Hà Nội yêu cầu các trường lập danh sách học sinh yếu kém

30/03/2016 06:46
Thùy Linh
(GDVN) - Sáng 29/3, Sở GD&ĐT tổ chức Hội nghị triển khai công tác thi THPT quốc gia năm 2016 tại trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam.

Ông Nguyễn Hữu Độ - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội đánh giá cao kỳ thi THPT quốc gia, ông nhấn mạnh, năm 2016, các trường THPT, Phòng GD&ĐT cần nắm chắc quy chế thi của Bộ GD&ĐT với nhiều điểm đổi mới. Thí sinh tỉnh nào sẽ thi ở tỉnh đó.

Mỗi điểm thi phải bố trí một điện thoại có loa ngoài để mọi người cùng nghe; không sử dụng thiết bị ghi hình, điện tử trong khu vực thi. Mỗi cán bộ giám sát không được quản lý quá 7 phòng thi.

Trong khi ôn tập, thầy cô cần lưu ý nhắc nhở học sinh để tránh điểm liệt. Với môn Toán, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT cũ, học sinh hoàn thiện bài khảo sát đồ thị hàm số được 2 điểm (vượt qua mức điểm liệt), nhưng với kỳ thi THPT quốc gia, hoàn thiện bài tập này chỉ đạt 1 điểm", Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội nói.

Ông Độ cũng cho biết, theo quy chế thi THPT quốc gia, thí sinh đạt 1 điểm ở mỗi bài thi trở xuống sẽ không đủ điều kiện xét tốt nghiệp THPT. Ngoài ra, với một bài thi vi phạm quy chế, thí sinh sẽ bị đình chỉ toàn bộ kỳ thi.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội nói thêm, những năm trước, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của thành phố tương đối cao nhưng số học sinh bị điểm thấp vẫn nhiều.

Hà Nội triển khai công tác thi THPT quốc gia 2016 (Ảnh: vtv.vn)
Hà Nội triển khai công tác thi THPT quốc gia 2016 (Ảnh: vtv.vn)

Sở GD&ĐT Hà Nội đề nghị các trường phải tập hợp danh sách học sinh yếu kém của từng bộ môn, học sinh chưa ngoan, gửi về cho Sở.

Đồng thời, trường phải vận động giáo viên đỡ đầu để học sinh nâng cao nhận thức, cũng như đạo đức. Ngành giáo dục thủ đô sẽ tôn vinh những giáo viên đạt kết quả tốt trong lĩnh vực này. 

Để có cơ sở đánh giá, rút kinh nghiệm trong việc giảng dạy, ôn tập cho thí sinh dự thi THPT quốc gia sắp tới, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ tổ chức thi thử với 3 môn thi bắt buộc: Văn, Toán, Ngoại ngữ.

Đề thi do Sở GD&ĐT xây dựng dựa trên cấu trúc đề thi THPT quốc gia 2016 và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. 

Các trường và cụm trường sẽ phụ trách in sao đề thi, đảm bảo yêu cầu bảo mật. Bài thi sẽ dọc phách, chấm chéo nhưng không lấy kết quả thi để đánh giá vào điểm số năm học của thí sinh.

Đây là một trong những căn cứ để các nhà trường, các cấp quản lý ngành kịp thời điều chỉnh trong quản lý chỉ đạo và dạy học, đồng thời là cơ hội để học sinh tập dượt với kỳ thi. 

Kỳ thi được dự kiến triển khai trong ba ngày: 20, 21, 22/4/2016. 

Năm nay, Hà Nội sẽ có 5 cụm thi đại học, do 5 trường đại học chủ trì được phân thành khu vực như sau:

Cụm thi số 1: Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chủ trì, gồm các quận, huyện: quận Hoàn Kiếm, quận Hai Bà Trưng, quận Hoàng Mai, quận Long Biên, huyện Gia Lâm, huyện Thường Tín và huyện Phú Xuyên;

Cụm thi số 2: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chủ trì, gồm các quận, huyện: quận Ba Đình, quận Cầu Giấy, quận Nam Từ Liêm, Thị xã Sơn Tây và huyện Ba Vì;

Cụm thi số 3: Trường Đại học Thủy lợi chủ trì, gồm các quận, huyện: quận Đống Đa, quận Thanh Xuân, quận Hà Đông, huyện Thanh Trì, huyện Quốc Oai và huyện Thanh Oai;

Cụm thi số 4: Học viện kĩ thuật quân sự chủ trì, gồm các quận, huyện: quận Tây Hồ, quận Bắc Từ Liêm, huyện Đông Anh, huyện Sóc Sơn, huyện Phúc Thọ, huyện Thạch Thất, huyện Đan Phượng, huyện Hoài Đức và huyện Mê Linh;

Cụm thi số 5: Trường Đại học Lâm nghiệp chủ trì, gồm các huyện: Chương Mỹ, Mỹ Đức và huyện Ứng Hòa.
 
Và một cụm thi do Sở GD&ĐT chủ trì dành cho những thí sinh dự thi để xét tốt nghiệp THPT.

Thùy Linh