Mùa đại hội cổ đông, lo ngại SCIC can thiệp nhân sự tại doanh nghiệp

25/03/2016 07:07
Mai Anh
(GDVN) - Vẫn biết SCIC phải đảm bảo nguồn vốn nhà nước tại các doanh nghiệp phát huy tối đa hiệu quả nhưng việc can thiệp sâu hoạt động doanh nghiệp liệu có nên?

Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) được thành lập theo Quyết định số 151/2005/QĐ-TTg ngày 2062005 của Thủ tướng Chính phủ.

Với tư cách là tổ chức chuyên quản lý, đầu tư và kinh doanh vốn của Chính phủ Việt Nam, sự ra đời của SCIC nằm trong tiến trình cải cách kinh tế nói chung và cải cách doanh nghiệp nhà nước nói riêng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn của nhà nước tại doanh nghiệp. 

Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) - Ảnh Báo Đầu tư.
Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC)  - Ảnh Báo Đầu tư.

SCIC thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, thực hiện đầu tư tài chính, kinh doanh vốn theo những nguyên tắc, quy luật thị trường.

Nhiệm vụ SCIC phải cử người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, thực hiện đầu tư và kinh doanh vốn vào ngành, lĩnh vực, dự án đem lại hiệu quả kinh tế theo quy định của pháp luật.

Hiện SCIC đang tham gia quản lý ở trên 230 doanh nghiệp (trong đó có hơn 40 doanh nghiệp niêm yết), với vốn nhà nước theo giá trị sổ kế toán khoảng 17.000 tỉ đồng.

Nhiệm vụ của SCIC rất lớn, đòi hỏi SCIC phải chủ động có những quyết sách điều hành đảm bảo an toàn nguồn vốn nhà nước.

Tuy nhiên khi SCIC can thiệp quá sâu hoạt động doanh nghiệp có những quyết sách gây xung đột với cổ đông khác lại gây ra phản ứng ngược. 

Không khó lý giải thái độ nhà đầu tư thể hiện qua diễn biến thị trường khi SCIC xem xét “rút lui” ở một số lĩnh vực.

Điển hình đầu tháng 11/2015, thông tin SCIC thoái vốn ở Vinamilk cộng với việc khối ngoại sẵn sàng đầu tư mua lại cổ phần của SCIC đã khiến cổ phiếu Vinamilk tăng đến 15% sau 10 ngày và 25% sau 1 tháng.

Từ đâu thị trường có phản ứng như vậy trước động thái của SCIC? Điều đầu tiên dễ nhận thấy trong năm 2015 việc SCIC can thiệp sâu vào vấn đề nhân sự ở các doanh nghiệp có vốn nhà nước, trong đó đặc biệt là những doanh nghiệp đang ăn nên làm ra.

Có thể kể đến như trường hợp thay người đại diện vốn nhà nước tại Công ty CP Sữa Việt Nam.

Vẫn biết bà Mai Kiều Liên – nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vinamilk đã đến tuổi nghỉ hưu. Đồng thời chính vị chủ tịch Vinamilk cũng khẳng định việc bà không giữ vai trò đại diện vốn nhà nước tại Vinamilk nhằm tạo điều kiện cho đội ngũ nhân sự trẻ.

Tuy nhiên cả người trong và ngoài cuộc đều hiểu, bà Mai Kiều Liên có vị trí quan trọng như thế nào với Vinamilk, mặt khác cổ đông Vinamilk đều ủng hộ tuyệt đối bà Liên.

Do đó không lạ khi thông thường khi miễn nhiệm vụ đại diện vốn nhà nước tại Vinamilk bà Liên đương nhiên mất tư cách thành viên hội đồng quản trị. Tuy nhiên vì sự phát triển Vinamilk, trước sự ủng hộ của cổ đông bà Liên vẫn là thành viên hội đồng quản trị và đang giữ chức Tổng giám đốc Vinamilk.

Tương tự Vinamilk, trường hợp Chủ tịch Dược Hậu Giang - bà Phạm Thị Việt Nga phải “nhường ghế” cho đại diện phần vốn SCIC mới tại Dược Hậu Giang, trong khi người đại diện vốn này không có kinh nghiệm cũng như không được đào tạo trong ngành dược. 

Kết quả của sự thay đổi này là cổ phiếu Dược Hậu Giang đã tăng trưởng kém hơn nhiều so với công ty đối thủ là Traphaco.

Những can thiệp SCIC vào bộ máy nhân sự các doanh nghiệp dường như muốn nhấn mạnh vai trò người cầm vốn, vai trò vốn nhà nước hơn là yêu cầu phát triển của doanh nghiệp. 

Chắc chắn ở vị trí quản lý vốn nhà nước tại hơn 200 doanh nghiệp SCIC không thể đảm bảo am hiểu và làm tốt ở mọi lĩnh vực điều này càng đúng cho những doanh nghiệp có tính đặc thù cao.

Vì thế mong muốn nhà đầu tư SCIC cần có một chiến lược và định hướng rõ ràng hơn trong vai trò người quản lý vốn dự trữ nhà nước. Giảm những can thiệp sâu vào hoạt động doanh nghiệp.

Trong nhiều doanh nghiệp SCIC nắm cổ phần có những doanh nghiệp đang trên đà phát triển tốt những can thiệt hành chính không cần thiết sẽ vô tình kìm hạm sự phát triển của doanh nghiệp.

Mai Anh