Cổ phiếu bị cảnh báo, chuyên gia đặt dấu hỏi về "sức khỏe" Eximbank

05/04/2016 16:17
Mai Anh
(GDVN) - Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, việc đưa diện cảnh báo trong thời gian bao lâu, bao giờ kết thúc chưa rõ. Rất có thể quá trình khắc phục khó khăn Eximbank kéo dài...

Lãi ảo

Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM vừa đưa cổ phiếu EIB của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank – MCK: EIB) vào diện cảnh báo kể từ ngày 8/4/2016 với lý do: Lợi nhuận chưa phân phối tại ngày 31/12/2014 đã bị điều chỉnh hồi tố từ mức 114 tỷ đồng xuống còn âm 834,6 tỷ đồng và lợi nhuận chưa phân phối tại ngày 31/12/2015 là âm 817,5 tỷ đồng - căn cứ báo cáo tài chính hợp nhất 2015 đã kiểm toán. 

Quyết định trên của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM được xem sẽ tác động lớn đến nhà đầu tư khi giao dịch cổ phiếu EIB.

Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM vừa đưa cổ phiếu EIB của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) vào diện cảnh báo kể từ ngày 8/4/2016 - ảnh nguồn Đấu Thầu.
Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM vừa đưa cổ phiếu EIB của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) vào diện cảnh báo kể từ ngày 8/4/2016 - ảnh nguồn Đấu Thầu.

Thông tin trên tờ Đấu Thầu cho biết, báo cáo trước kiểm toán của Eximbank, tình hình tài chính của nhà băng này vẫn ổn, khi kết quả kinh doanh năm 2015 có lãi, lợi nhuận chưa phân phối cuối năm đạt 161,6 tỷ đồng. 

Tuy nhiên Báo cáo sau kiểm toán đã xoay chuyển gần như toàn bộ cục diện của Eximbank.

Đầu tiên là lợi nhuận giảm sút, từ mức 62,5 tỷ đồng xuống còn 40 tỷ đồng, tương đương mức giảm 35%. 

Mặt khác, theo kết luận thanh tra của Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 19/10/2015, Eximbank đã bán một số tài sản cố định là bất động sản cho Công ty CP Bất động sản E Xim (Eximland) trong thời gian từ năm 2010 đến năm 2013 và đã ghi nhận các khoản lợi nhuận vào kết quả kinh doanh hợp nhất các năm nói trên, lần lượt là 180 tỷ đồng, 363,4 tỷ đồng, 477,5 tỷ đồng và 96 tỷ đồng.

Tổng lợi nhuận Eximbank đã ghi nhận sau 4 năm từ hoạt động chuyển nhượng này là 1.117 tỷ đồng. 

Sau đó, Eximbank đã mua lại các tài sản này từ Eximland trong thời gian từ năm 2011 đến năm 2015.

Đáng nhẽ Eximbank phải ghi giảm thu nhập do bán các tài sản không đúng quy định và ghi giảm các chi phí liên quan khác để khôi phục giá trị tài sản về giá trị ban đầu.

Tuy nhiên do ghi nhận lãi ảo từ việc mua/bán tài sản giữa Eximbank và Eximland đã khiến ngân hàng này bị điều chỉnh hồi tố từ mức 114 tỷ đồng xuống còn âm 834,6 tỷ đồng và lợi nhuận chưa phân phối tại ngày 31/12/2015 là âm 817,5 tỷ đồng.

Nhà đầu tư bất an

Nhìn vào việc Eximbank ghi nhận lãi ảo, TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính ngân hàng đặt ra câu hỏi: Với sự khác biệt con số, liệu rằng ngân hàng có tìm cách “xào nấu” sổ sách đưa ra con số đẹp thay vì trung thực báo lỗ?

TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nếu cố tình sai phạm thì sự việc mang tính chất hình sự, cần làm rõ trách nhiệm cá nhân cụ thể.

Thông tin Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM đưa cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Eximbank (mã chứng khoán EIB) vào diện cảnh báo, sẽ ảnh hưởng lớn đến tâm lý nhà đầu tư bởi khi cổ phiểu đưa vào diện cảnh báo, giá cổ phiếu sẽ ảnh hưởng theo chiều hướng giảm. 

Theo ông Hiếu, việc đưa diện cảnh báo trong thời gian bao lâu, bao giờ kết thúc chưa rõ. Rất có thể quá trình khắc phục khó khăn Eximbank kéo dài, điều này sẽ khiến nhà đầu tư bất an.

Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực - Giám đốc Trường đào tạo cán bộ BIDV cho rằng, việc cổ phiếu EIB bị đưa vào diện cảnh báo thể hiện những khó khăn của Eximbank. Ngay ngày hôm qua giá cổ phiếu EIB đã giảm.

Theo TS. Cấn Văn Lực, giá cổ phiếu EIB giảm do không được giao dịch ký quỹ, nghĩa là nhà đầu tư không được phép vay tiền để giao dịch ký quỹ, điều này dẫn đến kinh doanh mua bán chứng khoán.

Mặt khác, thông tin cổ phiếu EIB bị đưa vào diện cảnh báo có thể ảnh hưởng đến tính thanh khoản của cổ phiếu EIB vì không được giao dịch ký quỹ sẽ mất quyền mua bán trên thị trường.

Trước đó trả lời trên Tuổi Trẻ, ông Ngô Thanh Tùng - thành viên HĐQT Eximbank cho biết với tình hình như hiện nay, chắc chắn Eximbank phải trải qua những giai đoạn khó khăn để khắc phục hậu quả để lại trong quá khứ.

Theo đó, trong năm 2016 Eximbank sẽ phải duy trì kết quả kinh doanh. Ngoài ra, phải tập trung xử lý nợ xấu tồn đọng trong quá khứ và cải cách nguồn nhân lực, đào tạo, tái đào tạo và tuyển dụng để nhân viên của Eximbank phải bảo đảm năng lực làm việc và có đạo đức nghề nghiệp.

Mai Anh