The Straits Times ngày 3/4 đưa tin, một hội thảo về Phát triển châu Á do trường S. Rajaratnam Endowment tổ chức tại Singapore quy tụ với lãnh đạo hơn 250 doanh nghiệp, các chính trị gia và các nhà nghiên cứu.
Tại diễn đàn này các đại biểu từ Trung Quốc đã chỉ trích Hoa Kỳ phản ứng thái quá, làm tăng căng thẳng trên Biển Đông. Đại diện từ Mỹ nói yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông đầy tham vọng, mơ hồ và trong một số trường hợp có vấn đề về pháp luật.
Ông Lý Triệu Tinh, ảnh: SCMP. |
Cuộc tranh luận trực tiếp diễn ra giữa cựu Ngoại trưởng Trung Quốc Lý Triệu Tinh và Tiến sĩ Jeffrey Bader, một cựu cố vấn của Tổng thống Mỹ Barack Obama về các vấn đề châu Á. Tuy nhiên dù có tranh cãi, hai ông vẫn thống nhất nhận định, khó có khả năng xảy ra chiến tranh giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ trên Biển Đông.
Các chuyên gia khác tham gia thảo luận về mô hình mới trong quan hệ giữa hai siêu cường và tác động ảnh hưởng của nó với châu Á. Họ thúc giục một cách tiếp cận thực tế hơn từ các nước ASEAN và các quốc gia khác trong khu vực để giảm căng thẳng và xây dựng lòng tin.
Trong bài phát biểu của mình, ông Lý Triệu Tinh lập luận rằng: "Những nỗ lực xây dựng, bồi lấp đảo nhân tạo ở Biển Đông là trong phạm vi chủ quyền lãnh thổ của chúng tôi. Tuy nhiên Mỹ đã quá nhạy cảm và đã hành động thái quá, ép các nước khác gây áp lực với Trung Quốc, do đó làm tăng căng thẳng trên Biển Đông."
"Trung Quốc đã bị cáo buộc quân sự hóa Biển Đông, nhưng một số nước láng giềng cũng đã tham gia xây dựng các sân bay và lắp đặt hệ thống vũ khí tấn công. Tuy nhiên Mỹ lại nhắm mắt làm ngơ", ông Tinh lập luận. Cựu Ngoại trưởng Trung Quốc cho rằng một số chính trị gia Mỹ mang tư duy "Chiến tranh Lạnh", kiềm chế Trung Quốc để làm bá chủ thế giới, còn Bắc Kinh vẫn cam kết phát triển hòa bình.
Tuy nhiên Tiến sĩ Bader đã lập tức phản đối rằng, yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông đầy tham vọng, không rõ ràng, trong một số trường hợp còn có vấn đề về pháp lý. Việc Trung Quốc từ bỏ chính sách giấu mình chờ thời của Đặng Tiểu Bình là thiếu khôn ngoan.
Phát biểu của ông Lý Triệu Tinh một lần nữa lặp lại các luận điệu xuyên tạc để bao che cho tham vọng bành trướng biến Biển Đông thành ao nhà. Bởi ông không đưa ra được băng chứng pháp lý nào cho cái gọi là "chủ quyền" với các đảo ở Biển Đông (Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam).
Ông Tinh đang đánh tráo khái niệm khi nói rằng "một số nước láng giềng cũng đã tham gia xây dựng và lắp đặt hệ thống vũ khí tấn công". Mỹ và dư luận quốc tế nhìn thấy điều này, nhưng cũng đã chỉ rõ bản chất các hoạt động củng cố phòng thủ của các bên yêu sách khác với hoạt động quân sự hóa, biến các bãi cạn lúc nổi lúc chìm thành đảo nhân tạo, làm thay đổi hoàn toàn cấu trúc và hiện trạng các thực thể này.
Đặc biệt, diện tích Trung Quốc bồi lấp có quy mô lớn hơn rất nhiều so với tất cả các bên cộng lại. Đó là chưa nói đến, Trung Quốc không có bất cứ bằng chứng nào chứng minh cho "chủ quyền" với Hoàng Sa hay Trường Sa. Trung Quốc cất quân xâm lược Hoàng Sa năm 1956, 1974 và 6 thực thể ở Trường Sa năm 1988, đá Vành Khăn năm 1995 và chiếm đóng trái phép đến nay.
Những hành động này vi phạm nghiêm trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc và Luật pháp quốc tế. Do đó nó vô giá trị trong việc tuyên bố "chủ quyền" ở Biển Đông - PV.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Satoshi Morimoto cũng nhận xét, hành động của Trung Quốc triển khai vũ khí và binh lính (bất hợp pháp) đến Biển Đông hiện nay hoàn toàn đi ngược với tuyên bố của ông Tập Cận Bình rằng Trung Quốc không quân sự hóa Biển Đông. Ông Bình nói tại Washington tháng 9 năm ngoái, các đảo nhân tạo sẽ không được sử dụng vào mục đích quân sự.
"Hầu hết các nước châu Á đang lo lắng về sức mạnh quân sự Trung Quốc và xu hướng Bắc Kinh muốn thay đổi hiện trạng bằng cách sử dụng vũ lực, chúng tôi có thể bị kéo vào một cuộc xung đột giữa các cường quốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương", Giáo sư Morimoto nói.
Nhà phân tích chính sách đối ngoại Raja Mohan từ Trung tâm Carnegie Ấn Độ nhận xét, châu Á cần phải chuẩn bị để đối phó với một sự thay đổi cơ bản trong cơ cấu quyền lực của thế giới. Chúng ta phải có trách nhiệm hơn.