Mỹ chắc chắn sẽ triển khai THAAD ở Hàn Quốc
Hãng Yonhap Hàn Quốc ngày 23/3 cho hay, tại phiên điều trần ngân sách quốc phòng của ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ ngày 22/3, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter cho biết, đã đạt được thỏa thuận nguyên tắc với Hàn Quốc về việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD tại Hàn Quốc.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter |
Mặc dù vậy, ngày 22/3 Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Rose Gottemoeller cho hay, quyết định vẫn chưa được thông qua bởi Mỹ đang trao đổi với Trung Quốc để họ giảm hoài nghi về vấn đề này.
Kim Xán Vinh, Giáo sư Học viện Quan hệ quốc tế, Đại học Nhân dân Trung Quốc cho rằng, Mỹ triển khai THAAD ở Hàn Quốc là một mục tiêu đã xác định. Mục tiêu này sẽ không thay đổi, nhưng trong quá trình này gặp một số trở ngại và cần thời gian để giải quyết.
Ba Điện Quân, Trưởng Phòng nghiên cứu Quan hệ quốc tế, Viện nghiên cứu Đông Bắc Á, Đại học Cát Lâm, Trung Quốc cũng cho rằng, Mỹ và Hàn Quốc sẽ không bỏ qua cơ hội CHDCND Triều Tiên thử nghiệm hạt nhân lần này để hoàn thành triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD.
Bất kể Mỹ hay Hàn Quốc, việc triển khai THAAD ở bán đảo Triều Tiên đều sẽ là xu thế lớn. Mỹ-Hàn đều gây sức ép với Trung Quốc trong vấn đề này. Vấn đề này không phải là kết quả thử hạt nhân lần này của CHDCND Triều Tiên, mà là một phần trong chiến lược tổng thể lâu dài của Mỹ.
Một loạt động thái trước đó của Mỹ là để cho chiến lược châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ tiến hành kết nối, xây dựng “NATO châu Á”, tiến hành bao vây đối với Trung Quốc và Nga.
Hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD Mỹ |
Bản thân Hàn Quốc cũng là nước tích cực ủng hộ đối với việc triển khai THAAD, giúp cho Mỹ can thiệp sâu hơn vào các vấn đề của bán đảo Triều Tiên, đồng thời tránh để lợi ích của Hàn Quốc bị bỏ qua trong cuộc đối đầu Trung-Mỹ.
Hệ thống phòng thủ tên lửa này là chính sách đã định của Mỹ, do đó thái độ hiện nay của Mỹ hay Hàn Quốc đều không thể coi là thái độ cuối cùng. Việc triển khai THAAD rất có thể trở thành sự thực.
Trung Quốc phản đối
Tờ Tin tức Bình luận Trung Quốc của Hồng Kông ngày 21/3 cho rằng, triển khai THAAD ở Hàn Quốc chủ yếu là nhằm vào Trung Quốc, chứ không phải CHDCND Triều Tiên.
Còn theo trang tin Sputnik Nga ngày 23/3, vấn đề triển khai này hầu như đã trở thành một trong những trở ngại lớn nhất cản trở phát triển quan hệ Trung-Mỹ.
Trung Quốc đã có phản ứng khá gay gắt. Ngày 11/3, khi hội đàm với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho biết, Trung Quốc “kiên quyết phản đối Mỹ lấy vấn đề bán đảo Triều Tiên làm cớ để triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD ở Hàn Quốc”, vì nó sẽ “trực tiếp gây thiệt hại cho lợi ích chiến lược của Trung Quốc và Nga”.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị thăm Nga từ ngày 10 - 11/3/2016. Trung Quốc muốn tăng cường hợp tác chiến lược với Nga. Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, ông sẽ thăm Trung Quốc vào mùa hè năm nay. Tổng thống Nga cho hay: "Quan hệ đối tác chiến lược Trung-Nga đang phát triển nhanh". |
Theo Kim Xán Vinh, trong việc triển khai THAAD, Mỹ phải tính đến sự phản đối của Trung Quốc và Nga. Mỹ sẽ tận dụng thời gian để mặc cả, từ đó thu lợi. Ngoài ra, Mỹ còn gặp khó khăn vì sự “do dự” của Hàn Quốc, đồng thời cũng cần phải giải quyết những vấn đề như chỉ tiêu kỹ thuật, địa điểm triển khai và kinh phí.
Việc Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ cho biết Mỹ đang thảo luận vấn đề triển khai THAAD với Trung Quốc đã thu hút sự chú ý và phản ứng từ dư luận Trung Quốc.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng, THAAD hoàn toàn không phải là một vấn đề kỹ thuật đơn giản. Trung Quốc muốn Mỹ và Hàn Quốc phải tính tới lợi ích an ninh của Trung Quốc và thận trọng xử lý vấn đề này, không gây thiệt hại cho lợi ích an ninh chiến lược của Trung Quốc.
Konstantin Sivkov, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu các vấn đề địa-chính trị Nga cho rằng, nếu thảo luận với Mỹ về vấn đề này, Trung Quốc có thể đưa ra những quan điểm cực đoan nhất và áp dụng mọi biện pháp để phản đối mạnh mẽ. Chẳng hạn, Trung Quốc sẽ bán tháo đồng USD từ dự trữ của họ để đồng USD sụt giá.
Mỹ và Hàn Quốc muốn triển khai THAAD để đối phó với vũ khí hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên. Trong hình là tên lửa KN08 tại Lễ duyệt binh của CHDCND Triều Tiên năm 2012 |
Cách đây không lâu, Đại tứ Nga tại Trung Quốc Andrei Denisov cho rằng: “Hệ thống THAAD là một phần của hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu của Mỹ. Nó chỉ có thể được coi là mối đe dọa nhất định đối với Trung Quốc và Nga. Nga sẽ cùng với Trung Quốc làm việc… để lợi ích của các bên đồng thời được giải quyết”.
Báo Trung Quốc dọa nạt
Tờ Tin tức Bình luận Trung Quốc của Hồng Kông đe dọa, một khi Trung-Mỹ xảy ra xung đột, mục tiêu tấn công đầu tiên của tên lửa Trung Quốc chính là hệ thống THAAD triển khai ở Hàn Quốc.
Ngoài ra, đối đầu giữa Trung-Mỹ ở Tây Thái Bình Dương sẽ từ chuỗi đảo thứ nhất mở rộng tới bán đảo Triều Tiên, mức độ nguy hiểm của bán đảo này thậm chí lớn hơn nhiều so với biển Hoa Đông và đảo Senkaku.
Tên lửa KN08 tại Lễ duyệt binh của CHDCND Triều Tiên năm 2015 |
Đối với Hàn Quốc, mối nguy hiểm này có tính hệ thống, một khi quan hệ Trung-Mỹ không thể điều hòa, khu vực nổ ra xung đột trước tiên sẽ là bán đảo Triều Tiên.
Đối với Trung Quốc, nếu triển khai THAAD sẽ ảnh hưởng đến an ninh chiến lược của Trung Quốc, đồng thời, trên các phương diện khác, khi mức độ đe dọa của an ninh chiến lược cao hơn xung đột bán đảo, bán đảo này có nổ ra xung đột, bất ổn hay không sẽ không còn là vấn đề quan tâm nhất của Trung Quốc.
Nếu đã như vậy thì khu vực này sẽ trở thành nơi Trung Quốc “đề phòng rủi ro chiến lược”, biến Hàn Quốc trở thành tuyến đầu cho việc đề phòng này – sina đe dọa.
Bài viết cho rằng, khi mới lên làm Tổng thống Hàn Quốc, bà Park Geun-hye đã tập trung cho phát triển quan hệ với Trung Quốc, tránh để Hàn Quốc trở thành tiêu điểm của đối đầu Trung-Mỹ.
Nhưng, do thách thức từ trong nước và do CHDCND Triều Tiên không ngừng khiêu khích, bất chấp thái độ của Trung Quốc, bà Park Geun-hye đã không còn tin vào Trung Quốc nữa và cũng không muốn rời bỏ quyền lực, bà đã tìm đến sự giúp đỡ của Mỹ.