VOA ngày 8/3 đưa tin, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đoàn Duy Khương hôm 7/3 mô tả Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, với kim ngạch hai chiều đạt hơn 66 tỷ USD năm 2015.
Tuy nhiên, thống kê của Trung Quốc cho thấy kim ngạch thương mại Việt-Trung đạt 95,82 tỷ USD trong cùng năm, cao gần gấp rưỡi con số chính thức của Việt Nam. Như vậy, con số thống kê giữa Việt Nam và Trung Quốc về thương mại hai chiều trong năm 2015 lại có sự chênh lệch rất lớn với 29,82 tỷ USD.
Trong khi đó năm 2014, Tổng cục thống kê Việt Nam công bố tổng giá trị kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc là 58,7 tỷ USD, còn phía Trung Quốc công bố là 83,6 tỷ USD.
Trước đó, lý giải về sự chênh lệch này bà Lê Thị Minh Thủy, Vụ trưởng Vụ thống kê Thương mại và Dịch vụ, Tổng cục Thống kê có nêu lên ba điểm được xem là nguyên nhân của vấn đề: Buôn lậu, trao đổi thương mại qua đường tiểu ngạch và đặc biệt là cách tính giá trị hàng hóa của hai nước có khác biệt, theo Thời báo Tài chính Việt Nam, ngày 14/6/2015.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ảnh: Tân Hoa Xã. |
“Năm 2014, Việt Nam thống kê xuất khẩu sang Trung Quốc thấp hơn 5 tỷ USD, cơ quan thống kê sử dụng theo danh mục mã số HS (mã hàng hoá mà cơ quan Hải quan dùng để tính giá trị hàng hoá và thuế XNK), với danh mục này, các loại hàng hóa có cách mô tả rõ ràng thì các nước có thể thống nhất, song với những hàng hóa mô tả phức tạp thì mỗi nước lại dùng một mã HS khác nhau”, bà Lê Thị Minh Thủy cho biết.
Với cách lý giải này thì rõ ràng con số thực về giá trị thương mại giữa hai nước là cao hơn con số mà Việt Nam thống kê được, còn con số của Trung Quốc thì chưa thể kiểm chứng và thống nhất.
Về nghiệp vụ và nguyên nhân của sự khác biệt, người viết xin đề cập vào một dịp khác. Trong khuôn khổ bài viết này chỉ xin đi vào việc được, mất của kinh tế Trung Quốc và kinh tế Việt Nam phía sau những sự chênh lệch này.
Trung Quốc được lợi gì phía sau những con số chênh lệch về trị giá XNK với Việt Nam?
Có thể thấy rằng, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam nếu tính trên tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước. Nhưng chưa thể khẳng định kinh tế Trung Quốc mang lại nguồn lợi lớn nhất cho kinh tế Việt Nam.
Thậm chí đã có nhiều phân tích và nhận định Việt Nam bị thiệt nhiều hơn trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc.
Trung Quốc làm lợi từ Việt Nam bằng nhiều cách khác nhau, từ đảo ngược quy trình kinh tế đến áp dụng những nguyên tắc đầu tư hiệu quả kép, từ điều tiết tỷ giá đồng nhân dân tệ (CNY) đối với VND hay USD đến tận dụng nguồn vốn của doanh nghiệp Việt Nam theo kiểu ném đá giấu tay…
Và nếu phân tích kỹ thì việc công bố số liệu chênh lệch quá lớn với Việt Nam – theo cách tính của Trung Quốc – cũng không nhằm ngoài mục đích làm lợi cho họ.
Khi Trung Quốc sử dụng con số để nghiễm nhiên trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam thì đương nhiên kèm theo đó là vị thế và vai trò trò của “bạn hàng lớn, bạn hàng chiến lược” được khai thác.
Trước tiên, các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ được hưởng ưu đãi trong chính sách khuyến khích hợp tác đầu tư nước ngoài của Việt Nam, mà cụ thể là lĩnh vực hợp tác được ưu tiên, phương thức hợp tác được ưu tiên và cuối cùng sẽ là dự án được ưu tiên.
Việc các doanh nghiệp Trung Quốc liên tục thắng thầu tại Việt Nam, người lao động Trung Quốc có thể ồ ạt vào làm việc tại Việt Nam không thể không có tác động bởi vị thế của “bạn hàng lớn”.
Có thể có rất nhiều đối tác muốn hợp tác đầu tư trong nhiều lĩnh vực tại Việt Nam nhưng có lẽ họ phải “dừng lại và suy nghĩ” vì ảnh hưởng của kinh tế Trung Quốc đối với kinh tế Việt Nam.
Bởi lẽ, khi mặt hàng nào đó, lĩnh vực nào đó đã gần như thuộc về “độc quyền” của doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam thì những đối tác khác khi bước vào Việt Nam phải chịu ảnh hưởng, thậm chí tuân thủ luật chơi của Trung Quốc bấy lâu nay.
Mà nếu phải tuân thủ cái “luật bất thành văn” ấy thì đối tác khác không thể chiến thắng được doanh nghiệp Trung Quốc – dù có sòng phẳng hay minh bạch thế nào đi chăng nữa.
Như vậy là từ hưởng ưu đãi nhờ con số lớn, thì nay Trung Quốc đã sử dụng con số lớn ấy khống chế đối tác nước ngoài là bạn hàng hay bạn hàng tiềm năng của Việt Nam. Đó cũng chính là một cách Trung Quốc khống chế doanh nghiệp Việt Nam.
Hàng hoá Trung Quốc có thể độc quyền tại Việt Nam nhờ “con số lớn” và qua đó không chế đối tác và đói thủ của họ. Ảnh minh họa: 15min.lt. |
Trung Quốc có thể khống chế về số lượng, chất lượng và đặc biệt là giá cả, trong khi Trung Quốc đang chiến thắng hầu hết các đối thủ trên thế giới là nhờ giá rẻ, do vậy giá hàng hoá Trung Quốc sẽ “quây” kinh tế Việt Nam lại.
Người viết đã từng phân tích, dù nhiều đối tác trên thế giới không hoàn toàn đồng tình với chính sách kinh tế vĩ mô của chính phủ Trung Quốc, không đồng tình với triết lý kinh doanh và cơ chế hợp tác làm ăn của doanh nghiệp Trung Quốc, thậm chí “ghét cay ghét đắng” kiểu làm ăn của người Trung Quốc, nhưng tất cả đều không muốn cắt đứt quan hệ làm ăn với Trung Quốc.
Nguyên nhân của sức hút ấy chính là vì vị thế và vai trò của kinh tế Trung Quốc đối với kinh tế toàn cầu – là nhà nhập khẩu lớn, là nhà xuất khẩu lớn của hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Vì vậy, kinh tế Việt Nam không thể thoát khỏi cái lực hút ấy từ kinh tế Trung Quốc, thậm chí kinh tế Việt Nam còn bị hút mạnh hơn bởi sự tương đồng giữa Việt Nam và Trung Quốc về văn hoá kinh doanh cũng như nhiều vấn đề khác trong sản xuất – kinh doanh.
Và để kinh tế Việt Nam ngày càng bị hút mạnh vào kinh tế Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ sử dụng nhiều biện pháp. Trong đó việc trở thành đối tác lớn nhất trong quan hệ làm ăn với Việt Nam là biện pháp mang tính toàn cục và rất nguy hiểm.
Nó ngăn chặn từ xa những đối tác có thể mang lại lợi ích cho Việt Nam. Nó hình thành một cách tự nhiên những “quy tắc bất thành văn” cho đối tác nước ngoài lăm ăn trên đất nước Việt Nam.
Từ đó nó hình thành nên những thứ “độc quyền Trung Quốc” tại Việt Nam, dần dần khiến cho doanh nghiệp Việt Nam, kinh tế Việt Nam phụ thuộc, rồi lệ thuộc vào Trung Quốc.
Với lợi thế và vị thế của mình, một lĩnh vực nào đó, một loại hàng hoá nào đó đã bị thương nhân Trung Quốc chiếm lĩnh tại Việt Nam thì khó có đối thủ nào cạnh tranh và chiến thắng được. Và điều đó đã và đang ngày càng được chứng minh một cách rõ nét trên đất nước chúng ta.
Đặc biệt, khi hàng hoá Trung Quốc đang bắt đầu hướng vào đáp ứng nhu cầu, thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng không phụ thuộc vào giá rẻ, thì có thể thấy rằng nguy cơ hình thành thói quen, rồi trở thành sở thích dùng hàng Trung Quốc trong tâm lý người tiêu dùng Việt Nam, không còn là điều không thể nữa.
Như vậy, rõ ràng việc Trung Quốc đưa ra số liệu chênh lệch lớn, để trở thành đối tác lớn nhất của Việt Nam không chỉ đơn thuần là khác nhau trong biện pháp nghiệp vụ giữa Trung Quốc với Việt Nam.
Trung Quốc đã sử dụng việc thống kê phục vụ cho cho những toan tính của mình, mà những con số chênh lệch cực lớn ấy là một công cụ hữu hiệu và rất khả thi.
Việt Nam khai thác được lợi ích gì từ những con số chênh lệch của Trung Quốc?
Người viết cho rằng, trong tình hình kinh tế hiện nay, “thoát Trung” là không thể, vì vậy phải tương kế tựu kế để khai thác tốt nhất những gì có được trong quan hệ kinh tế Việt–Trung.
Khi Trung Quốc sử dụng con số thống kê kim ngạch xuất nhập khẩu chênh lệch với Việt Nam để thực hiện ý đồ khống chế của họ, thì Việt Nam cũng sử dụng con số chênh lệch ấy để làm lợi cho mình.
Trong ba nguyên nhân thì người viết xin lấy tổng giá trị kim ngạch xuất nhập giữa Việt Nam và Trung Quốc khác biệt do cách tính không giống nhau giữa hai bên làm cơ sở phân tích, bởi nó là con số có thật, đã được khảng định.
Còn lại, buôn lậu và buôn bán qua đường tiểu ngạch không thể kiểm soát chỉ là phỏng đoán, cần phải điều tra để làm rõ. Người viết cho rằng, Việt Nam không nên khư khư bám lấy con số của mình chỉ để khẳng định nghiệp vụ chính xác.
Khi Trung Quốc đưa ra con số thống kê chênh lệch với Việt Nam lên đến hàng chục tỷ USD, tương đương với hàng trăm ngàn tỷ VND, đã khiến nhiều người phải giật mình.
Bởi đất nước Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam, người dân Việt Nam đã hết sức mạo hiểm khi từng nắm giữ khối lượng hàng hóa có trị giá quá lớn mà lại không được xem là có chút giá trị nào hết, vì Việt Nam không ghi nhận con số ấy.
Tuy nhiên, con số ấy sẽ là vô giá trị nếu mọi việc gia công – sản xuất diễn ra bình thường. Nhưng nếu xảy ra thất thoát, mất mát hay hoả hoạn, rủi ro thì những con số ấy không còn nằm ngoài trách nhiệm của người Việt Nam.
Bởi lẽ nó nằm trên dây chuyền sản xuất hay nằm trong kho bãi của doanh nghiệp Việt Nam và lúc đó giá trị của nó được xem là mấu chốt trong quan hệ giữa doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Trung Quốc.
Nghĩa là Việt Nam đã có rủi ro nhưng lại không có phí đề phòng rủi ro. Điều đó cho thấy người Việt Nam đã gìn giữ và bảo quản miễn phí cho doanh nghiệp Trung Quốc, cũng như bạn hàng của họ, một số lượng tài sản có giá trị lớn khủng khiếp mà không có lấy một đồng tiền công.
Doanh nghiệp Việt Nam đã lãng phí chi phí đề phòng rủi ro với hàng hoá của Trung Quốc. Ảnh: asiannews.it. |
Nhưng nếu xảy ra rủi ro thì người dân Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam lại phải có trách nhiệm trong cái rủi ro ấy vì bảo quản hàng hoá thuộc về trách nhiệm của người Việt Nam.
Như vậy, từ số liệu chênh lệch của cơ quan thống kê Trung Quốc cho thấy doanh nghiệp Việt Nam, người dân Việt Nam, đất nước Việt Nam đã lãng phí một khoản tiền rất lớn trong làm ăn với đối tác Trung Quốc, đó là phí rủi ro.
Do đó, khi Trung Quốc đưa ra con số chênh lệch thì Việt Nam phải ghi nhận và nhanh chóng cung cấp cho doanh nghiệp giá cả những loại hàng hoá mà họ gia công – sản xuất để làm cơ sở đàm phán phí rủi ro với đối tác Trung Quốc.
Bởi lẽ, đó là giá cả của Trung Quốc trên thị trường nên có thể dùng đó làm cơ sở đàm phán, thương lượng ký kết hợp đồng. Và cũng từ việc đề phòng rủi ro, doanh nghiệp sẽ ký kết hợp đồng bảo hiểm hàng hoá tại kho bãi hay ngay tại dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp mình.
Trước đây thì loại hợp đồng bảo hiểm này không nhiều nhưng nay thì đã trở thành nhu cầu của nhiều doanh nghiệp.
Vui mừng và cay đắng |
Ông Phùng Ngọc Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính, từng cho biết: "Số lượng tổ chức, doanh nghiệp và người dân tham gia bảo hiểm cháy nổ còn thấp”.
Tuy nhiên, qua vụ cháy Trung tâm Thương mại Hải Dương tháng 9/2014 đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng, lên tới 500 tỉ đồng, khiến nhiều tiểu thương tiếc nuối vì mất trắng tài sản do không tham gia bảo hiểm cháy nổ dù nguy cơ cơ rủi ro luôn bao vây, theo báo Nhịp Cầu Đầu Tư ngày 22/9/2015.
Qua vụ việc đó và hàng trăm vụ cháy nổ gây thiệt hại cho doanh nghiệp đã khiến cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia bảo hiểm cháy nổ nhiều hơn. Tuy nhiên điều quan trọng là phải biết giá trị hàng hóa để làm sơ sở cho giá trị hợp đồng bào hiểm và chi phí bồi thường thiệt hại.
Qua đó cho thấy số liệu của cơ quan thống kê Trung Quốc về kim ngạch xuất nhập khẩu của nước này với Việt Nam là rất có ý nghĩa cho các doanh nghiệp trong việc đề phòng rủi ro khi hợp tác làm ăn với doanh nghiệp Trung Quốc.
Và cuối cùng, cũng như Trung Quốc, Việt Nam cũng sử dụng “con số lớn” của Trung Quốc để nâng tầm của mình lên là một trong những có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn trên thế giới, từ đó mà tạo ra nhiều lợi thế từ “cái lớn” ấy.
Đặc biệt, khi tham gia TPP thì cái vị thế đó rất quan trọng khi hàng hoá có xuất xứ nhưng không có nguồn gốc của Việt Nam tràn vào các đối tác trong cơ chế vận hành của Hiệp định thương mại đặc biệt này.
Việt Nam có thế khai thác kinh nghiệm của Singapore trong quan hệ với Trung Quốc.
“Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Singapore... Phát triển quan hệ chiến lược với Trung Quốc giúp rút ra những lợi thế so sánh của Singapore và Trung Quốc, qua đó thử nghiệm đổi mới chính sách mà hai bên cùng có lợi…”, Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan đã chia sẻ trên China Daily ngày 29/2.
Tóm lại, Trung Quốc không vô tư khi công bố con số chênh lệch rất lớn trong quan hệ thương mại với Việt Nam – dù có thể không phải là gian dối – và Việt Nam cũng không nên vô tư ném những con số có giá trị ấy vào sọt rác như hiện nay.
Đó có thể xem là việc Trung Quốc đã vô tình cung cấp cho Việt Nam một thứ “bảo bối” mà Việt Nam có thể từ đó lớn lên, mạnh hơn trong việc hoá giải sự khống chế của Bắc Kinh và làm lợi cho người dân Việt Nam, cho doanh nghiệp Việt Nam.