Hình sự hóa hành vi vi phạm: Giải pháp đột phá
Thông tin sử dụng chất cấm trong chăn nuôi liên tục bủa vây thời gian gần đây đã khiến dư luận vô cùng hoang mang, đặc biệt là khi giá thực phẩm thịt gà, lợn ngày càng tăng và biện pháp chế tài chưa đủ mạnh.
Cụ thể, từ giữa tháng 3/2016, Chi cục Thú y Đồng Nai tiếp tục mở đợt kiểm tra việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi tại 40 trang trại trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu.
Kết quả kiểm tra nhanh nước tiểu heo đã phát hiện 4 mẫu dương tính với các chất cấm (chiếm 10%). Đoàn kiểm tra đã lập biên bản, tạm ngưng di chuyển ra khỏi trại với các đàn heo nói trên và đưa mẫu đi phân tích định lượng.
Công an kiểm tra một cơ sở tại quận Bình Tân (TP.HCM) buôn bán chất cấm trong chăn nuôi. Ảnh: Ngọc Ánh/ NLD |
Trước đó, trong năm 2015, đoàn cũng phát hiện 47 trong 417 mẫu kiểm tra dương tính với chất cấm (chiếm 12.7%) nhưng cũng chỉ tiến hành phạt hành chính 7,5 triệu đồng với hộ chăn nuôi, 15 triệu đồng với trang trại, không tiêu hủy đàn heo.
Như vậy, để giải quyết triệt để tình trạng nuôi heo bằng chất cấm, cần phải có những điều chỉnh về mặt pháp luật.
Tháng 11/2015, các bộ ngành đã trình lên Quốc hội nhằm thông qua những điểm sửa đổi về chất cấm trong chăn nuôi trong Bộ luật Hình sự.
Theo đó, từ ngày 1/7/2016, những tội phạm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi có thể lãnh mức án 20 năm tù, bị phạt tiền tới 1 tỷ đồng và bị cấm sản xuất, kinh doanh thay vì chỉ bị xử phạt hành chính như trước đây.
Luật sửa đổi được đánh giá là giải pháp đột phá, thể hiện rõ quyết tâm cao độ và cam kết của Bộ NN&PTNT cùng các bộ ngành liên quan trong việc đẩy lùi vấn nạn chất cấm đã tồn tại suốt 10 năm nay. Đồng thời còn là căn cứ pháp lý để cơ quan chức năng có thể xử lý hình sự đối với các đối tượng vi phạm.
Thêm vào đó, từ ngày 25/2, theo quy định tại thông tư 01 (sửa đổi thông tư 57), cơ quan chức năng có thể tiêu hủy đàn heo ở cơ sở giết mổ gia súc nếu phát hiện dư lượng chất cấm, trang trại chăn nuôi cũng sẽ bị tiêu hủy cả đàn heo nếu tái phạm.
Nhập thừa hàng tấn kháng sinh y tế tuồn sang chăn nuôi? (GDVN) - Theo Bộ NN&PTNT, việc sử dụng Salbutamol trong y tế rất ít nhưng lại cho nhập đến 6,8 tấn và có thể xảy ra việc tuồn Salbutamol từ ngành y tế sang chăn nuôi. |
Phát biểu tại tọa đàm “Chất cấm trong chăn nuôi - Thực trạng và giải pháp” do báo Tuổi Trẻ tổ chức tuần qua, ông Nguyễn Văn Việt - Chánh thanh tra Bộ NN&PTNT cho biết: Với những biện pháp quyết liệt nêu trên, tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi sẽ được giải quyết dứt điểm trong năm 2016.
Trước đó, ngày 3/3/2016, Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến tổng kết đợt cao điểm vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cũng nhấn mạnh: “Năm 2016 xử lý triệt để chất cấm, tăng cường kiểm tra tình trạng lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên rau quả”.
Cần sự phối hợp chặt chẽ với các Bộ Ngành
Trong đợt hành động cao điểm (từ tháng 10/2015 - 2/2016), Bộ NN&PTNT cùng các Bộ ngành liên quan phối hợp cơ quan chức năng đã thanh tra 32 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi ở 11 tỉnh thành trên cả nước, phát hiện xử phạt nhiều trường hợp sử dụng các loại chất cấm như: Salbutamol, Vàng O trộn vào thức ăn chăn nuôi với số lượng lên tới hàng trăm nghìn tấn, thu nộp ngân sách khoảng 1 tỉ 300 triệu đồng.
Cũng trong hội thảo này, ông Trần Trọng Bình - Cục phó Cục cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49- Bộ Công An) cho biết nhờ sự phối hợp giữa Bộ NN&PTNT với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) đã kiểm tra hàng loạt cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi, phát hiện 18 công ty vi phạm, xử phạt 2,6 tỷ đồng.
“Để giải quyết, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, và các bộ chuyên ngành như Bộ Nông nghiệp, Bộ Y tế đang tham mưu và đã ban hành một số văn bản pháp luật theo phân công. Gần đây nhất là Luật Dược Bộ Y tế đang tham mưu để xây dựng, Bộ Y tế đã nhanh chóng đưa các điều khoản để quản lý các chất cấm mà các bộ khác đã ban hành cấm vào luật Dược”, ông Bình nhấn mạnh.
Ngay sau khi nhận thông tin liên quan đến việc hàng loạt mẫu thịt có chất cấm Salbutamol (chất độc bảng B), Clenbuterol độc hại, Cục An toàn thực phẩm đã phối hợp với Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cùng vào cuộc.
TS. Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm trao đổi với báo chí (ảnh H.Lực/giaoduc.net.vn) |
Theo TS. Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế, trong y tế, thuốc Salbutamol được kê đơn, sử dụng theo chỉ định của thầy thuốc, còn với chất Clenbuterol (loại chất kích thích tuyến thượng thận, điều tiết sinh trưởng động vật, thúc đẩy quá trình phát triển cơ bắp và tác dụng phân giải lipid), những năm gần đây ngành y tế không cho phép nhập bất cứ lượng nào, nhưng vẫn phát hiện chất này tồn dư trong sản phẩm thực phẩm.
Vì thế, “phải xem xét nguy cơ nhập lậu các thức ăn chăn nuôi”, TS Phong nói.
Cũng theo Cục An toàn thực phẩm, Salbutamol là một trong những loại thuốc thiết yếu nằm trong danh mục những thuốc quan trọng nhất cần cho hệ thống y tế. Việc cho phép nhập sử dụng trong y tế là đương nhiên, nhập trên nhu cầu sử dụng.
Tuy nhiên việc sử dụng thuốc thành phẩm và nguyên liệu chứa Salbutamol (thuốc độc bảng B) được quy định rất chặt chẽ tại các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực dược nên không thể có chuyện thuốc được tuồn ra bên ngoài.
Do đó nguồn Salbutamol đang được người chăn nuôi lạm dụng trộn vào thức ăn để kích thích tăng trưởng, làm tạo nạc có thể từ các con đường nhập lậu.
Hiện Bộ Y tế đã tiến hành sửa đổi, bổ sung những quy định có liên quan đến mức tồn dư tối thiểu các loại kháng sinh để Bộ NN&PTNT cũng như địa phương dễ dàng có cơ sở để giám sát và xử lý vi phạm…
Bộ Y tế kịp thời chỉ đạo tạm ngừng nhập khẩu nguyên liệu Salbutamol, chủ động và phối hợp chặt chẽ với C49 để thanh tra toàn bộ 20 công ty dược nhập, niêm phong số lượng salbutamol còn lại.
Bộ còn đề xuất bổ sung các nguyên liệu, các thuốc bị cấm sử dụng trong các lĩnh vực khác (ví dụ như nguyên liệu salbutamol trong ngành nông nghiệp) vào danh mục “thuốc phải kiểm soát đặc biệt” của Luật dược sửa đổi.
Trong thông cáo báo chí của Bộ ngày 24/3 ghi rõ: “Bộ Y tế đã xử lý sai phạm với chế tài cao nhất theo quy định của pháp luật: Ban hành quyết định đình chỉ hoạt động kinh doanh thuốc, tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc, ngừng xem xét, tiếp nhận hồ sơ xuất nhập khẩu thuốc; đề nghị Sở Y tế địa phương thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc của các đơn vị vi phạm”.
“Bên cạnh tuyên truyền, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường điều tra xử lý, cần có quyết tâm chính trị cao của cả hệ thống và có sự vào cuộc của các hệ thống chính trị cơ sở, ngoài ra các nhà khoa học cũng nên nghiên cứu ra chất có thể giúp lợn tăng trưởng tốt mà không phạm chất cấm", ông Bình đề xuất.
Nói rõ về việc kế hoạch giải quyết dứt điểm chất cấm trong năm 2016 của Bộ NN&PTNT, ông Việt nhấn mạnh: “Toàn bộ hệ thống phải vào cuộc từ trung ương đến địa phương. Thời gian qua, giải quyết chưa triệt để vì chỉ có 20 địa phương là vào cuộc quyết liệt, còn lại khá lúng túng. Khi 63 tỉnh thành đều vào cuộc, phối hợp ngang – trung ương và địa phương, phối hợp dọc – Bộ NN&PTNN, Bộ công an và Bộ y tế thì khẳng định sẽ dứt điểm tình trạng chăn nuôi heo bằng chất cấm trong năm 2016”.