Thanh niên đừng nghĩ mình kém cỏi

26/03/2016 07:35
Bài và ảnh Phương Thảo
(GDVN) - Trở về đất tổ (Phú Thọ), thầy và trò trường THPT Đinh Tiên Hoàng long trọng kỉ niệm 85 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và phát động phong trào tự học.

Trong buổi Lễ kỉ niệm ngày thành lập Đoàn 26/3, TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) đặt câu hỏi, vì sao mỗi thanh niên chúng ta hiện nay, khi còn ngồi trên ghế nhà trường lại phải luôn tâm niệm và thực hiện bằng được phong cách tự học, sáng tạo? 

Vì “Yêu thích sáng tạo có nghĩa là yêu cuộc sống; chỉ có thể sáng tạo khi bạn có đủ tình yêu với cuộc sống và mong muốn làm tăng thêm vẻ đẹp của nó” (Osho – nhà Hiền triết Ấn Độ (1931 – 1990)) đã nói.

Nhà giáo Nguyễn Tùng Lâm còn cho rằng, tự học sáng tạo là để phát triển phẩm chất tốt đẹp và tạo ra những năng lực cần có để mỗi người đi vào cuộc sống, trở thành những công dân tích cực, đóng góp công sức cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam. 

Thầy và trò trường Đinh Tiên Hoang trong chuyến trở về đất tổ Phú Thọ ngày 24/3.
Thầy và trò trường Đinh Tiên Hoang trong chuyến trở về đất tổ Phú Thọ ngày 24/3. 

“Học tập không phải vì tiền, vì bằng cấp hay ai ép buộc. Đã là học sinh trung học phổ thông phải tự ý thức được việc học tập để lập thân, lập nghiệp và sớm có ý chí khởi nghiệp, tự mình quyết định lấy vận mệnh của mỗi người. 

Không bao giờ được tự đặt cho mình là “kém cỏi”, là không làm được việc này? Không đạt trình độ kia? Đã là thanh niên thời đại Hồ Chí Minh phải thực hiện bằng được lời dạy của Bác Hồ với thanh niên: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Có chí ắt làm nên” nhà giáo Nguyễn Tùng Lâm nhắn nhủ tới các trò của mình.

Truyền thống của trò Đinh Tiên Hoàng là phong cách tự học sáng tạo, trong học tập hàng ngày, không chỉ cần cù, chăm chỉ, còn biết cách tự học, học không chỉ để hiểu và ghi nhớ kiến thức mà luôn có ý thức liên hệ cuộc sống, vận dụng vào cuộc sống; phải tìm ra cách học riêng có hiệu quả phù hợp mỗi người.

Nhà giáo Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, muốn tự học sáng tạo có hiệu quả, mỗi học sinh Đinh Tiên Hoàng phải luôn có ý chí và động lực học tập, có ý thức thực hiện tốt ba nội dung cơ bản mà nhà trường mong muốn, mỗi học sinh trong quá trình tự học, luôn có ý thức:

Phát triển văn hóa đọc, “Vì sách là nhà chìa khóa vạn năng mở cửa lâu đài trí tuệ tâm hồn con người; là một người thầy hiểu biết thắp sáng trong ta, nguồn tri thức vô tận, dạy chúng ta biết sống hạnh phúc”.

“Một khi bạn đọc những cuốn sách tốt thì những cánh cửa ánh sáng của thời gian đang mở thêm cho bạn” (Neil Gaiman – nhà văn người Anh chuyên viết truyện thiếu nhi). 

Do đó, phải bỏ thói quen xấu của nhiều thanh niên hiện nay chỉ lao vào các mảng xã hội để chat chit hoặc chơi game mà chưa có ý thức tìm những sách hay để tìm hiểu những tri thức mình chưa biết, để bồi bổ ý chí và tâm hồn mỗi người. 

Hãy tích cực tham gia xây dựng tủ sách tự quản ở mỗi lớp và quan trọng luôn phải làm theo sách và thực hiện tốt chương trình đọc sách hay hàng tuần.

Vận dụng kiến thức và kỹ năng, “vì công nghệ thông tin thúc đẩy một nền giáo dục mở, giúp mọi người tiếp cận nhanh chóng với nhiều loại thông tin, từ đó con người phát triển nhanh hơn về kiến thức, nâng cao nhận thức, phát triển tư duy độc lập, dẫn đến phát triển năng lực mỗi người tốt hơn” làm cho các bài học trở nên phong phú, sinh động nhờ nguốn thông tin khai thác từ internet. 

Gắn việc học với thực tế đời sống. Việc học tập là sự nỗ lực của mỗi cá nhân nhưng nên biết chia sẻ những kinh nghiệm học tập hay, biết kịp thời cùng nhau trao đổi sẽ làm cho việc học tập trở nên sinh động, thú vị, nhẹ nhàng. 

Đặc biệt cùng nhau hợp tác giải quyết những vấn đề thực tế đời sống thì việc học tập của mỗi người càng có hiệu quả cao càng có ý nghĩa.

Bài và ảnh Phương Thảo