổ chức, đơn vị, người của các đơn vị hành chính cấp dưới, của thôn, tổ dân phố để đưa vào danh sách ứng cử Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
Bước ba, tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ hai để lập danh sách sơ bộ những người ứng cử Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân.
Bước bốn, lấy ý kiến cử tri nơi cư trú, nơi công tác đối với người ứng cử Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân.
Bước năm, tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ ba để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân.