Trong đơn gửi đến Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Hoàng Thanh Bình, Giám đốc Công ty TNHH Hợp tác và Đầu tư Bất động sản Linh Anh (Công ty Linh Anh) tố cáo ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Xây dựng Phú Hưng (Công ty Phú Hưng) địa chỉ số 10B/162 Khương Trung (Thanh Xuân - Hà Nội) có dấu hiệu lừa đảo số tiền 10 tỷ đồng.
Đồng thời, Công ty Linh Anh cũng yêu cầu làm rõ trách nhiệm của liên danh Công ty Hancom – Phú Hưng trong việc thực hiện Dự án đầu tư xây dựng công trình hỗn hợp dịch vụ công cộng và nhà ở tại lô đất có ký hiệu 5.1 NO và 5.5 NO đường Lê Văn Lương, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Phối cảnh dự án được Công ty Phú Hưng gửi cho Công ty Linh Anh. |
Theo tìm hiểu của phóng viên, Dự án đầu tư xây dựng công trình hỗn hợp dịch vụ công cộng và nhà ở trên lô đất có ký hiệu 5.1 NO và 5.5 NO được UBND thành phố Hà Nội giao cho Công ty Cổ phần Đầu tư và Khai thác kinh doanh Hà Nội (Công ty Hancom) trụ sở tại cụm 4A, phường Xuân La (quận Tây Hồ, Tp. Hà Nội) làm chủ đầu tư từ năm 2009.
Tuy nhiên, Trung tâm phát triển quỹ đất quận Cầu Giấy chưa GPMB xong nên hiện tại dự án vẫn chưa được triển khai.
Trước đó, để có giấy tờ, hồ sơ pháp lý mời Công ty Linh Anh tham gia góp vốn đầu tư thì ông Nguyễn Văn Thái đã liên hệ với Công ty Hancom để xin liên doanh đồng Chủ đầu tư Dự án đầu tư xây dựng công trình hỗn hợp dịch vụ công cộng và nhà ở trên lô đất có ký hiệu 5.1 NO và 5.5 NO đường Lê Văn Lương.
Công ty Hancom đã chấp thuận việc Công ty Phú Hưng xin đồng Chủ đầu tư dự án. Cụ thể, ngày 25/1/2015, Công ty Hancom và Công ty Phú Hưng ký Hợp đồng Hợp tác đầu tư Dự án đầu tư xây dựng công trình hỗn hợp dịch vụ công cộng và nhà ở trên lô đất có ký hiệu 5.1 NO và 5.5 NO đường Lê Văn Lương, quận Cầu Giấy số 25.1.15/HĐ-HTĐT.
Văn bản 982/UBND là bảo bối giúp Công ty Phú Hưng đi huy động vốn. |
Sau đó, ngày 09/2/2015, UBND thành phố Hà Nội ra văn bản số 982/UBND chấp thuận về nguyên tắc cho 2 Công ty.
Văn bản số 982/UBND của UBND thành phố Hà Nội trở thành "bảo bối" để Công ty Phú Hưng vẽ ra những tòa nhà đẹp lung linh tại dự án để huy động vốn của các nhà đầu tư.
"Chính vì tin tưởng Công văn 982 của Thành phố nên ngày 16/5/2015 Công ty Linh Anh đã ký Hợp đồng nguyên tắc về việc góp vốn đầu tư xây dựng, khai thác kinh doanh công trình hỗn hợp dịch vụ công cộng và nhà ở tại khu nhà A/21 tầng trên lô đất ký hiệu 5.1 NO và 5.5 NO số 27/2015/HĐ – NT với Công ty Phú Hưng.
Để thực hiện việc góp vốn đầu tư theo đúng Hợp đồng nguyên tắc hai bên đã ký kết, Công ty Linh Anh đã chuyển tiền số tiền 10 tỷ đồngđồng vào tài khoản mang tên Công ty Phú Hưng", bà Bình cho biết.
Phiếu chuyển tiền của Công ty Linh Anh cho Công ty Phú Hưng. |
Tuy nhiên, sau khi thực hiện việc chuyển vốn góp đầu tư dự án theo đúng Hợp đồng nguyên tắc số 27/2015/HĐ – NT giữa Công ty Linh Anh và Công ty Phú Hưng mà Công ty Linh Anh không nhận được Giấy chứng nhận đứng tên đồng chủ đầu tư dự án giữa Công ty Hancom và Công ty Phú Hưng theo đúng như cam kết từ phía Công ty Phú Hưng.
Vì thế, nhiều lần Công ty Linh Anh đã gửi văn bản yêu cầu Công ty Phú Hưng giải trình.
Đến ngày 28/9/2015, Công ty Phú Hưng có văn bản thông báo cho Công ty Linh Anh về tiến độ thực hiện dự án góp vốn đầu tư xây dựng, khai thác kinh doanh công trình hỗn hợp dịch vụ công cộng và nhà ở tại khu nhà A/21 tầng trên lô đất ký hiệu 5.1 NO và 5.5 NO.
Mặc dù đã bị Hancom thanh lý hợp đồng. Tuy nhiên, Công ty Phú Hưng vẫn thông báo kế hoạch cho Công ty Linh Anh. |
Thông báo này ghi rõ hạn cuối cùng đến ngày 28/10/2015 sẽ được cấp Giấy chấp thuận đồng chủ đầu tư của thành phố Hà Nội.
Tuy nhiên, đến lúc này thì Công ty Phú Hưng không còn là đồng Chủ đầu tư dự án. Bởi vì, trước đó, ngày 29/6, Công ty Hancom đã ký biên bản chấm dứt hợp đồng hợp tác đầu tư Dự án nhà ở hỗn hợp dịch vụ công cộng và nhà ở tại lô đất có ký hiệu 5.1 NO và 5.5 NO.
Lý do dừng hợp tác với Công ty Phú Hưng được ông Dương Ngọc Nhâm, Giám đốc Công ty Hancom đưa ra là Công ty Phú Hưng không chứng minh được tài chính của mình nên thanh lý Hợp đồng hợp tác đầu tư.
"Để Công ty Hancom chấp thuận hợp tác liên doanh thì ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Công ty Phú Hưng đã dùng tờ Séc 500 triệu USD làm tín. Tuy nhiên, sau 6 tháng không chứng minh được tài chính nên chúng tôi đã thanh lý Hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty Phú Hưng", ông Nhâm cho biết.
Một điều chú ý là kể từ khi ký hợp đồng hợp tác đầu tư đến khi thanh lý Hợp đồng, Công ty Phú Hưng chưa hề chuyển một khoản tiền nào cho Công ty Hancom.
Vì sao Công ty Phú Hưng không có năng lực tài chính mà công ty Hancom vẫn chấp nhận ký kết liên doanh đồng chủ đồng tư dự án trên? Câu hỏi này được ông Nhâm giải thích là do tin tưởng vào một người quen và tờ séc 500 triệu đô mà ông Thái giới thiệu.
"Liệu rằng Công ty Hancom có biết việc làm của Công ty Phú Hưng để dùng giấy tờ mà 2 bên ký kết để đi huy động vốn của cổ đông? Công ty Hancom có vô can trong sự việc này?", bà Bình thắc mắc.
Sau khi phát hiện sự việc trên, Công ty Linh Anh yêu cầu ông Thái trả lại tiền. Câu chuyện bắt đầu vỡ lẽ khi ông Thái giải trình số tiền 10 tỷ đồng đã sử dụng vào việc "hối lộ" cho một số người.
Để giải trình, ông Thái đã "trưng" ra cả một bản danh sách các "sếp" mà ông này cho là đã nhận tiền trong số 10 tỷ đồng đã huy động của Công ty Linh Anh (do tính chất nhạy cảm của danh sách này nên chúng tôi - PV đang xác minh và chưa tiện công bố).
Như vậy, phía sau sự hợp tác của Công ty Hancom và Công ty Phú Hưng là hậu quả của những nhà đầu tư như Công ty Linh Anh có nguy cơ bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản?
Để làm rõ vấn đề, phóng viên đã nhiều lần liên lạc với Công ty Phú Hưng nhưng đều thất bại. Bởi, hai địa chỉ đăng ký của công ty đều không hoạt động, liên lạc số máy cầm tay của ông Thái thì không nhận được hồi âm.
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục thông tin.