Phòng Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố chỉ số cạnh tranh PCI năm 2015, trong đó có khảo sát, nghiên cứu đánh giá của doanh nghiệp về môi trường kinh doanh của Việt Nam.
Qua nghiên cứu của VCCI, tỉ lệ doanh nghiệp cho biết chi trả chi phí không chính thức tăng qua các năm, từ 50% (2013), lên tới 64,5% (2014) và 66% (2015).
Hơn 11% doanh nghiệp tham gia điều tra năm nay cho biết, các khoản chi cho riêng mục này chiếm tới hơn 10% tổng doanh thu của họ. Vẫn có 65% doanh nghiệp cho biết tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp là phổ biến.
Bên cạnh đó, khảo sát PCI 2015 cho thấy 39% doanh nghiệp vẫn cho biết “tỉnh ưu ái cho các tổng công ty, tập đoàn của Nhà nước gây khó khăn cho doanh nghiệp”.
Đồng thời, gần 49% doanh nghiệp cho rằng “tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài hơn là phát triển khu vực tư nhân trong nước”.
Bên cạnh tư tưởng trọng doanh nghiệp lớn, theo PGS.TS Ngô Trí Long việc địa phương ưu tiên doanh nghiệp lớn nhiều hơn vì những doanh nghiệp này chịu khó bôi trơn - ảnh minh họa/ nguồn Tuổi trẻ |
Theo nghiên cứu VCCI, dưới góc nhìn doanh nghiệp nhỏ và vừa thì họ đang phải chịu gánh nặng tiếp đoàn thanh, kiểm tra. Trung bình một năm, một doanh nghiệp phải tiếp từ 1-3 đoàn kiểm tra, doanh nghiệp càng lớn càng bị kiểm tra nhiều.
Ngoài ra doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa phát triển mạnh mẽ bởi còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn lực như đất đai, vốn, khó khăn trong nắm bắt thông tin chính sách và pháp luật, chịu gánh nặng về chi phí không chính thức, chưa được hưởng các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh chất lượng cao với chi phí phù hợp.
Trước kết quả nghiên cứu của VCCI, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, chuyên gia kinh tế - PGS.TS Ngô Trí Long cho biết: Trong hai năm 2014 và 2015, Chính phủ đã ra hai Nghị quyết 19 về cải thiệt môi trường đầu tư và kinh doanh.
Sau khi đi vào thực hiện các cơ quan chức năng báo cáo đều rất hay nhưng thực tế nghiên cứu VCCI chỉ ra không phải như vậy.
Từ báo cáo của VCCI, PGS.TS Ngô Trí Long nêu ra 3 vấn đề: Thứ nhất những tồn tại VCCI nêu ra đang là rào cản lớn nhất trong cạnh tranh của doanh nghiệp nhất là khi hội nhập.
Tiếp 1-3 đoàn thanh kiểm tra mỗi năm, doanh nghiệp "gánh nặng"(GDVN) - VCCI cho biết, doanh nghiệp vừa và nhỏ phải tiếp đón 1-2 đoàn thanh, kiểm tra/năm. Doanh nghiệp quy mô càng lớn, gánh nặng về thanh kiểm tra càng cao. |
“Khi vẫn có 65% doanh nghiệp cho biết tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục thể hiện lời nói cơ quan quản lý không đi đôi với hành động. Vấn đề phải có giải pháp gì chứ không chỉ nghe báo cáo, phải truy đến cùng đã có điều tra cụ thể rồi phải làm rõ”, PGS.TS Ngô Trí Long nêu quan điểm.
Báo cáo của VCCI cũng cho thấy một sự chuyển biến chưa thực sự tại cơ quan hành chính công quyền vẫn còn hiện nhũng nhiễu doanh nghiệp, gây khó cho doanh nghiệp.
Trong khi doanh nghiệp là tế bào của nền kinh tế, doanh nghiệp bị ảnh hưởng thì nền kinh tế bị ảnh hưởng.
Thứ hai, báo cáo của VCCI sẽ gây khó cho việc thu hút doanh nghiệp nước ngoài. Với doanh nghiệp trong nước hiểu từng bước thủ tục đã khó với doanh nghiệp nước ngoài chân ướt, chân ráo đến Việt Nam khi gặp hiện tượng nhũng nhiễu sẽ giảm hưng phấn đầu tư đồng thời có cách nhìn khác với môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam
Thứ ba, hiện tượng nhũng nhiễu làm chi phí của doanh nghiệp tăng lên, dễ nảy sinh tiêu cực.
Trong khi đó qua khảo sát của VCCI, doanh nghiệp cho rằng ở nhiều địa phương vẫn ưu tiên doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp lớn hơn các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đánh giá hiện tượng này, PGS.TS Ngô Trí Long cho biết: Vấn đề ở đây thứ nhất là tư tưởng trọng lớn khinh bé, trọng doanh nghiệp nhà nước hơn doanh nghiệp tư nhân.
“Tuy nhiên bên cạnh đó doanh nghiệp lớn tiềm lực kinh tế mạnh, vốn mạnh, “bôi trơn” tăng lên mà bôi trơn thì mới trơn, doanh nghiệp lớn bôi trơn nhiều được ưu tiên”, PGS.TS Ngô Trí Long thẳng thắn cho biết.
So sánh áp lực phải tiếp đoàn thanh tra, kiểm tra của doanh nghiệp Việt Nam TS.Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính cho biết: “Đây chính là vấn đề gây khó cho doanh nghiệp bởi thông thường khi tiếp đoàn thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp phải tốn thời gian chuẩn bị tài liệu, mất thêm chi phí và dễ nảy sinh tiêu cực”.
TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết, tại các nước như Mỹ, vấn đề thanh kiểm tra như thuế, an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm chỉ được tiến hành khi cơ quan chức năng nhận được thông tin doanh nghiệp vi phạm hoặc cơ quan chức năng phát hiện vi phạm.
Việc thanh kiểm tra diễn ra nhanh chóng không phiền hà doanh nghiệp ảnh hưởng doanh nghiệp.
Đặc biệt không có việc thanh kiểm tra thường kỳ, thường niên hay nội dung thanh kiểm tra trùng nhau như Việt Nam.
Theo TS. Hiếu, cách quản lý doanh nghiệp cũng cần thay đổi không nên để vấn đề thanh kiểm tra, giám sát trở thành gánh nặng, áp lực cho doanh nghiệp.