Đa Chiều ngày 4/2 cho hay, cùng ngày tờ Sankei Shimbun Nhật Bản bình luận, chính quyền Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un hoàn toàn không phải "vững như bàn thạch" như tuyên bố của Bình Nhưỡng, Bắc Kinh có thể "lật thuyền" bất cứ lúc nào.
Tờ báo này cho rằng, Trung Quốc đã có ý hy vọng thay đổi bộ máy cầm quyền ở Triều Tiên từ lâu. Họ tin tưởng điều này không phải không có khả năng mà vấn đề nằm ở chỗ thực hiện.
Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un, ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên mục tiêu của Bắc Kinh vẫn là bảo vệ sự tồn tại của CHDCND Triều Tiên. Để làm được điều này, Bắc Kinh đã xây dựng một phái thân Trung Quốc trong chính quyền Triều Tiên.
Trong khi về mặt quân sự, Trung Quốc có thể điều động lực lượng đặc nhiệm, đặc chủng của mình để ngăn Mỹ - Hàn can thiệp quân sự. Trung Quốc có ưu thế tuyệt đối về địa lý nên chiến lược và hành động của họ rất rõ ràng.
Một khi trạng thái đình chiến trên bán đảo Triều Tiên bị phá vỡ, quân đội Nhật Bản cũng có thể tham gia hành động quân sự ở Triều Tiên cùng với lực lượng quân sự Mỹ đồn trú ở các căn cứ khác trong khu vực. Đây là kịch bản Bắc Kinh tránh không để xảy ra.
Nhưng nếu Triều Tiên xảy ra "nội chiến", Mỹ sẽ kiềm chế trong hành động quân sự của mình với ưu tiên giữ nguyên hiện trạng bán đảo bởi lẽ Mỹ đang còn bận rộn ở quá nhiều điếm nóng khắp Trung Đông, châu Âu mà không thể can thiệp, kế hoạch "lật thuyền" mới có thể xảy ra.
Bất chấp những đồn đại và bình luận tương tự như thế này, hôm qua Triều Tiên tiếp tục phóng đi một tên lửa họ tuyên bố là tên lửa phòng không, trong lúc Mỹ - Nhật - Hàn đang nhóm họp tìm cách đối phó, hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Trung cũng tìm cách ổn định tình hình bán đảo Triều Tiên.
Triều Tiên dường như đã "miễn nhiễm" với các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc, bao gồm Trung Quốc. Vấn đề còn lại là khả năng "miễn nhiễm" của CHDCND Triều Tiên sẽ kéo dài được bao lâu trong thế giằng co giữa các cường quốc khác.