Thời báo Tự do Đài Loan ngày 6/4 và Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc ngày 5/4 cho hay, năm 2015 các khu vực trên toàn cầu liên tiếp xảy ra xung đột, Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) Thụy Điển ngày 4/4 công bố báo cáo thường niên cho biết, tổng mức chi tiêu quân sự toàn cầu năm 2015 là 1,67 nghìn tỷ USD, tăng 1% so với năm 2014. Đây là lần đầu tiên tăng trưởng kể từ năm 2011 đến nay.
Tàu chiến Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc |
SIPRI cho hay, khu vực tăng chi tiêu quân sự chủ yếu ở các khu vực như Đông Âu (chịu ảnh hưởng từ Nga), Trung Đông (do xung đột vũ trang) và châu Á (do Trung Quốc bành trướng). Mặc dù chi tiêu quân sự của Mỹ vẫn đứng đầu thế giới, với mức 596 tỷ USD, nhưng, đã giảm 2,4% so với năm 2014.
Đáng chú ý, Trung Quốc, quốc gia đang tiếp tục áp đặt yêu sách bành trướng ở Biển Đông, chi tiêu quân sự năm 2015 tăng 7,4%, đạt 215 tỷ USD, đứng thứ hai thế giới.
Do ảnh hưởng từ chính sách bành trướng của Bắc Kinh, chi tiêu quốc phòng của Đài Loan và cac nước Đông Nam Á cũng tăng trưởng so với năm 2014.
Các nước Đông Nam Á nhất là các nước ven Biển Đông như Philippines, Indonesia, Malaysia, Việt Nam và Thái Lan đã tích cực tăng chi tiêu quốc phòng để tăng cường thực lực chống lại chủ nghĩa bành trướng của Bắc Kinh.
Chẳng hạn, chi tiêu quốc phòng của Philippines năm 2015 tăng 25,5%, Indonesia tăng 16,5%, Malaysia, Việt Nam và Thái Lan lần lượt tăng 7,7%, 7,6% và 6,5%. Còn chi tiêu quốc phòng của Đài Loan năm 2015 cũng tăng 0,7%.
Máy bay chiến đấu J-11BH và J-11BSH của một trung đoàn không quân Hạm đội Nam Hải, Trung Quốc tổ chức huấn luyện cường độ lớn vào ngày 10/3/2016 |
Bình luận về xu thế này, Financial Times ngày 6/4 cho rằng, một cuộc chạy đua vũ trang ngày càng tăng giữa Trung Quốc và các nước láng giềng đã làm thúc đẩy chi tiêu quốc phòng toàn cầu tăng trưởng lần đầu tiên trong 3 năm qua, bất chấp giá dầu sụt giảm.
Chi tiêu quân sự ở châu Á tăng 5,4% trong năm 2015, vượt qua cả khu vực Trung Đông tăng trưởng 4,1$. Căng thẳng càng leo thang ở châu Á, ngành công nghiệp vũ khí toàn cầu lại thu về những khoản lợi nhuận kếch xù do xu hướng này tạo ra.
Mặc dù báo cáo của SIPRI chỉ rõ Trung Quốc là nguyên nhân dẫn tới chạy đua vũ trang trong khu vực, nhưng nhà nghiên cứu Trương Quân Xã từ Viện nghiên cứu học thuật quân sự hải quân Trung Quốc lại quen thói đổ lỗi cho Mỹ như thường thấy.
Trương Quân Xã cho rằng, tăng chi tiêu quân sự toàn cầu chủ yếu là do Mỹ thúc đẩy. Mỹ hiện diện quân sự trên toàn cầu, có cam kết quốc phòng với các đồng minh, cũng yêu cầu các đồng minh tăng cường sức mạnh quân sự để phối hợp với vai trò “cảnh sát thế giới” của họ.
Biện hộ cho chính sách bành trướng của Bắc Kinh, Trương Quân Xã cho rằng: “Trung Quốc áp dụng thái độ ‘bảo vệ chủ quyền chính đáng’, còn Mỹ luôn thông qua sức mạnh quân sự tiếp tục duy trì vị thế bá chủ toàn cầu, đây mới là điều không hợp thời”.
Cho dù ông Trương Quân Xã có biện hộ thế nào thì Trung Quốc cũng không có chủ quyền đối với các đảo đá ở Biển Đông. Trung Quốc cất quân xâm lược, nhảy vào tranh chấp và ra sức quân sự hóa Biển Đông rõ ràng đang gây chạy đua vũ trang trong khu vực, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, an ninh và ổn định khu vực - PV.
Tàu đổ bộ đệm khí lớn nhất thế giới Zubr Trung Quốc mua từ Ukraine, xuất hiện trong cuộc tập trận đổ bộ nhiều binh chủng ở Biển Đông trong tháng 7/2015 |